Chìa khóa để xây dựng nền giáo dục chất lượng, bền vững từ việc quản lý dạy thêm, học thêm

Trong một xã hội hiện đại, việc hài hòa giữa quản lý và thực tế dạy thêm, học thêm chính là chìa khóa để xây dựng một môi trường giáo dục chất lượng và bền vững.

Dạy thêm, học thêm là nhu cầu chính đáng từ việc học sinh cần ôn luyện, củng cố kiến thức để chuẩn bị tốt hơn cho các kỳ thi. (Nguồn: VGP)

Dạy thêm, học thêm là nhu cầu chính đáng từ việc học sinh cần ôn luyện, củng cố kiến thức để chuẩn bị tốt hơn cho các kỳ thi. (Nguồn: VGP)

Ngày 30/12/2024, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm (Thông tư 29). Ngày 14/2, thông tư về dạy thêm, học thêm của Bộ GD&ĐT sẽ có hiệu lực.

Thời gian gần đây, các quy định mới về dạy thêm, học thêm đã tạo ra sự chú ý trong cộng đồng giáo dục cũng như gây hoang mang cho người thầy và cả phụ huynh. Tuy nhiên, thực chất những quy định này không hề cấm giáo viên được dạy thêm, mà chỉ đưa hoạt động này vào khuôn khổ pháp lý, tạo ra những quy trình minh bạch và hợp pháp. Điều này không chỉ giúp các giáo viên có thể tiếp tục công việc dạy thêm một cách hợp pháp, mà còn thúc đẩy trách nhiệm nghề nghiệp của họ đối với học sinh và xã hội.

Dạy thêm, học thêm từ lâu đã trở thành một phần không thể thiếu trong hệ thống giáo dục. Đây là nhu cầu thực tế xuất phát từ việc học sinh cần ôn luyện, củng cố kiến thức để chuẩn bị tốt hơn cho các kỳ thi. Mặc dù việc học chính thức trên lớp đã được quy định, nhưng do sự khác biệt về năng lực học tập giữa các học sinh và yêu cầu học tập ngày càng cao, nhiều học sinh cần thêm thời gian và sự hỗ trợ để theo kịp chương trình.

Với những nhu cầu này, việc dạy thêm trở thành một phần thiết yếu giúp học sinh hoàn thiện kiến thức và kỹ năng. Giáo viên cũng có thể sử dụng việc dạy thêm như một cách để củng cố kiến thức cho học sinh và cải thiện thu nhập cá nhân. Tuy nhiên, sự phát triển của dạy thêm, học thêm cũng đi kèm với không ít hệ lụy tiêu cực nếu không có sự quản lý đúng đắn.

Vì thế, quy định mới được ban hành nhằm hạn chế những tiêu cực, biến tướng, bảo vệ quyền lợi của học sinh và giữ vững phẩm chất nghề nghiệp của người thầy. Nhiều chuyên gia cho rằng, cần xây dựng những quy định rõ ràng, quy trình kiểm tra nghiêm ngặt đối với các lớp học thêm để đảm bảo chất lượng và tính minh bạch. Giáo viên cần tuân thủ những quy định về mức phí hợp lý, chất lượng giảng dạy và đảm bảo rằng việc dạy thêm không trở thành gánh nặng cho học sinh và phụ huynh.

Phụ huynh phải có sự hiểu biết về các quy định pháp lý liên quan đến việc dạy thêm, học thêm, để có thể giám sát việc dạy và học của con em mình. (Nguồn: VGP)

Phụ huynh phải có sự hiểu biết về các quy định pháp lý liên quan đến việc dạy thêm, học thêm, để có thể giám sát việc dạy và học của con em mình. (Nguồn: VGP)

Thứ trưởng GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng đã có những chia sẻ liên quan đến quy định mới về dạy thêm, học thêm. Ông nhấn mạnh, các hoạt động dạy thêm, học thêm được quản lý, chứ "không cấm". Quy định rõ những hoạt động dạy thêm, học thêm nào đúng quy đinh; hoạt động nào không đúng quy định để chính quyền các cấp, các tổ chức cá nhân và toàn xã hội tham gia giám sát.

Như vậy, trong khuôn khổ những quy định này, giáo viên không bị cấm dạy thêm, nhưng họ phải thực hiện việc dạy thêm một cách đúng đắn, tuân thủ các quy định của pháp luật và quy tắc đạo đức nghề nghiệp. Việc này đòi hỏi các thầy cô giáo cần nâng cao ý thức về trách nhiệm nghề nghiệp, cũng như vai trò của mình trong việc hình thành và phát triển nhân cách của học sinh.

Việc giáo viên làm nghề một cách đàng hoàng, có thu nhập hợp pháp từ việc dạy thêm là điều hoàn toàn có thể thực hiện nếu mọi người tuân thủ đúng quy định. Trái lại, những hành vi gian lận, lợi dụng công việc dạy thêm để trục lợi cá nhân sẽ bị loại bỏ, từng bước mang lại một môi trường giáo dục trong sạch hơn. Điều này giúp cho hình ảnh người thầy không bị hoen ố bởi những hành vi thiếu đạo đức.

Tuy nhiên, để thực hiện những thay đổi này, không phải ai cũng dễ dàng chấp nhận. Việc thay đổi thói quen, từ bỏ những cách làm cũ vốn mang lại lợi ích là điều không hề dễ dàng. Đặc biệt, đối với những người thầy đã quen với công việc dạy thêm tự do, không bị ràng buộc bởi quy định, việc chuyển sang làm việc trong khuôn khổ pháp lý đòi hỏi sự quyết tâm và nỗ lực.

Nhưng trong xã hội văn minh, việc tuân thủ pháp luật là trách nhiệm và quyền lợi của mỗi cá nhân. Học cách sống và làm việc theo pháp luật không chỉ giúp chúng ta bảo vệ được bản thân, mà còn góp phần xây dựng một môi trường giáo dục lành mạnh và phát triển bền vững.

Điều quan trọng nhất trong tất cả những quy định này là học sinh luôn phải là trung tâm. Giáo dục phải được nhìn nhận như một quá trình phát triển toàn diện, không chỉ về mặt kiến thức mà còn về nhân cách, phẩm chất của học sinh. Để tạo ra những sản phẩm giáo dục bản lĩnh, tự tin và tử tế trong tương lai, người thầy cần phải là tấm gương sáng, tuân thủ quy định và luôn đặt lợi ích của học sinh lên hàng đầu.

Tóm lại, quy định mới về dạy thêm, học thêm không chỉ mang lại cơ hội để giáo viên có thể tiếp tục làm nghề và có thêm thu nhập hợp pháp mà còn là một cơ hội để nâng cao chất lượng giáo dục, đảm bảo tính minh bạch và trách nhiệm trong công việc. Điều quan trọng nhất là mọi hành động, mọi quyết định đều phải hướng đến mục tiêu chung xây dựng một hệ thống giáo dục văn minh, công bằng và phát triển.

Thứ trưởng GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho rằng, việc ban hành Thông tư quy định dạy thêm, học thêm là để phù hợp với rất nhiều các chính sách, quy định hiện hành và phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Cho đến thời điểm này, qua theo dõi dư luận, các quy định của Thông tư nhận được sự đồng tình từ xã hội.

Như vậy, tổng thể để quản lý một vấn đề “lớn, khó” như dạy thêm, học thêm đã được thể hiện thông qua các quy định của Thông tư 29. Bây giờ là quá trình thực hiện, trong đó “hiểu, làm đúng trách nhiệm của các bên” là yếu tố quyết định để Thông tư 29 thực sự đi vào cuộc sống.

Muốn vậy, cần có những biện pháp khuyến khích các giáo viên tham gia vào việc dạy thêm một cách có trách nhiệm, tập trung vào việc nâng cao chất lượng giảng dạy thay vì chỉ quan tâm đến lợi nhuận.

Bên cạnh đó, học sinh và phụ huynh cũng được trang bị kiến thức để lựa chọn lớp học thêm phù hợp, tránh tình trạng học sinh tham gia vào những lớp học thiếu chất lượng, với mức phí quá cao. Phụ huynh phải có sự hiểu biết về các quy định pháp lý liên quan việc dạy thêm, học thêm, để có thể giám sát việc dạy và học của con em mình.

Ngoài ra, các cơ sở giáo dục cũng phải tăng cường hỗ trợ và tạo điều kiện cho giáo viên nâng cao trình độ chuyên môn, đồng thời xây dựng môi trường học tập trong nhà trường lành mạnh, tránh việc giáo viên phải "chạy" theo lợi nhuận từ dạy thêm.

Có thể nói, dạy thêm, học thêm là nhu cầu thực tế, việc quản lý chặt chẽ là cần thiết để ngăn chặn những tiêu cực, nhưng đồng thời cũng cần có những điều chỉnh hợp lý để đảm bảo quyền lợi cho học sinh, phụ huynh và giáo viên. Trong một xã hội hiện đại, việc hài hòa giữa quản lý và thực tế dạy thêm, học thêm chính là chìa khóa để xây dựng một môi trường giáo dục chất lượng và bền vững.

Thủ tướng Chính phủ đã có công điện gửi UBND các tỉnh, thành phố và Bộ GD&ĐT chỉ đạo công tác tuyển sinh THCS, THPT và quản lý dạy thêm học thêm ở cấp phổ thông. Liên quan việc quản lý dạy thêm, học thêm, Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố phải chỉ đạo các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn thực hiện nghiêm quy định về dạy thêm, học thêm và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm quy định. Đồng thời, chỉ đạo nhân rộng những tấm gương tập thể, cá nhân tận tụy tâm huyết, hết lòng vì học sinh.

Thủ tướng yêu cầu Bộ GD&ĐT tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, thanh tra, giám sát thực hiện nghiêm quy chế tuyển sinh THCS, THPT, quy định về dạy thêm, học thêm và xử lý nghiêm công khai các trường hợp sai phạm theo quy định.

Hùng Thoa

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/chia-khoa-de-xay-dung-nen-giao-duc-chat-luong-ben-vung-tu-viec-quan-ly-day-them-hoc-them-303824.html
Zalo