Chia dòng thương mại vào Mỹ thời 'đòn thuế' Trump 2.0
Tuyên bố chính sách, đặc biệt là 'đòn thuế quan' của Tổng thống Mỹ Donald Trump thời 2.0 đã hiện hình, khiến thế giới lo lắng tìm đối sách. Nói là làm, ngày 1/2, ông Trump ký lệnh áp thuế với hàng hóa Canada, Mexico và Trung Quốc; mức 'thuế đe dọa' Trung Quốc từng đưa ra là 60%. Trước thương chiến nước lớn và nguy cơ Việt Nam bị ảnh hưởng, nhiều chuyên gia nói với Tiền Phong: đã có cách gỡ thâm hụt thương mại.
Mua hàng, đầu tư sang Mỹ để cân bằng hơn 50 tỷ USD thâm hụt
Theo ông Vũ Tú Thành - Phó Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN đầu tư vào Việt Nam, ngay cả khi Tổng thống Mỹ Donal Trump áp thuế mạnh với hàng hóa Trung Quốc, truy đến cùng hàng Trung Quốc được chuyển qua nước thứ 3 (trong đó có Việt Nam) để xuất vào Mỹ thì Việt Nam cũng sẽ có đối sách hợp lý.
![Nhiều mặt hàng được sản xuất tại Việt Nam được "gọi tên" là góp phần đảm bảo an ninh và sức chống chịu cho chuỗi cung của Mỹ. Ảnh: Nguyễn Thắng](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_08_20_51425210/7ba64dbc74f29dacc4e3.jpg)
Nhiều mặt hàng được sản xuất tại Việt Nam được "gọi tên" là góp phần đảm bảo an ninh và sức chống chịu cho chuỗi cung của Mỹ. Ảnh: Nguyễn Thắng
Trong kịch bản thứ nhất - Trump tăng đánh thuế hàng hóa Trung Quốc lên mức cao (hiện mới chỉ 10%), Trung Quốc cũng “đấu” lại và Mỹ sẽ gia tăng áp lực truy lùng, áp thuế hàng hóa Trung Quốc ở cả các nước thứ 3 xuất vào Mỹ, thì Việt Nam có thể chia dòng thương mại Việt Nam đi Mỹ làm 2 nhóm. Cụ thể, với nhóm hàng hóa thứ nhất được luân chuyển sản xuất (liên quan trực tiếp đến DN Trung Quốc) nhằm né thuế thì Việt Nam buộc phải chấp nhận “đòn thuế” của Mỹ.
Với nhóm hàng hóa thứ 2 (gồm 2 loại): Hàng hóa thuần túy của Việt Nam là cá tra, tôm, thủy sản, đồ gỗ...; hàng hóa do doanh nghiệp (DN) Mỹ sản xuất và hàng hóa thuộc doanh nghiệp không phải của DN Mỹ nhưng mà họ sản xuất những mặt hàng quan trọng ở Việt Nam xuất sang Mỹ (Nhóm hàng hóa này được gọi là góp phần đảm bảo an ninh và sức chống chịu cho chuỗi cung của Mỹ, tức là phục vụ lợi ích quốc gia của Mỹ) chúng ta sẽ phải có đối sách khác.
![Ông Vũ Tú Thành - Phó Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_08_20_51425210/f122b138887661283867.jpg)
Ông Vũ Tú Thành - Phó Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN
Lý giải và nói thêm về chính sách khác này, chuyên gia này nhấn mạnh: Thời Trump 1.0, ông Trump đưa ra chiến lược tạm gọi là onshoring (đưa tất cả DN Mỹ sản xuất hàng hóa về Mỹ) quyết sách này rất ý nghĩa. Thế nhưng, khi áp dụng lại không khả thi. Thực tế, Mỹ đã chấp nhận thêm chính sách tạm gọi là Friend shoring (hàng hóa sản xuất ở các nước thân thiện với Mỹ được xuất vào Mỹ). Onshoring đáp ứng được việc làm và an ninh quốc gia Mỹ. Friend shoring không đáp ứng được tiêu chí việc làm cho Mỹ nhưng đáp ứng được yêu cầu an ninh quốc gia. Hàng hóa của Việt Nam thuộc nhóm thứ 2 - friend shoring - phục vụ lợi ích quốc gia của Mỹ.
“Trong nhiệm kỳ 4 năm của Tổng thống Biden, phía Mỹ chủ yếu đầu tư xây dựng năng lực friend shoring; giúp các DN Mỹ dịch chuyển ra khỏi Trung Quốc, một phần đưa về Việt Nam – nơi Mỹ tin cậy. Vì vậy, nhóm hàng hóa DN Mỹ sản xuất tại Việt Nam này và nhóm hàng hóa của DN Việt khi xuất vào Mỹ không được tính vào thâm hụt thương mại với Mỹ, lý do chính là nó đang phục vụ chính lợi ích quốc gia của Mỹ. Như vậy, khi phía Mỹ dự kiến đưa ra chính sách thuế với Việt Nam, chúng ta sẽ phải lên tiếng và thẳng thắn đề nghị Mỹ trừ đi phần kim ngạch của nhóm hàng hóa này ra khỏi kim ngạch thương mại Việt – Mỹ”, chuyên gia này nói.
Năm 2023, Việt Nam xuất lượng hàng hóa trị giá 124 tỷ USD sang Mỹ; nhập lượng hàng hóa trị giá 10 tỷ USD, như vậy Việt Nam xuất siêu 114 tỷ USD. Năm 2024, hàng hóa Việt Nam xuất sang Mỹ trị giá 119 tỷ USD. “Soi kỹ vào hàng hóa sản xuất tại Việt Nam xuất sang Mỹ có thể thấy, 50% trong số đó thuộc nhóm Friend shoring, tương đương 55-60 tỷ USD. Nếu để cho phía Mỹ nhìn thấy được bản chất thương mại Mỹ - Việt như vậy và chấp nhận thực tế đó, thì đương nhiên Việt Nam được loại ra khỏi danh sách 5 nước thặng dư thương mại lớn nhất với Mỹ - nhóm ưu tiên cao bị đánh thuế - điều mà chính quyền Trump đặc biệt quan tâm”, ông Vũ Tú Thành phân tích.
“Ngay cả khi làm được như thế vẫn còn thâm hụt thương mại khá lớn với Mỹ, điều đó cần được giải quyết ra sao?", ông Vũ Tú Thành cho biết, có một tin mừng với Việt Nam là thương mại lĩnh vực nông nghiệp của Mỹ - Việt vẫn cơ bản cân bằng. Phần thâm hụt khoảng hơn 50 tỷ USD còn lại thì Việt Nam chỉ còn cách mua hàng của Mỹ để giảm thâm hụt bằng cách có thể nhập máy bay, chip, khí hóa lỏng... từ Mỹ.
“Một hướng khác để cân bằng thương mại mà chúng tôi cũng đã tham mưu, đó là DN Việt Nam nên đầu tư sang Mỹ, trong đó cụ thể là nên mua, khai thác mỏ khí. Xu hướng này cũng đã xuất hiện trên thực tế. Lúc đầu, một tập đoàn thuộc Nhà nước được đề nghị đầu tư vào Mỹ. Thực tế, có DN quy mô vừa đã tiên phong quyết định đầu tư sang Mỹ. Doanh nghiệp này đã ký biên bản ghi nhớ với phía Mỹ. Một DN khác cũng đang tìm hiểu thị trường và đi theo hướng đầu tư sang Mỹ. Khi lãnh đạo Mỹ thời 2.0 và sang Việt Nam hoặc lãnh đạo của chúng ta qua Mỹ, những DN này sẽ được công bố", ông Thành cho biết.
Tôi cho rằng, thực tế này điều vượt cả mong đợi của Tổng thống Trump. Việt Nam rõ ràng không chỉ đang mua hàng của Mỹ mà sẽ còn mang tiền sang Mỹ đầu tư, tạo việc làm cho người Mỹ.
Ông Vũ Tú Thành
“Đòn thuế” giúp DN Việt xuất khẩu có lợi trong ngắn hạn
Trước đòn thuế của Mỹ áp lên hàng hóa Trung Quốc và Trung Quốc cũng đã tuyên bố áp thuế trở lại với hàng hóa Mỹ, ông Lê Hoàng Tùng – Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho rằng, căng thẳng thương mại nước lớn có tác động đến xuất nhập khẩu của Việt Nam.
Trong trung hạn và dài hạn, tăng trưởng kinh tế của Mỹ có thể suy giảm, làm giảm nhu cầu nhập khẩu từ các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam. Lạm phát của Mỹ sẽ tăng, làm cho lộ trình giảm lãi suất của FED chậm hơn dự kiến, và tăng thêm áp lực lên tỷ giá VND/USD ngay trong năm 2025.
![Phó Tổng giám đốc Vietcombank Lê Hoàng Tùng](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_08_20_51425210/2beb6cf155bfbce1e5ae.jpg)
Phó Tổng giám đốc Vietcombank Lê Hoàng Tùng
Thương chiến sẽ khiến kinh tế Trung Quốc khó khăn thêm và cũng làm giảm nhu cầu nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam vào quốc gia này. Trong khi đó, hàng nhập khẩu vào Việt Nam từ Trung Quốc tăng sẽ làm gia tăng nhập siêu từ quốc gia này, cũng như tăng thêm sức ép lên tỷ giá.
Thực tế này sẽ làm gia tăng tâm lý thận trọng, áp lực tuân thủ và quản lý rủi ro trên toàn cầu, qua đó, làm giảm tăng trưởng, đầu tư trên thế giới nói chung và các dòng FDI nói riêng.
Ông Tùng cho rằng, việc Mỹ đánh thuế cao với hàng hóa Việt Nam ít có khả năng xảy ra. Song, để giảm thiểu thiệt hại trong tình huống đó, các DN Việt xuất hàng vào Mỹ cần: Tuân thủ chặt chẽ quy định về nguồn gốc xuất xứ hàng hóa; Chuẩn bị sẵn hồ sơ chứng minh nguồn gốc xuất xứ trong trường hợp bị điều tra để tránh bị áp thuế phạt; Đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu và nguồn nguyên liệu. Thường xuyên cập nhật diễn biến chính sách và chuẩn bị các biện pháp phòng ngừa rủi ro tỷ giá trong xuất nhập khẩu; xem xét nhập khẩu một số mặt hàng từ Mỹ trong khả năng có thể.
Cần lưu ý Trump 1.0 từng xem xét việc “phá giá VND để lợi cho xuất khẩu”
PGS-TS Nguyễn Phúc Hiền (Đại học Ngoại Thương Hà Nội) nhận định: Thời Trump 2.0 sẽ có nhiều chính sách tác động lớn từ đầu tư đến thương mại giữa Việt Nam và Mỹ.
Đầu tiên, Việt Nam tiếp tục hưởng lợi từ thu hút sự dịch chuyển đầu tư của một số công ty Mỹ từ Trung Quốc sang Việt Nam, dù quan điểm của Chính quyền Trump là khuyến khích và giữ chân các DN Mỹ nhất là DN công nghệ cao đầu tư ở Mỹ.
![PGS-TS Nguyễn Phúc Hiền, Đại học Ngoại Thương Hà Nội](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_08_20_51425210/00b046aa7fe496bacff5.jpg)
PGS-TS Nguyễn Phúc Hiền, Đại học Ngoại Thương Hà Nội
Thứ hai, Thương mại hai chiều Việt - Mỹ vẫn sẽ tăng ngay cả khi hàng hóa của Việt Nam vào Mỹ có thể bị áp thuế ở mức cao hơn. Thương mại Việt Mỹ đã tăng rất ấn tượng từ 451 triệu USD (năm 1995) lên hơn 119,6 tỷ USD (2024), gấp 265 lần sau 30 năm bình thường hóa quan hệ hai nước dưới thời Tổng thống thứ 42 Bill Clinton.
Thương mại tăng nhanh bởi: Mỹ là thị trường lớn của các sản phẩm xuất từ Việt Nam; Giữa 2 nước ký hiệp định thương mại song phương, đặc biệt là hiệp ước đối tác chiến lược toàn diện, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư và kinh doanh cả 2 nước; Hàng hóa Việt có khả năng cạnh tranh với hàng của nước khác trên thị trường Mỹ, đặc biệt là sản phẩm nông lâm nghiệp, thủy sản; Việt Nam có cộng đồng kiều bào lớn tại Mỹ, họ đồng thời là những nhà đầu tư và xúc tiến thương mại vào Mỹ và của Mỹ vào Việt Nam.
Theo Tổng cục Thống kê, năm 2024, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 119,6 tỷ USD. Tháng 1/2025, Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 9,8 tỷ USD.
Việt Nam là một trong vài nước có thặng dư thương mại với Mỹ rất lớn. Vì vậy, Chính quyền Trump 1.0 đã thực hiện việc điều tra và cho rằng, Việt Nam “thao túng tiền tệ”, làm cho VND mất giá để có lợi cho hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ. Tuy nhiên, sau đó Mỹ đã công bố Việt Nam “không thao túng tiền tệ”. Thời Trump 2.0, điều này rất cần lưu ý và có chính sách để giảm thặng dư thương mại với Mỹ bằng việc nhập khẩu nhiều hơn hàng hóa là thế mạnh của Mỹ.