'Chìa khóa' để doanh nghiệp phát triển bền vững
Trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với những thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, bất bình đẳng xã hội và biến động kinh tế, việc phân bổ và vận hành hiệu quả 5 nguồn vốn (Con người - Cộng đồng - Thiên nhiên - Tài chính và Sản xuất) đang trở thành chìa khóa để doanh nghiệp xây dựng năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững.

Các diễn giả chia sẻ tại hội nghị. Ảnh: T.D
Bộ ba sức mạnh
Trong những năm gần đây, phát triển bền vững không còn là một lựa chọn mang tính chiến lược mà đã trở thành tiêu chuẩn hoạt động bắt buộc đối với nhiều doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh ESG (Môi trường – Xã hội – Quản trị) ngày càng định hình lại các tiêu chí đo lường thành công.
Chia sẻ tại Hội nghị “Mở khóa 5 nguồn vốn phát triển bền vững” diễn ra chiều 15/7, các chuyên gia nhấn mạnh, các nguồn vốn này không tồn tại độc lập, mà đan xen, tương hỗ và cộng hưởng để tạo ra một hệ sinh thái phát triển toàn diện. Doanh nghiệp nào biết “giải mã” và vận hành hiệu quả 5 nguồn vốn này sẽ là người dẫn dắt trong hành trình phát triển bền vững.
Giám đốc Vận hành HSBC Việt Nam Phillip Wright cho biết, là một trong những định chế tài chính hàng đầu thế giới, HSBC không chỉ cam kết hành động vì mục tiêu bền vững nội tại mà còn tích cực thúc đẩy sự thay đổi từ góc độ chính sách công và sự tham gia của cộng đồng.
Theo ông Phillip Wright, 3 yếu tố gồm: Con người - Xã hội – Thiên nhiên chính là “bộ ba sức mạnh”. Bởi đây không chỉ là ba nguồn vốn trọng yếu, mà còn là ba trụ cột định hình sự tồn tại và phát triển bền vững của doanh nghiệp. Con người là lực lượng tạo ra giá trị; xã hội là môi trường để giá trị đó lan tỏa và phát huy; còn thiên nhiên là nền tảng nuôi dưỡng và duy trì mọi sự sống, mọi vận hành.
Muốn đi xa trên con đường bền vững, doanh nghiệp không thể chỉ nhìn vào lợi nhuận hay công nghệ, mà cần tiếp cận một cách toàn diện biết cân bằng và tôn trọng mối quan hệ giữa con người, xã hội và thiên nhiên.
Điều đó đòi hỏi sự chuyển dịch sâu sắc trong nhận thức, chính sách và hành vi không chỉ của một cá nhân, mà của cả cộng đồng, cùng nhau kiến tạo một tương lai hài hòa và thịnh vượng cho tất cả. Đồng thời để phát triển bền vững, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa khu vực tư nhân, Nhà nước và toàn xã hội – ba nhân tố không thể tách rời nếu muốn tiến tới một nền kinh tế bao trùm và cân bằng.
ESG: Từ chi phí trở thành động lực tăng trưởng
Ngoài ra, tại phiên thảo luận “ESG – từ chi phí đến động lực tăng trưởng bền vững”, các chuyên gia đã khẳng định, doanh nghiệp không thể chỉ tối ưu nội lực (tài chính, sản xuất) mà cần mở rộng tầm nhìn đến môi trường mà họ đang vận hành (thiên nhiên), cộng đồng mà họ phục vụ (xã hội), và chính đội ngũ đang tạo ra giá trị mỗi ngày (con người).
Thực tế cho thấy, những doanh nghiệp dẫn đầu về phát triển bền vững là những tổ chức biết cách “tái đầu tư” vào năm nguồn vốn này một cách cân bằng và hiệu quả.

FPT được vinh danh Top 50 doanh nghiệp phát triển bền vững tiêu biểu ở hạng mục doanh nghiệp có hoạt động CSR nổi bật.
Đại diện FPT, Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Phương cho biết, ESG không chỉ giúp FPT tăng trưởng bền vững mà còn trở thành chất xúc tác thúc đẩy sáng tạo và gia tăng giá trị dài hạn.
Trong lĩnh vực môi trường, Tập đoàn chú trọng triển khai nhiều hoạt động từ chính sách, ứng dụng công nghệ trong quản lý phát thải carbon, đầu tư hệ thống điện xanh đến sử dụng vật liệu tái chế…
FPT đặt mục tiêu đến năm 2026, chuyển đổi tỷ trọng điện sử dụng (2,5% lượng điện sử dụng từ nguồn điện tái tạo) và toàn bộ hệ thống chiếu sáng sẽ được chuyển đổi sang 100% đèn Led. Đặc biệt, đến năm 2030, FPT cam kết cắt giảm 15,8% tổng lượng phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện cam kết giảm phát thải chung của Việt Nam.
Là tập đoàn toàn cầu, FPT đã phát huy được trí tuệ và sức mạnh đa dạng của nguồn nhân lực, khẳng định vị thế dẫn đầu, không chỉ trong lĩnh vực công nghệ mà còn tiên phong trong việc kiến tạo môi trường làm việc đẳng cấp, hạnh phúc cho người lao động.
Bên cạnh đó, để góp phần rút ngắn khoảng cách kinh tế, việc làm giữa các vùng miền, FPT tạo điều kiện để người lao động thuộc các dân tộc thiểu số có cơ hội việc làm bình đẳng. Đây cũng là yếu tố quan trọng tạo lợi thế cạnh tranh bền vững cho FPT.
Trong năm 2024, FPT đã hỗ trợ 66,3 tỷ đồng cho các sự kiện, hoạt động trách nhiệm xã hội, mang lại những giá trị cả về vật chất và tinh thần thiết thực nhất cho 62.540 người trên phạm vi toàn quốc thông qua nhiều sự kiện, hoạt động ý nghĩa. Ngoài ra, trong năm 2024, FPT đã dành 168,1 tỷ đồng để trao học bổng Nguyễn Văn Đạo cho gần 8.233 bạn trẻ.
Đây cũng là một minh chứng rõ nét cho việc đầu tư vào nguồn vốn xã hội và con người sẽ tạo lợi thế cạnh tranh bền vững cho doanh nghiệp trong dài hạn.
Trong khuôn khổ hội nghị cũng diễn ra Lễ vinh danh “TOP 50 Doanh nghiệp phát triển bền vững tiêu biểu Việt Nam 2025” - sự kiện thường niên nhằm ghi nhận những nỗ lực bền bỉ và đổi mới sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh hướng đến các giá trị dài hạn. Đây không chỉ là sự ghi nhận danh hiệu, mà còn là lời khẳng định rằng phát triển bền vững không còn là lựa chọn, mà là con đường tất yếu.