'Sức nóng' nhóm cổ phiếu khoáng sản và triển vọng MSR

Là nhà sản xuất và kinh doanh các sản phẩm tinh quặng vonfram, Masan High-Tech Materials được kỳ vọng sẽ hưởng lợi khi Trung Quốc kiểm soát xuất khẩu loại khoáng sản quan trọng này.

 Nhà máy chế biến khoáng sản của Masan High-Tech Materials tại mỏ đa kim Núi Pháo. Ảnh: MSR

Nhà máy chế biến khoáng sản của Masan High-Tech Materials tại mỏ đa kim Núi Pháo. Ảnh: MSR

Hai phiên giao dịch vừa qua, cùng với “sức nóng” nhóm cổ phiếu khoáng sản, MSR của CTCP Masan High-Tech Materials (thành viên Tập đoàn Masan) cũng liên tục tăng trần. Giao dịch trên sàn UPCoM nên chỉ sau hai phiên, MSR đã tăng gần 30% lên giá 14.700 đồng/cp - cao nhất kể từ tháng 7/2024.

MSR và cổ phiếu một số công ty trong ngành khai thác khoáng sản như KSV, BMC, HGM, MTA, KSQ, KCB... thu hút dòng tiền sau thông tin được xem như sự "trả đũa" của Trung Quốc sau các biện pháp hạn chế của Mỹ trong lĩnh vực chất bán dẫn.

Cụ thể, ngày 4/2/2025, Bộ Thương mại Trung Quốc phối hợp với Tổng cục Hải quan nước này đã ban hành thông báo về việc thực hiện kiểm soát xuất khẩu đối với 5 loại khoáng sản quan trọng - vonfram, indium, bismuth, tellurium và molypden - được sử dụng trong quốc phòng, năng lượng sạch và các ngành công nghiệp khác để "bảo vệ lợi ích an ninh quốc gia". Chính sách trên có hiệu lực kể từ ngày công bố.

Sự kiện trên được kỳ vọng sẽ tác động tích cực lên giá bán các nguyên liệu trên, khi các quốc gia nhập khẩu tiếp tục tìm kiếm nguồn cung thay thế ngoài Trung Quốc (nhà xuất khẩu volfram lớn nhất thể giới) và nhu cầu phục hồi.

Vonfram là một kim loại chuyển tiếp hiếm. Bên cạnh ứng dụng làm dây tóc trong bóng đèn sợi đốt, vonfram ngày càng được sử dụng làm vật liệu trong thiết kế súng phát xạ trường, sử dụng trong kính hiển vi điện tử, vi mạch (IC)... Đây cũng là kim loại không thể thiếu trong nhiều ngành công nghiệp chủ chốt như chế tạo máy và chế tạo công cụ, công nghiệp sản xuất ô tô, hàng không vũ trụ, ngành dầu khí, ngành hóa chất...

Trong khi đó, Masan High-Tech Materials là nhà sản xuất và kinh doanh các sản phẩm tinh quặng vonfram, tinh quặng đồng, tinh quặng florit và tinh quặng bismuth.

Năm 2020, MSR đầu tư vào H.C. Starck Holding GmbH (H.C. Starck, HCS) - nhà sản xuất bột vonfram chất lượng cao với mục tiêu đưa công nghệ tinh chế và tái chế vonfram về Việt Nam để chuyển dịch sang mô hình kinh doanh tuần hoàn bền vững. Cũng trong năm đó, MSR và Tập đoàn Mitsubishi Materials Corporation Group (MMC Group, Nhật Bản) ký hợp tác thiết lập liên minh chuỗi giá trị vonfram toàn cầu.

Tuy nhiên, nhằm tập trung vào mảng sản xuất và giảm áp lực tài chính, MSR đã chuyển nhượng 100% cổ phần cho MMC Group vào cuối năm 2024. Là một phần của giao dịch, MSR và HCS ký kết một thỏa thuận bao tiêu APT và oxit vonfram đem lại lợi ích dài hạn cho đôi bên, đồng thời giúp MSR tối đa hóa số lượng đơn hàng.

Nhờ hoạt động thoái vốn trên, Masan High-Tech Materials thu về hơn 1.400 tỷ đồng doanh thu tài chính trong quý 4/2024, hỗ trợ lớn cho sự cải thiện kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Cụ thể, quý 4/2024, MSR ghi nhận doanh thu thuần đạt hơn 3.868 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước (YoY); lỗ sau thuế hơn 206 tỷ đồng, cải thiện so với mức lỗ 830 tỷ đồng YoY.

Cả năm 2024, Masan High-Tech Materials ghi nhận mức doanh thu thuần đạt 14.336 tỷ đồng, tăng nhẹ so với năm 2023. Sau khi trừ chi phí, doanh nghiệp lỗ 1.587 tỷ đồng, so với cùng kỳ lỗ 1.530 tỷ đồng.

Nguyên nhân thua lỗ của MSR chủ yếu đến từ chi phí tài chính và chi phí thuế ở mức cao.

Diễn biến cổ phiếu MSR.

Diễn biến cổ phiếu MSR.

Trong báo cáo phân tích doanh nghiệp phát hành ngày 7/2, Chứng khoán BIDV (BSC) dự báo kết quả kinh doanh của MSR trong năm 2025 sẽ khởi sắc từ mức nền thấp của năm 2024 dựa trên các kỳ vọng: Giá vật liệu như volfram, đồng… tăng nhờ các động thái thắt chặt kiểm soát xuất khẩu các khoáng sản quan trọng; xu hướng phục hồi, tăng trưởng của các ngành công nghệ cao như điện tử, năng lượng, quốc phòng; sản lượng kinh doanh phục hồi sau khi chịu tác động gián đoạn hoạt động nổ mìn trong 2024.

Ngoài ra, MSR đã đạt được thỏa thuận bán 42.000 tấn đồng cho một đối tác trong nước trong năm tài chính 2025 với các điều khoản thuận lợi, tương đương với 85% lượng đồng tồn kho của doanh nghiệp; áp lực lãi vay giảm khi giảm đòn bẩy nợ; tiếp tục tối ưu hóa hoạt động vận hành.

BSC cho rằng diễn biến giá cổ phiếu MSR thường biến động nhanh và mạnh do thanh khoản thấp và diễn biến theo các thông tin liên quan đến giá nguyên vật liệu. Định giá cổ phiếu đã phản ảnh kỳ vọng phục hồi của giá kim loại khi đang giao dịch quanh mức P/B 1-1,2 lần, tương đương trung bình giai đoạn giá volfram tăng.

Với rủi ro hoạt động kinh doanh tiếp tục lỗ kéo dài, đơn vị phân tích cho rằng cần theo dõi thêm kết quả kinh doanh quý 1/2025 để đưa ra dự phóng hợp lý cho kết quả kinh doanh năm 2025 của doanh nghiệp.

Phạm Ngọc

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/suc-nong-nhom-co-phieu-khoang-san-va-trien-vong-msr-38086.html
Zalo