Chi tiêu quân sự toàn cầu tăng mạnh nhất kể từ Chiến tranh Lạnh

Hơn 2,7 nghìn tỷ USD đã được thế giới chi cho lĩnh vực quân sự trong năm 2024 - mức cao hơn nhiều so với bất kỳ thời điểm nào kể từ Chiến tranh Lạnh.

Tiêm kích F-15 có khả năng mang bom GBU và tên lửa được trưng bày tại một lễ kỷ niệm ở căn cứ không quân Quốc vương Salman ở Riyadh. Ảnh: Gettty Images/TTXVN

Tiêm kích F-15 có khả năng mang bom GBU và tên lửa được trưng bày tại một lễ kỷ niệm ở căn cứ không quân Quốc vương Salman ở Riyadh. Ảnh: Gettty Images/TTXVN

Đài RT dẫn báo cáo của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) cho biết, chi tiêu quân sự toàn cầu đã tăng nhiều hơn trong năm 2024 so với bất kỳ thời điểm nào kể từ Chiến tranh Lạnh. Báo cáo được công bố ngày 28/4, ghi nhận sự tăng trưởng đặc biệt nhanh chóng về chi tiêu quân sự ở châu Âu và Trung Đông.

Theo báo cáo, chi tiêu quân sự toàn cầu đạt đỉnh mới vào năm 2024, tổng cộng chỉ hơn 2,7 nghìn tỷ USD (2,38 nghìn tỷ euro), tăng 9,4% so với năm 2023. Chi tiêu quân sự đã tăng đều đặn trên toàn thế giới trong 10 năm qua, nhưng năm 2024 chứng kiến mức tăng nhanh nhất trong vòng một năm kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc cách đây hơn 30 năm.

SIPRI viết rằng: "Hơn 100 quốc gia trên thế giới đã tăng chi tiêu quân sự vào năm 2024", đồng thời lưu ý các chính phủ "ngày càng ưu tiên an ninh quân sự" – điều thường là gây tổn hại đến các lĩnh vực ngân sách khác.

Theo báo cáo, Ukraine có "gánh nặng quân sự lớn nhất" trên toàn cầu, với chi tiêu tăng lên gần 65 tỷ USD, tương đương 34% GDP của nước này. Báo cáo của SIPRI nêu rõ rằng: "Toàn bộ doanh thu thuế của Ukraine đã được chi tiêu quân sự hấp thụ hoàn toàn vào năm 2024, trong khi toàn bộ chi tiêu kinh tế xã hội phi quân sự đều được tài trợ bằng viện trợ nước ngoài".

Chi tiêu quân sự ở châu Âu, bao gồm cả Nga, đã tăng lên gần 700 tỷ USD vào năm 2024, khiến châu lục này "là khu vực đóng góp chính" vào mức tăng toàn cầu. Một số quốc gia ở Trung và Tây Âu đã ghi nhận "mức tăng chưa từng có", trong đó chi tiêu của Đức tăng vọt 28% lên hơn 88 tỷ USD.

"Lần đầu tiên kể từ khi thống nhất, Đức đã trở thành quốc gia chi tiêu quân sự lớn nhất ở Tây Âu, nhờ vào quỹ quốc phòng đặc biệt trị giá 100 tỷ euro được công bố vào năm 2022", ông Lorenzo Scarazzato, một nhà nghiên cứu của SIPRI, cho biết.

Đức cũng là quốc gia chi tiêu quân sự lớn thứ tư thế giới vào năm 2024, sau Mỹ, Trung Quốc, Nga và trước Ấn Độ, cùng nhau chiếm 60% tổng chi tiêu toàn cầu.

Nghiên cứu phát hiện ra rằng tất cả các thành viên NATO đều đã tăng chi tiêu quân sự, với mức chi tiêu tổng cộng 1,5 nghìn tỷ USD – chiếm khoảng 55% chi tiêu quân sự toàn cầu - vào năm 2024.

Mỹ vẫn là quốc gia chi tiêu quân sự nhiều nhất thế giới và thậm chí còn chi nhiều hơn vào năm 2024: đầu tư 997 tỷ USD vào lực lượng vũ trang. "Một phần đáng kể trong ngân sách của Mỹ cho năm 2024 được dành cho việc hiện đại hóa năng lực quân sự và kho vũ khí hạt nhân của nước này để duy trì lợi thế chiến lược so với Nga và Trung Quốc", theo phân tích của SIPRI. Mỹ hiện sở hữu hơn 5.000 đầu đạn hạt nhân và đang đầu tư mạnh vào việc hiện đại hóa kho vũ khí của mình.

Mỹ cũng tiếp tục là nước đóng góp lớn nhất cho NATO, với mức chi tiêu quân sự chiếm 2/3 tổng chi tiêu của khối và chiếm 37% chi tiêu toàn cầu. Các thành viên NATO châu Âu cũng tăng chi tiêu lên tổng cộng 454 tỷ USD.

Nhà nghiên cứu SIPRI Jade Guiberteau Ricard cho biết sự gia tăng "nhanh chóng" trong chi tiêu quân sự của các thành viên NATO tại châu Âu chủ yếu là do cái mà bà gọi là "mối đe dọa đang diễn ra" liên quan cuộc xung đột ở Ukraine và "mối lo ngại về khả năng Mỹ rút khỏi liên minh".

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhiều lần thúc giục các đồng minh châu Âu đầu tư nhiều hơn vào quân đội của họ, với lý do rằng Washington phải chịu thay quá nhiều gánh nặng.

Các nước NATO đã vạch ra kế hoạch tăng thêm ngân sách quân sự, với lý do là khả năng xảy ra cuộc tấn công tiềm tàng từ Nga. EU công bố kế hoạch vay hàng trăm tỷ euro để chi cho quân sự hóa, khẳng định nhu cầu răn đe Nga.

Trong khi đó, Moskva đã phủ nhận mọi ý định gây hấn, với việc Tổng thống Vladimir Putin mô tả suy đoán này của châu Âu là "hoàn toàn vô lý".

Báo cáo cho thấy chi tiêu quân sự ở Trung Đông cũng tăng mạnh, đạt mức ước tính 243 tỷ USD vào năm 2024, do cuộc chiến ở Gaza và tình hình bất ổn chung của khu vực. Israel đã tăng chi tiêu quân sự thêm 65%, lên 46,5 tỷ USD vào năm 2024. Nguyên nhân là do xung đột Hezbollah leo thang và cuộc chiến đang tiếp diễn ở Gaza.

Theo DW, ở châu Á, Trung Quốc tiếp tục lộ trình hiện đại hóa quân đội trong mọi lĩnh vực trong kế hoạch đến năm 2035: ngân sách quốc phòng của nước này ước tính là 314 tỷ USD vào năm 2024. Theo SIPRI, năng lực quân sự được cải thiện bao gồm "máy bay chiến đấu tàng hình mới, thiết bị bay không người lái (UAV) và phương tiện không người lái dưới nước". Hơn nữa, Trung Quốc đã nhanh chóng mở rộng kho vũ khí hạt nhân của mình vào năm 2024.

Các quốc gia châu Á khác cũng đang tái vũ trang. Ví dụ, Nhật Bản đã tăng chi tiêu quân sự thêm 21% lên 55,3 tỷ USD vào năm 2024.

"Các quốc gia chi tiêu quân sự lớn ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang tăng nguồn lực vào các năng lực quân sự tiên tiến", chuyên gia Nan Tian của SIPRI nhấn mạnh và cảnh báo, "những khoản đầu tư này có nguy cơ đẩy khu vực vào vòng xoáy chạy đua vũ trang nguy hiểm".

Thu Hằng/Báo Tin tức và Dân tộc

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/quan-su/chi-tieu-quan-su-toan-cau-tang-manh-nhat-ke-tu-chien-tranh-lanh-20250429074200279.htm
Zalo