Chỉ thị số 37: Gỡ nút thắt cho bài toán nguồn nhân lực chất lượng cao - (Kỳ II): Nâng tầm chất lượng nguồn nhân lực

Chỉ thị số 37 của Ban Bí thư về 'Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với đào tạo nhân lực có tay nghề cao' là cơ hội để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) đưa chất lượng đào tạo lên một bước phát triển mới. Các cơ sở GDNN tích cực, chủ động tìm kiếm cơ hội giao lưu học tập kinh nghiệm, đàm phán, ký kết các chương trình hợp tác với đối tác nước ngoài trong việc hỗ trợ các nhà giáo, học sinh, sinh viên, người lao động nâng cao năng lực, kỹ năng nghề nghiệp; chủ động tiếp nhận các chương trình đào tạo tiên tiến được chuyển giao từ nước ngoài… góp phần nâng tầm chất lượng nguồn nhân lực.

Học viên Trường Cao đẳng nghề Lilama-1 kiểm tra lý thuyết dưới sự giám sát của chuyên gia Đức. Ảnh: Huy Hoàng

Học viên Trường Cao đẳng nghề Lilama-1 kiểm tra lý thuyết dưới sự giám sát của chuyên gia Đức. Ảnh: Huy Hoàng

Tích cực đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo

Huyện Kim Sơn là địa phương có sự chuyển dịch kinh tế mạnh mẽ theo hướng tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp. Bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Kim Sơn cho biết: Để giúp người lao động chuyển đổi nghề, có việc làm và thu nhập ổn định, huyện Kim Sơn đã tổ chức quán triệt, tuyên truyền Chỉ thị số 37 đến các cấp ủy, chính quyền địa phương và các lực lượng xã hội.

Hàng năm, UBND huyện xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện công tác thu thập, lưu trữ và tổng hợp thông tin thị trường lao động; quy hoạch, xây dựng kế hoạch phát triển nguồn nhân lực có tay nghề cao gắn với quy hoạch phát triển kinh tế của địa phương.

UBND huyện cũng dành sự đầu tư tương xứng về cơ sở vật chất và các trang thiết bị phục cho đào tạo nghề, nhất là các điều kiện để liên kết với các trường nghề trong và ngoài tỉnh để đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cao.

Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị 37, huyện Kim Sơn đã liên kết đào tạo được 46 lớp dạy nghề cho gần 1.500 học viên, với tổng kinh phí trên 3 tỷ đồng. Tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo đạt trên 95%. Các cơ sở GDNN cũng đã chủ động xây dựng, phát triển chương trình đào tạo theo các trình độ; tích cực đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp đào tạo theo hướng phát triển toàn diện. Nhờ đó, đã đáp ứng nhu cầu của xã hội và sự phát triển của khoa học công nghệ, nhất là trong thời đại công nghiệp 4.0 hiện nay.

Ông Dương Văn Cường, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ giới Ninh Bình cho biết: Để thực hiện đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao theo đúng tinh thần của Chỉ thị số 37 và sự kỳ vọng, đầu tư của tỉnh, nhà trường luôn chủ động trong việc đổi mới, nâng cao chất lượng giảng dạy, coi đây là yếu tố căn bản nhất để thu hút học viên và đào tạo được nguồn lao động, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của doanh nghiệp.

Hiện nay, trong công tác giảng dạy, đội ngũ giáo viên trong nhà trường đã sử dụng hầu hết các bài giảng bằng công nghệ mới, áp dụng thành thạo và hiệu quả công nghệ thông tin. Một số bài giảng sử dụng thiết bị dạy nghề tự làm phù hợp với thực tiễn và mang tính ứng dụng cao. Nhiều bài giảng đã lựa chọn phù hợp và sử dụng nhuần nhuyễn các phương pháp dạy học truyền thống (trực quan, đàm thoại, thuyết trình…) và một số phương pháp dạy học tích cực như nêu vấn đề, mô phỏng, chương trình hóa… làm cho bài giảng sinh động, hứng thú, tạo không khí học tập tích cực, phát huy được tính tự chủ và sáng tạo của người học.

Các cơ sở GDNN cũng tập trung đẩy mạnh "Đào tạo gắn kết với doanh nghiệp", phối hợp với doanh nghiệp trong việc đưa học sinh, sinh viên đến trải nghiệm và thực tập. Khi làm việc trong môi trường thực tế tại các doanh nghiệp, học viên được hoàn thiện kỹ năng nghề, ý thức, tác phong làm việc công nghiệp. Ngoài các chương trình đào tạo được xây dựng theo quy định, các nhà trường đã chủ động tìm hiểu nhu cầu của doanh nghiệp để xây dựng các mô đun nâng cao để đào tạo, bồi dưỡng năng lực, kỹ năng nghề lại cho người lao động của các doanh nghiệp, như các nghề: Cắt gọt kim loại, Điện công nghiệp, Hàn, Công nghệ ô tô, Kỹ thuật chế biến món ăn, Dược, Điều dưỡng, Công nghệ kỹ thuật cơ khí…

Một số cơ sở GDNN đã chủ động lựa chọn, áp dụng chương trình, tiêu chuẩn và công nghệ đào tạo tiên tiến, chất lượng cao của khu vực và quốc tế vào hoạt động giảng dạy nhằm đào tạo nhân lực có tay nghề cao phù hợp với điều kiện của đơn vị… Chất lượng đào tạo được đánh giá bằng các tiêu chí chuẩn theo quy định từ kiểm tra lý thuyết đến kiểm tra kỹ năng nghề nghiệp của người học. Thông qua đánh giá cũng giúp người học thể hiện được năng lực ngành, nghề và hệ thống hóa tổng thể kiến thức trong suốt quá trình đào tạo. Với chất lượng đào tạo ngày càng được nâng cao, tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo đạt trên 80% tại các doanh nghiệp.

Tăng cường hợp tác quốc tế trong đào tạo nghề

Theo tinh thần của Chỉ thị số 37, một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đó là chủ động hợp tác, hội nhập quốc tế. Đây được xem là giải pháp quan trọng, phù hợp với xu thế mới nhằm nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp. Hợp tác quốc tế trong đào tạo cũng đã mở ra cơ hội để sinh viên Việt Nam bắt kịp xu hướng và hòa nhập tốt với thị trường lao động thế giới.

Năm 2018, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã lựa chọn Trường Cao đẳng Cơ giới Ninh Bình tham gia đào tạo nghề cắt gọt kim loại để đào tạo chất lượng cao cấp độ quốc tế theo chương trình chuyển giao từ Cộng hòa Liên bang Đức.

Đầu năm 2019, Đoàn chuyên gia Đức đã về làm việc với trường, kiểm tra các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị máy móc, đội ngũ giáo viên để chuẩn bị đào tạo. Năm 2019, nhà trường đã đầu tư 10 tỷ đồng mua sắm trang thiết bị phục vụ đào tạo, đồng thời tuyển sinh đủ số lượng và sinh viên có chất lượng đầu vào tốt, bảo đảm cho khóa học đạt kết quả cao. Trong thời gian đào tạo, các học viên đã tận dụng tối đa cơ hội được tiếp thu, thực hành tốt những kỹ năng nghề theo tiêu chuẩn quốc tế với mục tiêu sau khi ra trường, các em có thể tự tin tham gia vào bất kỳ một thị trường lao động khó tính nào.

Ông Dương Văn Cường, Hiệu trường Trường Cao đẳng Cơ giới Ninh Bình cho biết: Những năm gần đây, nhà trường đẩy mạnh việc quốc tế hóa trong mọi lĩnh vực như: công nghệ, đào tạo, hợp tác... Riêng đối với lớp chất lượng cao cấp độ quốc tế theo chương trình chuyển giao từ Cộng hòa Liên bang Đức, với những tính năng vượt trội, có thể coi đây là hình thức du học nghề tại chỗ với chi phí được Nhà nước hỗ trợ. Trong thời gian đào tạo, sinh viên được học đầy đủ các nhóm kiến thức và kỹ năng của 1 kỹ sư thực hành cắt gọt kim loại theo chuẩn Đức với thời gian học lý thuyết là 30%, học thực hành tại trường và tại doanh nghiệp là 70%. Vào cuối chương trình, sinh viên được đánh giá kết quả đầu ra, khi đạt yêu cầu, sinh viên được cấp hai bằng: Bằng cao đẳng của Việt Nam và Bằng tốt nghiệp của CHLB Đức, tương đương với trình độ bậc 4 theo khung trình độ quốc gia Đức. Với bằng cấp quốc tế được nhiều nước công nhận, có giá trị ở tất cả thị trường lao động cùng khả năng ngoại ngữ tốt, sinh viên có cơ hội việc làm rộng mở, tham gia vào thị trường lao động thế giới với thu nhập ở mức cao.

Trường Cao đẳng Cơ điện Xây dựng Việt Xô cũng là đơn vị tích cực hợp tác quốc tế trong đào tạo nghề. Năm 2019, nhà trường đã hoàn thành khóa đào tạo đầu tiên chương trình đào tạo được chuyển giao từ Cộng hòa Pháp ở 3 nghề: Công nghệ ô tô, Điện công nghiệp và Cắt gọt kim loại, với tổng số 59 học sinh. Các nghề được đào tạo theo chương trình chuyển giao đã đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã ký kết với nhà trường trong việc tiếp nhận sinh viên sau đào tạo. Sau khi tốt nghiệp ra trường, sinh viên được cấp Bằng tốt nghiệp cao đẳng; Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình đào tạo được chuyển giao từ Cộng hòa Pháp của Nhà trường và của đối tác.

Ông Nguyễn Hồng Phong, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện Xây dựng Việt Xô cho biết: Tham gia vào chương trình đào tạo này, sinh viên được trang bị những kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp ở tầm quốc tế. Trong quá trình học, các em được thực tập tại các doanh nghiệp có ngành nghề phù hợp với chương trình đào tạo trên địa bàn tỉnh Ninh Bình và các tỉnh lân cận như: Nhà máy xi măng the Vissai Ninh Bình; Công ty Samsung Việt Nam; Nhà máy ô tô Hyundai Thành Công; Công ty Lilama 691; Công ty Lilama Ninh Bình; Công ty TNHH ô tô Bắc Sơn; Công ty cổ phần phát triển nhân lực Tuổi trẻ Việt Jobchoi… và được các doanh nghiệp đánh giá cao. Ngay trong thời gian thực tập, các em đã có thể làm ra nhiều sản phẩm hữu ích, đóng góp vào sự phát triển của doanh nghiệp. Số sinh viên này sau khi ra trường đều được thu hút vào làm tại các doanh nghiệp lớn bằng các chính sách ưu đãi.

Ngoài ra, các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh thiết lập được mối quan hệ với tổ chức AFD (Cơ quan Phát triển Pháp) để đẩy mạnh triển khai các chương trình liên kết quốc tế về đào tạo, nghiên cứu khoa học. Tổ chức AFD đã đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất phục vụ hoạt động dạy và học cho cơ sở đào tạo theo chương trình hợp tác với số tiền gần 110 tỷ đồng… Với nhiều lợi thế, chương trình hợp tác quốc tế trong lĩnh vực GDNN đang được các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh nắm bắt cơ hội để tiếp cận và đưa sinh viên vào thị trường lao động chất lượng cao trong nước, thậm chí là thị trường lao động thế giới.

Đào Hằng

Kỳ I: Thiết kế chính sách tạo đòn bẩy cho hoạt động giáo dục nghề nghiệp

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/chi-thi-so-37-go-nut-that-cho-bai-toan-nguon-nhan-luc-chat/d20240827082034581.htm
Zalo