Chìa khóa để tạo dựng một thị trường carbon hiệu quả ở Đông Nam Á
Sự đa dạng của các nước ASEAN về mức độ phát triển kinh tế, cơ cấu năng lượng và năng lực thể chế đặt ra thách thức cho việc tạo ra một thị trường carbon thống nhất của khu vực.
Trang mạng Diễn đàn Đông Á vừa đăng bài viết chỉ ra rằng trong bối cảnh biến đổi khí hậu vẫn đang gia tăng trên toàn cầu, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) bắt đầu khám phá thị trường carbon, coi đây như một công cụ để đạt mục tiêu không phát thải của khu vực.
Mặc dù con đường thiết lập thị trường carbon hiệu quả tại Đông Nam Á còn nhiều thách thức, nhưng cũng mở ra những cơ hội đáng kể.
Thị trường carbon của ASEAN trong năm 2024 vẫn còn non trẻ và phân mảnh. Singapore đã triển khai thuế carbon vào năm 2019, áp dụng cho tất cả các cơ sở công nghiệp có lượng phát thải khí nhà kính trực tiếp hàng năm ít nhất là 25.000 tấn carbon dioxide (CO2) tương đương.
Malaysia cũng đã giới thiệu thị trường carbon tự nguyện, với mục tiêu thúc đẩy trách nhiệm của doanh nghiệp và tạo điều kiện cho các công ty đáp ứng được các mục tiêu về khí hậu. Việc thành lập Hiệp hội Thị trường Carbon Malaysia vào tháng 7/2024 báo hiệu rằng khu vực tư nhân sẵn sàng đóng vai trò tích cực hơn trong việc thúc đẩy sự phát triển của thị trường carbon.
Indonesia và Thái Lan cũng đang nghiên cứu tính khả thi của các sáng kiến tương tự. Chương trình giảm phát thải tự nguyện của Thái Lan thể hiện một phần quan trọng trong nỗ lực của quốc gia này nhằm giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Hệ thống tự nguyện, do Tổ chức Quản lý Khí nhà kính Thái Lan giám sát, cung cấp khuôn khổ cho các tổ chức tạo ra tín chỉ carbon thông qua các dự án giảm phát thải khác nhau.
Những tín chỉ carbon này sau đó có thể được bán hoặc sử dụng để bù đắp “dấu chân carbon” (carbon footprint - là tổng lượng khí thải nhà kính xuất phát từ quá trình sản xuất, sử dụng các sản phẩm công nghiệp hoặc dịch vụ của con người và cũng là vòng đời cuối cùng của một sản phẩm hoặc dịch vụ đó) của các công ty và cá nhân.
Sự phân mảnh của thị trường carbon trên khắp ASEAN vừa là triệu chứng, vừa là nguyên nhân dẫn đến những thách thức rộng lớn hơn mà khu vực đang phải đối mặt. ASEAN thiếu một khuôn khổ tập trung để đảm bảo tính tương đương trong các cơ chế định giá carbon.
Đáp lại, đã có những lời kêu gọi áp dụng một cách tiếp cận tích hợp cả thị trường tự nguyện và thị trường bắt buộc, vì điều này có thể cân bằng hiệu quả giữa quy định và tính linh hoạt. Nó cho phép các nước đáp ứng các mục tiêu quốc gia nghiêm ngặt, đồng thời khuyến khích đổi mới khu vực tư nhân và hợp tác xuyên biên giới - thúc đẩy một thị trường carbon khu vực tích hợp và linh hoạt hơn.
Sự đa dạng của các nước ASEAN về mức độ phát triển kinh tế, cơ cấu năng lượng và năng lực thể chế đặt ra thách thức cho việc tạo ra một thị trường carbon thống nhất. Singapore, một nền kinh tế phát triển cao với khu vực tài chính tinh vi, có khả năng thực hiện và quản lý các cơ chế thị trường carbon phức tạp, nhưng các nước đang phát triển trong khu vực có thể gặp khó khăn do thiếu hụt các nguồn lực tài chính và kỹ thuật cần thiết để tham gia vào các thị trường đó.
Nếu không có khuôn khổ carbon chung, rất khó để đảm bảo tính toàn vẹn môi trường của việc giảm phát thải và định giá carbon tương đương. Điều này rất quan trọng đối với độ tin cậy của hệ thống giao dịch carbon.
Một thách thức khác là khả năng rò rỉ carbon - trong đó việc giảm phát thải ở một quốc gia sẽ dẫn đến tăng lượng phát thải ở một quốc gia khác. Điều này đặc biệt có liên quan ở ASEAN, nơi các hoạt động kinh tế có mối liên kết chặt chẽ với nhau. Nếu không có chính sách rõ ràng về tính tương đương của giá carbon, các doanh nghiệp có thể chuyển đến các quốc gia có quy định ít nghiêm ngặt hơn, làm suy yếu hiệu quả chung của các chính sách khí hậu trong khu vực.
Bất chấp những thách thức này, lợi ích tiềm tàng của một thị trường carbon hoạt động tốt ở ASEAN là rất đáng kể. Một thị trường carbon khu vực thống nhất có thể nâng cao khả năng cạnh tranh của ASEAN trong nền kinh tế toàn cầu và giúp đạt được các mục tiêu về khí hậu với chi phí hiệu quả hơn. Điều này sẽ cho phép các nước kém phát triển thu hút đầu tư vào công nghệ carbon thấp, trong khi các nước phát triển hơn có thể đáp ứng mục tiêu phát thải của mình với chi phí hợp lý hơn.
Sự đa dạng của ASEAN cũng có thể là một thế mạnh. Các quốc gia khác nhau trong khu vực có những nguồn lực và khả năng độc đáo riêng, nếu được phối hợp hiệu quả có thể tạo ra một thị trường carbon năng động và mạnh mẽ. Các khu rừng của Malaysia và Indonesia có thể là nguồn cung cấp tín chỉ carbon đáng kể thông qua các sáng kiến như REDD+ (Giảm phát thải từ phá rừng và suy thoái rừng), trong khi chuyên môn tài chính của Singapore có thể định vị nước này là trung tâm giao dịch carbon khu vực.
Để hiện thực hóa tiềm năng của thị trường carbon ở ASEAN, cần thực hiện một số hành động quan trọng:
Trong một thị trường tự nguyện, nơi sự tham gia của khu vực tư nhân và thương mại xuyên biên giới là then chốt, việc thiếu các phương pháp luận về carbon tiêu chuẩn hóa giữa các quốc gia thành viên ASEAN có thể làm suy yếu tính minh bạch và uy tín.
Cả Thái Lan và Indonesia đều đã phát triển các phương pháp luận tiêu chuẩn carbon trong nước, có thể được sử dụng làm điểm khởi đầu để đạt được sự công nhận lẫn nhau. Ý tưởng về Khung Carbon chung của ASEAN đã được nêu ra tại Diễn đàn Thị trường Carbon Malaysia vào năm 2024, có thể giúp đảm bảo tính toàn vẹn về môi trường của việc giảm phát thải và tạo dựng niềm tin trên thị trường.
ASEAN nên xem xét khả năng tạo ra một thị trường carbon khu vực hoặc liên kết các thị trường quốc gia thông qua các chính sách phát triển tốt hơn trong lĩnh vực này. Điều này đòi hỏi phải vượt qua những khác biệt về chính trị và kinh tế, nhưng lợi ích về tiết kiệm chi phí, tăng cường đầu tư vào công nghệ carbon thấp và tính thanh khoản tốt hơn, có thể là rất đáng kể.
Hợp tác khu vực cũng có thể giúp giải quyết nguy cơ rò rỉ carbon bằng cách tạo ra một sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp trên toàn ASEAN.
Việc xây dựng năng lực cũng rất quan trọng. Các nước ASEAN kém phát triển hơn cần được hỗ trợ kỹ thuật và tài chính để tham gia hiệu quả vào thị trường carbon. Vấn đề này có thể được tạo điều kiện thuận lợi thông qua hợp tác khu vực và quan hệ đối tác quốc tế, đảm bảo rằng tất cả các quốc gia thành viên có thể hưởng lợi từ những cơ hội mà thị trường carbon mang lại. Hiện tại đã có các cuộc thảo luận giữa các hiệp hội thị trường carbon ASEAN khác nhau về cách thức tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình này.
Thị trường carbon ASEAN đang ở thời điểm quan trọng. Những thách thức về việc định giá carbon tương đương, chênh lệch năng lực và rò rỉ carbon là rất lớn. Nhưng những cơ hội tăng trưởng kinh tế, hành động về khí hậu và hội nhập khu vực cũng hấp dẫn không kém.
Bằng cách thực hiện các hành động chiến lược để vượt qua những thách thức này, ASEAN có thể định vị mình là nhà lãnh đạo trong cuộc chiến toàn cầu chống biến đổi khí hậu, đồng thời thúc đẩy sự phát triển bền vững trên toàn khu vực. Con đường phía trước sẽ đòi hỏi tầm nhìn, sự hợp tác và cam kết với các mục tiêu chung.