Chi phí thử nghiệm và hợp quy điện thoại 5G trước năm 2022 chỉ 70 triệu đồng, nhưng giờ lên đến tiền tỉ
Ông Trần Thanh Phương - Giám đốc Công ty TNHH ExtendMax Việt Nam - cho hay chi phí thử nghiệm và hợp quy cho điện thoại 5G trước năm 2022 khoảng 70 triệu đồng, sau năm 2022 có lúc tăng lên tới 3 tỉ đồng, hiện ổn định ở mức khoảng 1 tỉ đồng cho 1 model.
Tại Hội thảo công bố Báo cáo “Dòng chảy pháp luật kinh doanh Việt Nam 2024” và báo cáo “Đánh giá về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật” vừa diễn ra, ông Trần Thanh Phương - Giám đốc Công ty TNHH ExtendMax Việt Nam, cho hay trong thời gian từ năm 2023 - 2024, việc cải cách xây dựng tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật có nhiều thành tựu.
Ví dụ như khoảng thời gian từ khi ban hành quy chuẩn cho đến khi bắt buộc áp dụng quy chuẩn kỹ thuật đã được nới rộng hơn; rà soát lại các quy chuẩn, tạm ngưng phần yêu cầu kỹ thuật mà điều kiện thử nghiệm trong nước chưa đáp ứng được; các phòng thử nghiệm tư nhân và phòng thử nghiệm có vốn đầu tư nước ngoài liên tiếp được triển khai và tham gia thị trường thử nghiệm, cải thiện năng lực thử nghiệm trong nước một cách đáng kể… Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn phát sinh trong việc thực hiện tuân thủ quy định về hợp quy.
Cụ thể, chi phí tuân thủ tăng lên đáng kể, đặc biệt là đối với một số sản phẩm tiêu dùng như máy tính xách tay và điện thoại 5G. Chi phí thử nghiệm và hợp quy cho điện thoại 5G trước năm 2022 khoảng 70 triệu đồng, sau năm 2022 có giai đoạn tăng lên tới 3 tỉ đồng, giờ ổn định ở mức khoảng 1 tỉ đồng cho 1 model.
“Chúng tôi ghi nhận trong giai đoạn 2023, số lượng kiểu loại điện thoại 5G được một số hãng đưa ra thị trường chỉ còn 1/3 so với giai đoạn năm 2022. Liệu có phải lý do là do chi phí tuân thủ quá cao so với quy mô thị trường?”, ông Phương đặt câu hỏi.

Ông Trần Thanh Phương – Giám đốc Công ty TNHH ExtendMax Việt Nam
Cũng theo ông Phương, thời gian thử nghiệm và chứng nhận dài hơn so với quy định tại Nghị định 74/2018/NĐ-CP. Cụ thể là thử nghiệm và làm chứng nhận hợp quy cho máy tính hoặc điện thoại cần 6 - 8 tuần. Trong khi đó Nghị định 74/2018/NĐ-CP yêu cầu phải hoàn thành thủ tục hợp quy trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày thông quan.
“Gần đây, câu hỏi phổ biến nhất mà khách hàng dành cho tôi là khi nào thì có phòng thử nghiệm được chỉ định hoặc công nhận cho việc thử nghiệm QCVN 134 và QCVN 135 BTTTT? Trong khi đó, ngày bắt buộc áp dụng 2 quy chuẩn thử nghiệm này đã cận kề. Tôi dự đoán nhu cầu thị trường rất lớn trong giai đoạn đầu, cộng với việc thời gian thử nghiệm QCVN 134 khá dài. Do vậy có thể đây là lý do làm cho các hãng sản xuất lo lắng việc tuân thủ quy định”, ông Phương chia sẻ.
Để cải thiện các vấn đề trên, ông Phương đề nghị cơ quan quản lý nhà nước nghiên cứu biện pháp giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp. Các chi phí này sẽ làm tăng chi phí đầu vào, dẫn tới tăng giá cả đầu ra.
Ông Phương cũng đề nghị cơ quan soạn thảo, ban hành quy chuẩn kỹ thuật nghiên cứu và đánh giá kỹ hơn về các tác động khi ban hành quy chuẩn kỹ thuật ở 1 số nội dung: Chi phí tuân thủ tăng thêm ra sao? Lợi ích mà người tiêu dùng nhận lại được tương xứng với mức giá họ bỏ ra thêm hay không?
Ngoài ra, thời gian từ khi ban hành, áp dụng và mốc thời điểm bắt buộc áp dụng quy chuẩn kỹ thuật cần được nghiên cứu kỹ hơn, so sánh đối chiếu năng lực thử nghiệm của các phòng thử nghiệm trong nước và phòng thử nghiệm được thừa nhận.
Hơn nữa, ông Phương cũng nêu rằng việc xây dựng tiêu chuẩn quy chuẩn kỹ thuật dựa trên sự thừa kế tiêu chuẩn quốc tế một cách có chọn lọc. Ví dụ về việc thử nghiệm trong điều kiện khắc nghiệt ở biên nhiệt độ trên/dưới (-40 độ C ~ +60 độ C), với một nước có nhiệt độ ôn hòa như Việt Nam thì khó xảy ra tình huống nhiệt độ môi trường hoạt động của sản phẩm ở mức như vậy trên thực tế.
Đại diện doanh nghiệp cũng cho rằng cần tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa việc đánh giá sự phù hợp. Hiện tại toàn bộ Việt Nam mới chỉ có 1 tổ chức chứng nhận hợp quy được chỉ định cho việc chứng nhận sản phẩm công nghệ thông tin.
Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng khuyến nghị cần đưa báo cáo đánh giá tác động thành một tài liệu bắt buộc trong hồ sơ xây dựng các quy chuẩn kỹ thuật. Nội dung của báo cáo đánh giá tác động bao gồm các vấn đề về sự cần thiết, tính hợp lý và tính khả thi của việc ban hành quy chuẩn kỹ thuật.
Trong trường hợp cơ quan soạn thảo tham khảo tiêu chuẩn của nước ngoài khi ban hành tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam thì cần lưu ý tham khảo cả đối tượng áp dụng của tiêu chuẩn đó; việc dịch thuật cần được tiến hành kỹ lưỡng, chú giải cẩn thận; cho phép doanh nghiệp áp dụng đồng thời cả phiên bản cũ và mới khi tiêu chuẩn nước ngoài có sự thay đổi mà chưa kịp thay đổi tiêu chuẩn hoặc quy chuẩn tương ứng của Việt Nam.
Tiếp theo, việc đăng tải công khai dự thảo tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật cần được bảo đảm. Việc tham vấn đối tượng chịu tác động khi soạn thảo tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật là hết sức quan trọng.
Ngoài ra, VCCI cũng cho rằng các quy chuẩn kỹ thuật chỉ nên được ban hành nhằm hướng đến mục tiêu bảo đảm tính an toàn của sản phẩm, hàng hóa hoặc các lợi ích công cộng. Các mục tiêu khác như bảo hộ thị trường, thúc đẩy giao dịch hay nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa cần được cân nhắc hết sức thận trọng trong quá trình soạn thảo. Các quy chuẩn kỹ thuật không được phép bao gồm nội dung về điều kiện đầu tư kinh doanh.
Trong 4 năm đầu thực thi Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật năm 2006, số lượng quy chuẩn quốc gia (QCVN) được ban hành tăng rất nhanh. Năm 2011 cũng là năm có số lượng QCVN được ban hành cao nhất trong lịch sử, lên đến 148 QCVN. Các năm sau đó chứng kiến xu hướng giảm ban hành các QCVN. Từ năm 2012 - 2015 số lượng QCVN được ban hành ở mức 80 đến hơn 90 văn bản mỗi năm. Từ năm 2016 - 2023, số lượng QCVN ban hành mỗi năm tiếp tục xu hướng giảm, chỉ còn khoảng 40 đến 60 QCVN mỗi năm.
Trước khi Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật có hiệu lực, số lượng tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) của Việt Nam là 2.930 văn bản. Các năm từ 2008 - 2012, trung bình Việt Nam ban hành khoảng 500 - 600 TCVN mỗi năm. Giai đoạn từ 2013 đến 2020, số lượng TCVN được ban hành mỗi năm tăng lên khoảng 700 - 900 văn bản. Tuy nhiên, từ năm 2021 - 2024, số lượng này giảm xuống chỉ còn 300 - 400 văn bản mỗi năm.