Chi phí nào đang 'ăn mòn' lợi nhuận doanh nghiệp xây dựng?
Về phía doanh nghiệp hầu hết đều đặt kế hoạch tăng trưởng về doanh thu, trong khi thận trọng với kế hoạch lợi nhuận sau thuế.
Việc tập trung đẩy mạnh đầu tư công kỳ vọng tác động lan tỏa đến nhóm ngành xây dựng hạ tầng. Tuy vậy, bức tranh tài chính thời gian qua cho thấy, biến động nhiều chi phí như nguyên vật liệu và lãi vay đã “ăn mòn” lợi nhuận của doanh nghiệp ngành này.
Tại báo cáo tài chính hợp nhất mới nhất quý II/2023 của Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) ghi nhận: Doanh thu 4.566 tỷ đồng, gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 6 tháng năm 2023, Vinaconex đạt doanh thu 6.532 tỷ đồng tăng 85%, và gần 139,2 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 81% so với cùng kỳ năm 2022.
Tuy nhiên, báo cáo tài chính này cũng chỉ ra rằng, giá vốn bán hàng đạt 4.137 tỷ đồng, tăng 122% và cao hơn mức tăng doanh thu. Các khoản chi phí phí khác đều tăng như: chi phí tài chính tăng 24% ở mức 245 tỷ đồng; chi phí lãi vay là 213 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoài. Ngoài ra, chi phí bán hàng tăng gần 24 tỷ đồng và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng hơn 104 tỷ đồng, tương ứng mức tăng 24% so với cùng kỳ năm ngoái.
Còn Công ty cổ phần Tập đoàn Cienco 4 ghi nhận lũy kế 6 tháng năm 2023 doanh thu thuần giảm 11% xuống 1.082 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế giảm 2% xuống 78 tỷ đồng. Theo giải trình chênh lệch lợi nhuận của Cienco4, do lãi suất 6 tháng đầu năm cao hơn cùng kỳ năm trước, cùng với phí bảo lãnh thực hiện hợp đồng, bảo lãnh tiền tạm ứng 2023 cao hơn, dẫn đến lợi nhuận sau thuế ghi nhận giảm.
Thậm chí, nếu so với quý I, lợi nhuận sau thuế quý II của Cienco 4 giảm khoảng 10%. Quý này, chi phí tài chính tăng tới 84% so với cùng kỳ lên 86 tỷ đồng; trong đó, 72 tỷ đồng là chi phí lãi vay. Dưới áp lực lãi vay lớn, lợi nhuận sau thuế quý II của Cienco 4 giảm 21% so với cùng kỳ năm trước xuống còn 37 tỷ đồng.
Về phía Công ty cổ phần Lizen, doanh nghiệp này cũng ghi nhận doanh thu 6 tháng năm 2023 đạt 660,66 tỷ đồng, tăng 13,3% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế ghi nhận 30,49 tỷ đồng, giảm 76,8% so với cùng kỳ năm trước, do sụt giảm mạnh doanh thu tài chính, bao gồm lãi tiền gửi tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn tăng thêm 245,52 tỷ đồng, lên 677,17 tỷ đồng, tương ứng 56,9% so với đầu năm và chiếm tới 13,1% tổng nguồn vốn.
Không chỉ chịu áp lực chi phí lãi vay tăng cao, Báo cáo Đầu tư cơ sở hạ tầng của Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam cho biết, tình trạng thiếu nguyên vật liệu có thể ảnh hưởng đến tiến độ dự án. Sự mất cân bằng cung-cầu của vật liệu đẩy giá cát, đá và chất phụ gia tăng cao, từ đó dẫn đến rủi ro giảm tỷ suất lợi nhuận gộp của các nhà thầu xây dựng.
Theo quan sát trên thị trường, dù giá thép đã hạ nhiệt nhưng các loại nguyên vật liệu xây dựng chính khác như gạch, xi măng… vẫn ở mức cao. Trước đó, báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải chi ra rằng, tại Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025 do khó khăn về nguồn vật liệu xây dựng, giá trị sản lượng của, sau nửa năm thi công chỉ đạt khoảng 5% giá trị hợp đồng, chậm khoảng 5%, trong khi kế hoạch 6 tháng đầu năm phải đạt 10%.
Dù vậy, các công ty chứng khoán tiếp tục thể hiện quan điểm tích cực đối với hoạt động của các doanh nghiệp nhóm ngành xây dựng hạ tầng trong những tháng cuối năm khi Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh triển khai các dự án đầu tư công trọng điểm, cùng với tích cực gỡ nút thắt nguyên vật liệu xây dựng.
Theo đó, Cảng hàng không quốc tế Long Thành đã hoàn thành giải phóng mặt bằng, đang tiến hành lựa chọn nhà thầu xây dựng đường băng và nhà ga. Dự án Vành đai 3 Tp. Hồ Chí Minh Vành đai 4 Hà Nội và 3 cao tốc trục Đông – Tây đã liên tục được khởi công trong tháng 6.
“Với tiến độ giải ngân liên tục cải thiện thời gian, đầu tư công được coi là động lực tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh các đầu kéo tiêu dùng, xuất khẩu chịu ảnh hưởng do áp lực lạm phát, tỷ giá tăng và kinh tế toàn cầu biến động”, nhóm phân tích của Công ty Chứng khoán Ngân hàng Agribank (Agriseco Research) nhận định.
Về phía doanh nghiệp hầu hết đều đặt kế hoạch tăng trưởng về doanh thu nhờ giá trị các hợp đồng chuyển tiếp từ năm trước và việc đẩy mạnh đầu tư công của Chính phủ, trong khi thận trọng với kế hoạch lợi nhuận sau thuế. Ngoại trừ Công ty cổ phần Xây dựng Coteccons và Cienco 4 đang đưa ra kế hoạch lợi nhuận sau thuế tăng trưởng nhờ mức nền thấp. Còn hầu hết doanh nghiệp còn lại đưa ra mức tăng trưởng thấp và thậm chí giảm so với cùng kỳ.
Năm 2023, Lizen đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu 2.850 tỷ đồng, tăng 183,3% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế dự kiến 150 tỷ đồng, giảm 22,7% so với thực hiện trong năm 2022. Vinaconex đặt kế hoạch doanh thu 16.340 tỷ đồng, tăng 89% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ở mức 860 tỷ đồng, giảm 18% so với thực hiện trong năm 2022.
Trong phiên giao dịch hôm nay (18/9), cổ phiếu VGC của Vinaconex có giá 51.200 đồng, C4G của Cienco 4 có giá 15.300 đồng, LCG của Lizen có giá 14.900 đồng, CTD của Coteccons có giá 66.800 đồng/đơn vị.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tỷ lệ ước giải ngân 7 tháng kế hoạch năm 2023 là 267.625,2 tỷ đồng, đạt 35,49% kế hoạch, tăng 3,88% so với cùng kỳ năm trước. Nếu so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tỷ lệ giải ngân đạt 37,85%, tăng 3,38% so với cùng kỳ năm trước, phấn đấu giải ngân ít nhất 95% trong tổng số hơn 711 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư công năm 2023./.