Chỉ thị số 37 gỡ nút thắt cho bài toán nguồn nhân lực chất lượng cao- (Kỳ I): Thiết kế chính sách tạo đòn bẩy cho hoạt động giáo dục nghề nghiệp

Những năm qua, việc thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW, ngày 6/6/2014 của Ban Bí thư (khóa XI) về 'Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao' (Chỉ thị số 37) đã được cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh quyết liệt triển khai thực hiện với nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả, tạo bước chuyển về chất đối với Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) trên địa bàn. Chỉ số về đào tạo lao động trong Bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh Ninh Bình luôn đạt thứ hạng cao; vai trò, tầm quan trọng của nguồn nhân lực có tay nghề cao ngày càng được khẳng định trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Thực hành nghề công nghệ ô tô tại Trường Cao đẳng Cơ điện Xây dựng Việt Xô. Ảnh: Huy Hoàng

Thực hành nghề công nghệ ô tô tại Trường Cao đẳng Cơ điện Xây dựng Việt Xô. Ảnh: Huy Hoàng

Xác định rõ, việc thực hiện Chỉ thị số 37 sẽ là cơ hội để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ sự phát triển kinh tế-xã hội, tỉnh Ninh Bình triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp. Trong đó, những chính sách hỗ trợ đặc thù được tỉnh ban hành kịp thời đã tạo thêm động lực, cơ hội để khuyến khích các lực lượng tham gia đào tạo nghề và học nghề.

Tinh gọn cơ sở giáo dục nghề nghiệp

Một trong những hoạt động trọng tâm mà tỉnh ta đã thực hiện hiệu quả, đó là tích cực rà soát, sắp xếp lại hệ thống cơ sở GDNN theo hướng đồng bộ, tập trung, tinh gọn, đảm bảo hợp lý về cơ cấu trình độ, ngành nghề đào tạo và gắn với thị trường lao động như: Thực hiện sáp nhập, cơ cấu lại các trung tâm dạy nghề, trường trung cấp nghề để phù hợp với năng lực đào tạo.

Tính đến ngày 30/5/2024, trên địa bàn tỉnh có 27 cơ sở GDNN, trong đó có 19 cơ sở công lập và 8 cơ sở tư thục. Có 23 nghề trọng điểm được phê duyệt theo Quyết định của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về phê duyệt ngành, nghề trọng điểm, trường được lựa chọn ngành, nghề trọng điểm giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến năm 2025, bao gồm: 6 nghề cấp độ quốc tế, 7 nghề cấp độ khu vực Asean, 10 nghề cấp độ quốc gia. Trong đó, có 6 trường được lựa chọn đầu tư ngành nghề trọng điểm là Trường Cao đẳng Cơ điện Xây dựng Việt Xô, Trường Cao đẳng Cơ giới Ninh Bình, Trường Cao đẳng nghề Lilama 1, Trường Cao đẳng Y tế Ninh Bình, Trường Trung cấp Kỹ thuật-Du lịch Công đoàn Ninh Bình, Trường Trung cấp Kinh tế-Kỹ thuật và Du lịch tỉnh Ninh Bình.

Việc xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, chuẩn hóa và có chính sách khuyến khích, động viên đội ngũ nhà giáo trong việc học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ được các nhà trường quan tâm và chú trọng. Theo đó, từng bước thực hiện chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo theo trình độ đào tạo, đổi mới mạnh mẽ mục tiêu, nội dung, phương pháp đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng và đánh giá kết quả bồi dưỡng của nhà giáo theo yêu cầu nâng cao chất lượng, trách nhiệm, đạo đức và năng lực nghề nghiệp. Đội ngũ giáo viên GDNN trên địa bàn tỉnh đã tăng nhanh về số lượng và có chất lượng tốt, từng bước đáp ứng yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động GDNN. Hằng năm, đội ngũ nhà giáo GDNN tích cực tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn do Tổng cục GDNN tổ chức, qua đó, đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn, năng lực cho từng vị trí công tác.

Ngoài ra, các cơ sở GDNN đã quan tâm bố trí cho đội ngũ nhà giáo tham gia các khóa đào tạo chuẩn hóa kỹ năng thực hành nghề, nghiệp vụ sư phạm dạy nghề theo tiêu chuẩn của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, bảo đảm năng lực giảng dạy chương trình đào tạo nghề trọng điểm. Do vậy, số lượng và chất lượng đội ngũ nhà giáo GDNN đều tăng lên, đạt chuẩn về trình độ đào tạo, kỹ năng nghề, năng lực sư phạm, năng lực sử dụng ngoại ngữ và công nghệ thông tin; tại các hội thi, hội giảng cấp toàn quốc, đoàn tuyển Ninh Bình tham dự đều đạt thành tích đáng khích lệ.

Nhiều ưu đãi thúc đẩy, khuyến khích hoạt động giáo dục nghề nghiệp

Chính sách quan trọng mà tỉnh ta đã ban hành nhằm khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân sử dụng lao động, doanh nghiệp có năng lực tham gia vào hoạt động GDNN, nhất là hoạt động đào tạo nhân lực có tay nghề cao là Quyết định số 04/2015/QĐUBND ngày 6/3/2015 của UBND tỉnh "Quy định chính sách ưu đãi về sử dụng đất đối với các hoạt động xã hội hóa trong các lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường, giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh Ninh Bình". Quyết định ra đời giúp tăng cường hợp tác giữa cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh và các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân sử dụng lao động trong đào tạo và sử dụng lao động kỹ thuật, tay nghề cao. Đến nay, tỉnh ta đã cấp chứng nhận đăng ký hoạt động GDNN cho 9 cơ sở GDNN tư thục với tổng số 53 nghề, trong đó có 15 nghề trình độ trung cấp, 38 nghề sơ cấp và đào tạo thường xuyên.

Để tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, hội nhập kinh tế quốc tế, Tỉnh ủy cũng đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU, ngày 28/12/2016 về phát triển nguồn nhân lực tỉnh Ninh Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Năm 2017, ngân sách của tỉnh hỗ trợ đào tạo dài hạn cho con em người Ninh Bình với mức 6 triệu đồng/học sinh, sinh viên/năm theo Nghị quyết số 28/2017/NQ-HĐND ngày 6/7/2017 của HĐND tỉnh về việc Quy định chính sách hỗ trợ đào tạo nghề trình độ trung cấp, cao đẳng tỉnh Ninh Bình đến năm 2020. Trong đó, tập trung đào tạo các ngành nghề là thế mạnh của tỉnh; các nhóm ngành nghề đang phát triển, có nhu cầu nhân lực lớn, phục vụ cho sự phát triển công nghiệp như: Ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô; ngành công nghiệp điện tử; các nhóm ngành nghề khách sạn, du lịch, thể thao và dịch vụ cá nhân… để cung cấp nhân lực cho các ngành nghề kinh tế chủ lực trên địa bàn tỉnh.

Các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan; các trường cao đẳng, trung cấp trên địa bàn cũng đã triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các cơ chế, chính sách của Trung ương đối với các đối tượng chính sách và các đối tượng khác tham gia hoạt động GDNN như: Quyết định số 157/QĐ-TTg ngày 27/9/2007 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với học sinh sinh viên; Quyết định số 53/2015/QĐ-TTg ngày 20/10/2015 về chính sách nội trú đối với học sinh, sinh viên học cao đẳng, trung cấp. Các chính sách đã tác động tích cực đến các học sinh, sinh viên thuộc đối tượng chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số, có hoàn cảnh khó khăn và sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn, có điều kiện được vay vốn tham gia học tập tại các cơ sở GDNN trên địa bàn….

Đồng chí Nguyễn Hồng Phong, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện Xây dựng Việt Xô cho biết, bắt đầu từ những năm 2010 trở đi, có những giai đoạn hầu hết các cơ sở GDNN lao đao vì khó tuyển sinh. Nguyên nhân là do nhận thức về vị trí, vai trò của đào tạo nghề còn chưa tương xứng với thực tế. Khi Chỉ thị số 37 ra đời được kỳ vọng sẽ là một cú hích lớn đối với công tác đào tạo nghề, nhất là khi hoạt động này đã thu hút được sự vào cuộc tích cực, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các địa phương. Sự quan tâm của tỉnh đối với công tác đào tạo nghề thể hiện rõ nét nhất đó là đã kịp thời thể chế hóa các cơ chế chính sách trong lĩnh vực GDNN, tạo hành lang pháp lý quan trọng để triển khai đồng bộ các chương trình, đề án về đào tạo nghề, giải quyết việc làm. Qua 10 năm thực hiện Chỉ thị số 37, Nhà trường đã thực hiện đào tạo được 12.570 HSSV, trong đó có trên 5.500 HSSV của tỉnh Ninh Bình. Nhà trường cũng đã đào tạo gần 8 nghìn HSSV cho các nghề trọng điểm, trong đó có trên 4 nghìn HSSV của Ninh Bình.

Theo thống kê của Ngành Lao động, Thương binh và Xã hội, trong giai đoạn 2014-2023, toàn tỉnh tuyển sinh và đào tạo mới các trình độ GDNN cho trên 172 nghìn người, riêng năm 2024 dự kiến đào tạo nghề cho 17.500 người. Tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng đều mỗi năm. Cụ thể: Năm 2015 đạt 54%, dự kiến năm 2024 đạt 71%; trong đó tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ dự kiến năm 2024 đạt 35,3%; phấn đấu đạt và vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020- 2025 đề ra là tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 72% vào năm 2025, trong đó tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 36%.

Đào Hằng

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/chi-thi-so-37-go-nut-that-cho-bai-toan-nguon-nhan-luc-chat/d20240826081553619.htm
Zalo