Chìa khóa giúp doanh nghiệp phát triển

Trước những khó khăn, thách thức của cộng đồng doanh nghiệp do những biến động của thị trường trong và ngoài nước, tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, nâng cao sức cạnh tranh, góp phần tạo việc làm và thu nhập cho người lao động trên địa bàn.

Trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 16.700 doanh nghiệp đăng ký hoạt động với tổng số vốn đầu tư hơn 292 nghìn tỷ đồng, trong đó có hơn 75% doanh nghiệp đang hoạt động. Với những nỗ lực rất lớn, cộng đồng doanh nghiệp đã đóng góp quan trọng vào sự phát triển và tăng trưởng của Vĩnh Phúc thời gian qua.

Vĩnh Phúc tích cực cải cách thủ tục hành chính, xây dựng chính quyền số, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển. Ảnh: Chu Kiều

Vĩnh Phúc tích cực cải cách thủ tục hành chính, xây dựng chính quyền số, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển. Ảnh: Chu Kiều

Trong năm qua, nhờ sự hỗ trợ tích cực của tỉnh, số doanh nghiệp quay trở lại thị trường có sự gia tăng, thể hiện xu hướng doanh nghiệp đang phục hồi, thích ứng với những khó khăn và tin tưởng vào triển vọng tăng trưởng thời gian tới.

Để giúp các doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả, tỉnh đã tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, có tính hấp dẫn và cạnh tranh nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, nhất là trong tiếp cận nguồn lực đất đai, hạ tầng, nguồn vốn và ưu đãi thuế.

Cùng với đó, tỉnh tập trung khuyến khích hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh. UBND tỉnh thường xuyên chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan chủ động trong công tác tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp từ lúc hình thành ý tưởng đầu tư, kinh doanh, giới thiệu địa điểm đầu tư.

Hướng dẫn, giải đáp cho các doanh nghiệp về chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp của Nhà nước và của tỉnh. Tập trung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn theo quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

UBND tỉnh thường xuyên chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương đẩy mạnh cải cách hành chính theo hướng đơn giản hóa, trao thẩm quyền cho các đơn vị chức năng trong giải quyết các thủ tục hành chính theo mô hình một cửa tại chỗ nhằm hỗ trợ các dự án đầu tư vào các khu công nghiệp.

Cung cấp các dịch vụ tiện ích như dịch vụ viễn thông, cung cấp nước sạch, xử lý nước thải, hoàn thiện kết cấu hạ tầng… Tổ chức hội thảo, tập huấn, liên kết với các cơ sở đào tạo để bồi dưỡng kiến thức, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp. Tích cực hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm, tiếp cận các nguồn tài chính của ngân hàng.

Năm 2024, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo ngành ngân hàng tổ chức 8 hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp để giúp các đơn vị ổn định sản xuất, mở rộng kinh doanh. Với nhiều gói vay lãi suất ưu đãi, trong năm đã có 3.350 khách hàng doanh nghiệp được vay vốn, dư nợ đạt 59 nghìn tỷ đồng, tăng 11,34% về số dư nợ so với cùng kỳ. Đã có 3.000 khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa được vay vốn ưu đãi, dư nợ đạt 30 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 50,58% dư nợ cho vay doanh nghiệp.

Đặc biệt, vào sáng thứ 6 hằng tuần và tuần thứ 4 hằng tháng, lãnh đạo UBND tỉnh sẽ tiếp doanh nghiệp, doanh nhân để lắng nghe, xem xét, giải quyết và chỉ đạo việc giải quyết các phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp...

Là doanh nghiệp DDI đầu tư tại Vĩnh Phúc từ năm 2002, Công ty cổ phần Ống thép Việt Đức, thị trấn Đạo Đức (Bình Xuyên) đã không ngừng phát triển, vươn lên trở thành 1 trong 4 nhà sản xuất thép lớn nhất cả nước.

Theo lãnh đạo công ty, sau 22 năm phát triển, Thép Việt Đức đã trở thành tập đoàn sản xuất thép với 3 công ty thành viên, liên kết, chuyên sản xuất các sản phẩm chủ lực là ống thép đen, ống thép mạ kẽm nhúng nóng, ống tôn mạ, tôn mạ kẽm và thép xây dựng chất lượng cao, tổng công suất 1,3 triệu tấn/năm, cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Tập đoàn đang tạo việc làm, thu nhập ổn định cho gần 1.000 lao động, với mức lương bình quân gần 15 triệu đồng/người/tháng.

Để có thể lớn mạnh như ngày hôm nay, doanh nghiệp luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của tỉnh trong giới thiệu địa điểm đầu tư, giải quyết quyết thủ tục hành chính, cấp phép xây dựng, bồi thường giải phóng mặt bằng, cung cấp nguồn nhân lực… Với sự hỗ trợ tích cực đó, doanh nghiệp cam kết sẽ luôn đồng hành cùng sự phát triển Vĩnh Phúc.

Theo đại diện một số doanh nghiệp trên địa bàn, để nâng cao hiệu quả hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững thì việc hỗ trợ bằng giảm lãi suất cho vay hay giảm thuế chỉ là giải pháp trước mắt. Về lâu dài, các chính sách hỗ trợ của tỉnh cần tập trung vào các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng hoạt động và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Cùng với đó, tập trung hỗ trợ về quy định trình tự, thủ tục, chế độ kế toán theo hướng đơn giản, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, hay hỗ trợ các vấn đề mà doanh nghiệp gặp nhiều hạn chế, vướng mắc như công tác quản trị doanh nghiệp, quản lý lao động, tiền lương, vướng mắc về các thủ tục pháp lý… để hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp ngày một hiệu quả, chất lượng.

Tuy nhiên, cùng với sự hỗ trợ tích cực của tỉnh, các doanh nghiệp cần có chiến lược sản xuất, kinh doanh hiệu quả và bền vững của mình. Trong đó, việc áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ, tự cải tiến máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất sẽ là chìa khóa giúp doanh nghiệp phát triển bền vững.

Thành An

Nguồn Vĩnh Phúc: https://baovinhphuc.com.vn/tin-tuc/articletype/articleview/articleid/122319//chia-khoa-giup-doanh-nghiep-phat-trien
Zalo