Chỉ số SIPAS năm 2024 đạt trung bình 83,94%, tăng 1,28% so năm 2023
Theo Bộ Nội vụ, Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2024 (SIPAS 2024) đạt trung bình là 83,94%, tăng 1,28% so năm 2023. Hải Phòng là địa phương đứng đầu trong nhóm các tỉnh, thành phố có Chỉ số SIPAS 2024 và Chỉ số cải cách hành chính năm 2024 (PAR Index 2024) cao nhất.
Ngày 6/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 năm 2025. Chương trình được tổ chức trực tiếp tại đầu cầu Trụ sở Chính phủ, trực tuyến với các điểm cầu tại trụ sở ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Tại Phiên họp, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã báo cáo và công bố kết quả, xếp hạng Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2024 (SIPAS 2024) và Chỉ số cải cách hành chính năm 2024 của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (PAR Index 2024).

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu tại Phiên họp. (Ảnh TRẦN HẢI)
Hải Phòng đứng đầu bảng xếp hạng SIPAS 2024
Bộ Nội vụ cho biết, kết quả Chỉ số SIPAS năm 2024 đạt trung bình là 83,94%, tăng 1,28% so năm 2023. Năm tỉnh, thành phố có kết quả SIPAS 2024 cao nhất là Hải Phòng, Thái Nguyên, Hải Dương, Quảng Ninh, Bà Rịa-Vũng Tàu. Còn năm tỉnh thấp nhất là Bắc Kạn, Lạng Sơn, Quảng Nam, An Giang và Quảng Ngãi.
Kết quả Chỉ số SIPAS năm 2024 đạt trung bình là 83,94%, tăng 1,28% so năm 2023. Năm tỉnh, thành phố có kết quả SIPAS 2024 cao nhất là Hải Phòng, Thái Nguyên, Hải Dương, Quảng Ninh, Bà Rịa-Vũng Tàu.
Mức độ hài lòng của người dân đối với việc xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách nói chung năm 2024 đạt 83,84%, tăng 1,35% so năm 2023. Kết quả giữa các tỉnh, thành phố nằm trong khoảng 78,16%-90,59%.
Mức độ hài lòng về cung ứng dịch vụ hành chính công năm 2024 đạt 84,09%, tăng 1,12% so năm 2023; kết quả giữa các tỉnh, thành phố nằm trong khoảng 78,18%- 92%.
Năm tỉnh, thành phố có mức độ hài lòng đối với việc cung ứng dịch vụ hành chính công cao nhất là Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Bà Rịa-Vũng Tàu.
Năm tỉnh, thành phố có mức độ hài lòng đối với việc cung ứng dịch vụ hành chính công thấp nhất là Bắc Kạn, Lạng Sơn, Quảng Nam, An Giang, Đắk Lắk.

Nhóm địa phương dẫn đầu Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2024 (SIPAS 2024) (Nguồn Bộ Nội vụ)
Năm 2024 là năm thứ tám Bộ Nội vụ triển khai đo lường, xác định Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS 2024). Công tác này nhằm đánh giá khách quan chất lượng phục vụ người dân của cơ quan hành chính nhà nước, góp phần xây dựng nền hành chính phục vụ, lấy người dân làm trung tâm, công khai, minh bạch, nâng cao trách nhiệm giải trình theo các mục tiêu của của Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030 của Chính phủ.
Để triển khai xác định SIPAS 2024, trên cơ sở các tiêu chí và phương pháp đo lường đã được phê duyệt, Bộ Nội vụ đã chủ trì, phối hợp Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam và Tổng công ty Bưu điện Việt Nam để tiến hành khảo sát ý kiến của 36.525 người dân tại 195 đơn vị hành chính cấp huyện, 385 đơn vị hành chính cấp xã và 1.170 thôn, bản, tổ dân phố, khu phố.
Đối với nội dung xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách công, có 9 nhóm chính sách quan trọng, có ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân được lựa chọn để người dân đánh giá.
Đối với nội dung dịch vụ hành chính công, người dân đánh giá các dịch vụ nói chung được cung ứng tại trung tâm phục vụ hành chính công, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả các cấp ở địa phương.
Từ ý kiến phản hồi của 36.525 người dân, Bộ Nội vụ đã tổng hợp, phân tích dữ liệu và xác định Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2024. Đây là một bộ chỉ số gồm 42 chỉ số phản ánh nhận định, đánh giá; 51 chỉ số phản ánh mức độ hài lòng và 10 chỉ số phản ánh nhu cầu, mong đợi của người dân.
Theo Bộ Nội vụ, có một số thông tin đáng chú ý từ kết quả đo lường sự hài lòng của người dân năm 2024. Cụ thể như: Người dân được khảo sát trong cả nước quan tâm đến các chính sách ở mức khá cao, nằm trong khoảng từ 77,88%-82,6% (tăng gần 2% so với 2023). Chính sách trật tự, an toàn xã hội là chính sách được quan tâm nhiều nhất và chính sách phát triển kinh tế là chính sách được quan tâm ít nhất. So với năm 2023, chính sách điện sinh hoạt cũng là một trong hai chính sách được quan tâm nhiều nhất và chính sách phát triển kinh tế cũng là chính sách được quan tâm ít nhất.
Mức độ người dân sẵn sàng tham gia góp ý chính sách chưa cao. Hình thức gửi phiếu xin ý kiến đến nhà, cơ quan nhận được sự ủng hộ cao nhất, nhưng cũng chỉ có 39,14% người được khảo sát sẵn sàng tham gia ý kiến qua hình thức này. Chỉ có 9,53% số người được khảo sát sẵn sàng tham gia góp ý kiến đối với chính sách theo hình thức trực tuyến.
Điều đặc biệt là, mức độ sẵn sàng của người dân trong việc tham gia góp ý đối với chính sách theo hình thức trực tuyến trên website, chỉ 1 địa phương đạt ở mức 44,79%, còn lại của 62 tỉnh nằm trong khoảng 1,24%-20%. Tương tự, mức độ sẵn sàng của người dân trong việc tham gia góp ý đối với chính sách theo hình thức trực tuyến trên nền tảng xã hội Zalo, Facebook, chỉ có 2 địa phương đạt mức trên 30%, còn lại của 61 tỉnh nằm trong khoảng 2,27%-29,68%.
Nhìn nhận về chất lượng phục vụ của công chức, 90,06% cho rằng không có công chức gây phiền hà, sách nhiễu; 8,98% cho rằng có một số công chức gây phiền hà sách nhiễu và 0,96% cho rằng có nhiều công chức gây phiền hà sách nhiễu.
Trong năm 2024, có ba nội dung được người dân mong đợi nhiều nhất. Đó là: Nâng cao năng lực của cán bộ, công chức, viên chức trong giải quyết công việc cho người dân, với 66,56% số người dân tham gia khảo sát lựa chọn; nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức đối với người dân, với 63,10% số người dân tham gia khảo sát lựa chọn và nâng cao tính công khai, minh bạch trong cung cấp thông tin cho người dân, với 59,42% số người dân tham gia khảo sát lựa chọn.
Nhu cầu, mong đợi của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước tại địa phương có sự khác biệt lớn, với mức chênh lệch về tỷ lệ người dân có cùng lựa chọn giữa các tỉnh, thành phố nằm trong khoảng từ 25,98%-45,33%.
Nhìn chung, kết quả SIPAS 2024 đã ghi nhận nỗ lực rất lớn của chính quyền các cấp ở địa phương trong triển khai các giải pháp cải thiện chất lượng phục vụ người dân.
PAR Index 2024 tiếp tục duy trì tăng trưởng tích cực

Nhóm địa phương dẫn đầu xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính năm 2024 của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (PAR Index 2024). (Nguồn Bộ Nội vụ)
Cũng theo Bộ Nội vụ, Chỉ số cải cách hành chính năm 2024 của các tỉnh, thành phố (PAR Index 2024) tiếp tục duy trì tăng trưởng tích cực, với giá trị trung bình cao nhất từ trước đến nay, đạt 88,37%, cao hơn 1.39% so năm 2023. Đây cũng là lần thứ hai liên tiếp có 63/63 địa phương đều đạt kết quả Chỉ số cải cách hành chính trên 80%.
Để xác định PAR Index 2024, Bộ Nội vụ đã tiến hành khảo sát hơn 85.600 phiếu, trong đó, có 36.525 phiếu của người dân để đo lường mức độ hài lòng nêu trên; 49.159 phiếu điện tử khảo sát nhóm đối tượng là cán bộ, công chức, lãnh đạo quản lý tại các bộ, địa phương, hội, hiệp hội.
Chỉ số cải cách hành chính năm 2024 của các tỉnh, thành phố tiếp tục duy trì tăng trưởng tích cực, với giá trị trung bình cao nhất từ trước đến nay, đạt 88,37%, cao hơn 1,39% so năm 2023. Đây cũng là lần thứ hai liên tiếp tất cả địa phương đều đạt kết quả Chỉ số cải cách hành chính trên 80%.
Theo thống kê, 53/63 địa phương có Chỉ số cải cách hành chính tăng so năm 2023, tăng cao nhất là Bình Thuận (+6,39%), tăng thấp nhất là Lai Châu (+0,19%). Tuy nhiên, vẫn còn 9 địa phương có chỉ số giảm, nhưng mức giảm không đáng kể, tỉnh giảm nhiều nhất là 2,94% và tỉnh giảm ít nhất là 0,21%.
Kết quả PAR Index 2024 của các tỉnh, thành phố được phân theo 2 nhóm: Nhóm A, đạt kết quả Chỉ số từ 90% trở lên, gồm 13 tỉnh, thành phố; Nhóm B, đạt kết quả Chỉ số từ 80%-dưới 90%, gồm 50 tỉnh, thành phố.
Theo đánh giá, thành phố Hải Phòng đứng đầu bảng xếp hạng PAR Index 2024 với kết quả đạt 96,17%, cao hơn 4,30% và tăng 1 bậc xếp hạng so năm 2023. Đây là lần thứ hai Hải Phòng dẫn đầu cả nước về Chỉ số cải cách hành chính. Lần gần nhất địa phương này cũng đạt vị trí dẫn đầu là năm 2021.
Trong lịch sử 13 năm đánh giá, Hải Phòng có 12 năm liên tiếp nằm trong tốp 5 địa phương dẫn đầu cả nước về Chỉ số cải cách hành chính, trong đó 7 năm xếp vị trí thứ 2/63.
Những nỗ lực cải cách hành chính mạnh mẽ đã giúp thành phố Hải Phòng tạo nên những kỳ tích trong thời kỳ đổi mới. Trong năm 2024, Hải Phòng trở thành địa phương đầu tiên và duy nhất trong cả nước đạt mức tăng trưởng 2 con số trong 10 năm liên tiếp; thu hút đầu tư nước ngoài FDI đạt 4,7 tỷ USD, gấp 2,35 lần so với kế hoạch.
Xếp vị trí thứ 2/63 là tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu với kết quả đạt 93,35%, tăng 3 bậc xếp hạng so năm 2023. Cải cách hành chính của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu luôn nhận được sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt và sáng tạo của lãnh đạo Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh.
Trong năm 2024, mức độ hài lòng của người dân về chất lượng cung cấp dịch vụ công của Bà Rịa-Vũng Tàu thuộc nhóm rất cao (đạt 90,09%); là địa phương tiên phong triển khai chính sách miễn 100% học phí cho học sinh phổ thông (đến nay đã được nhân rộng ra cả nước); tăng trưởng GRDP năm 2024 đạt 11,72%, mức cao nhất 10 năm gần đây; thu hút đầu tư vốn FDI hơn 2 tỷ USD, tăng gấp hơn 2 lần so năm 2023,…
Một số địa phương khác cũng đã thể hiện sự tiến bộ vượt trội và đạt kết quả rất tích cực trong công tác cải cách hành chính như: Hà Nội, xếp thứ 3/63, đạt 92,75%; Quảng Ninh xếp thứ 4/63, đạt 91,49%; Thái Nguyên, xếp thứ 5/63, đạt 91,47%.
Đứng cuối bảng xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính năm 2024 là tỉnh Cao Bằng, đạt 82.95%, mặc dù vậy, kết quả này vẫn cao hơn 1,63% so với đơn vị đứng cuối bảng xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính năm 2023 (An Giang, năm 2023 chỉ đạt 81,32%).
Ngoài ra, một số địa phương khác cũng cho kết quả Chỉ số cải cách hành chính năm 2024 khá thấp là Bắc Kạn, đạt 84,23%, xếp thứ 60/63; Gia Lai, đạt 84,01%, xếp thứ 61/63 và Lâm Đồng, đạt 83,11%, xếp thứ 62/63.
Bộ Nội vụ nhận định, năm 2024, các địa phương đã có nhiều nỗ lực chỉ đạo và tổ chức triển khai công tác cải cách hành chính một cách toàn diện và hiệu quả; kết quả đánh giá nhiều tiêu chí cho thấy sự chuyển biến rõ nét so năm 2023, phương pháp chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính có nhiều sáng tạo, đổi mới tích cực. Các hoạt động chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính ngày càng có những chuyển biến tích cực cả về tư duy, hành động và hiệu quả đạt được trong thực tiễn.
Cùng với đó, các địa phương đã tăng cường rà soát, đề xuất tháo gỡ nhiều thể chế, cơ chế, chính sách, góp phần tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, thu hút đầu tư, tạo động lực thúc đẩy thực hiện thắng lợi nhiều chỉ tiêu kinh tế-xã hội đề ra trong năm qua.
Cải cách thủ tục hành chính được triển khai quyết liệt, nhiều mô hình mới được triển khai thí điểm, gắn kết chặt chẽ với chuyển đổi số và Đề án 06 đã mang lại nhiều hiệu quả, lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp. Cải cách tổ chức bộ máy được triển khai quyết liệt, khẩn trương, khoa học và đạt được nhiều kết quả đột phá.
Công tác xây dựng, phát triển Chính quyền điện tử, Chính quyền số tiếp tục là điểm sáng của cải cách, khung pháp lý tiếp tục được hoàn thiện; các ứng dụng, cơ sở dữ liệu được phát triển mạnh mẽ, dữ liệu thường xuyên được cập nhật, kết nối chia sẻ liên thông, phục vụ ngày càng hiệu quả cho hoạt động chỉ đạo điều hành của lãnh đạo Ủy ban nhân dân các cấp ở địa phương.
Tuy nhiên, thông qua đánh giá, xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính năm 2024 cũng đã chỉ rõ, việc thực hiện một số nội dung, nhiệm vụ cải cách hành chính còn cho kết quả thấp, hiệu quả chưa cao, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển và sự mong đợi của người dân.
Đây là cũng là dịp để các địa phương có điều kiện nghiên cứu, phân tích dữ liệu, xác định rõ những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, từ đó, ban hành và triển khai các giải pháp, biện pháp khắc phục đối với từng nội dung, nhiệm vụ cụ thể, góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý và nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong năm 2025 và những năm tiếp theo.