'Chìa khóa' để bình đẳng trong hôn nhân
Hôn nhân không chỉ là câu chuyện của tình yêu mà còn là hành trình của sự đồng hành và sẻ chia. Trong xã hội hiện đại, khái niệm bình đẳng trong hôn nhân đang trở thành một tiêu chuẩn quan trọng, không chỉ để xây dựng mối quan hệ lành mạnh mà còn để đảm bảo sự bền vững cho gia đình.

Ảnh minh họa
Học cách tôn trọng nhau
Chị Vương Ngọc Mai (35 tuổi, ở TPHCM) từng từ bỏ công việc kế toán để ở nhà chăm sóc con nhỏ và quán xuyến việc gia đình. Chồng chị, anh Đoàn Ngọc Hưng, là một nhân viên ngân hàng, làm việc 8 tiếng mỗi ngày và thường xuyên tăng ca. Về nhà, anh Hưng không chia sẻ việc nhà với vợ, chỉ ngồi lướt điện thoại, mặc vợ xoay xở mọi việc.
Nếu vợ nhờ việc gì, anh lập tức ca thán: "Anh đi làm mệt, em ở nhà có mỗi việc chăm con mà cũng than phiền!". Chị Mai cảm thấy tổn thương. Chị không hiểu tại sao công sức của mình lại bị xem nhẹ như vậy.
Sau một lần vợ chồng cãi vã, anh Hưng quyết định dành một ngày ở nhà làm tất cả công việc chị Mai làm hằng ngày. Sau ngày hôm đó, anh thừa nhận: "Anh thật sự không nghĩ việc nhà lại mệt mỏi đến thế. Anh xin lỗi vì đã không nghĩ cho em, không đặt mình vào vị trí của em để hiểu những vất vả, mệt mỏi mà em đã trải qua".
Từ đó, anh Hưng thay đổi, sẵn sàng làm việc nhà khi có thời gian rảnh. Chị Mai cũng tìm được cách cân bằng giữa công việc gia đình và sở thích cá nhân, tự chủ tài chính bằng công việc bán hàng online. Họ đã học cách tôn trọng vai trò của nhau và cùng nhau xây dựng một gia đình bình đẳng, hạnh phúc.
Đồng hành, bất chấp định kiến xã hội
Ngược lại với câu chuyện của chị Mai, gia đình chị Hoàng Thị Hoa (40 tuổi, ở Hà Nội) lại có một tình huống khác. Chị Hoa là Giám đốc một công ty bất động sản, trong khi chồng chị - anh Nguyễn Văn Lâm là giáo viên tiểu học. Với đặc thù công việc của mình, anh Lâm dành nhiều thời gian ở nhà chăm con, nấu ăn và dọn dẹp.
Tuy nhiên, anh Lâm thường xuyên phải đối mặt với ánh mắt soi mói từ người ngoài: "Đàn ông gì mà chỉ biết ở nhà làm việc của đàn bà!". Những lời nói đó từng khiến anh Lâm cảm thấy tự ti, còn chị Hoa thì cảm thấy áp lực khi phải làm "trụ cột kinh tế" trong mắt người khác.
Nhưng qua những cuộc trò chuyện chân thành, họ đã nhận ra rằng, sự bình đẳng không nằm ở việc ai kiếm tiền nhiều hơn mà nằm ở cách họ hỗ trợ và đồng hành với nhau. Họ tự hào về vai trò của mình, bất chấp định kiến xã hội.
Quyền được lắng nghe và chia sẻ cảm xúc
Anh Dương Trọng Hoàng và chị Lê Bảo Linh (27 tuổi, ở thành phố Đà Nẵng) là một cặp vợ chồng trẻ. Mặc dù yêu nhau sâu đậm, họ thường xuyên tranh cãi vì những điều nhỏ nhặt, như cách chi tiêu hay việc thăm gia đình hai bên. Sau khi tham gia một buổi tư vấn hôn nhân, họ nhận ra nguyên nhân sâu xa chính là thiếu sự lắng nghe.
Cả hai bắt đầu thực hành "30 phút mỗi ngày cho nhau" - một khoảng thời gian cố định để trò chuyện, không điện thoại, không công việc. Trong khoảng thời gian đó, họ chia sẻ cảm xúc, kế hoạch và cả những bất an.
Chỉ trong vài tháng, họ đã cải thiện được mối quan hệ và nhận ra rằng sự bình đẳng trong hôn nhân không chỉ là về tiền bạc hay việc nhà, mà còn là việc lắng nghe và tôn trọng cảm xúc của nhau.
Những câu chuyện trên cho thấy, bình đẳng trong hôn nhân không có nghĩa là chia đôi mọi thứ một cách máy móc, mà là sự công bằng, thấu hiểu và tôn trọng lẫn nhau.
4 yếu tố quan trọng để duy trì bình đẳng trong gia đình
- Tôn trọng vai trò của đối phương: Dù ai là người kiếm tiền chính hay làm việc nhà, cả hai đều đóng góp giá trị không thể thay thế cho gia đình.
- Chia sẻ trách nhiệm: Cùng nhau phân chia công việc gia đình dựa trên sự trao đổi, thống nhất của các thành viên.
- Lắng nghe và giao tiếp: Lắng nghe không chỉ để hiểu mà còn để xây dựng sự kết nối sâu sắc hơn.
- Xóa bỏ định kiến xã hội: Không để áp lực xã hội ảnh hưởng đến cách cả hai nhìn nhận vai trò của nhau.