Chị nông dân nuôi con 'hiền lành' ham ăn, lãi 1,5 tỷ đồng/năm rất nhẹ nhàng

Nhờ dám nghĩ dám làm và không ngừng học hỏi, chị Lương Thanh Hương, huyện Tháp Mười đã trở thành tỷ phú nhờ nuôi lợn thương phẩm và lợn giống công nghệ cao.

Hơn 20 năm qua, kể từ khi nuôi con lợn đầu tiên, đến nay, chị Lương Thanh Hương (SN 1973, ngụ Ấp 3, xã Tân Kiều, huyện Tháp Mười) đã xây dựng được khu trang trại chăn nuôi lợn khép kín trong hệ thống chuồng lạnh với quy mô lớn, góp phần hiện thực hóa khát vọng thoát nghèo, đảm bảo kinh tế gia đình và vươn lên làm giàu chính đáng.

Chia sẻ với báo Đồng Tháp về quá trình khởi nghiệp, chị Hương cho biết, sau khi lập gia đình, dù không ngại vất vả đi làm thuê đủ nghề và cắt lúa mướn nhiều nơi nhưng cuộc sống gia đình vẫn gặp nhiều khó khăn.

Năm 1998, chị Hương quyết định bắt đầu chăn nuôi lợn (heo) và gắn bó với việc nuôi heo cho đến nay. "Trong quá trình nuôi heo, tôi luôn chủ động đi học hỏi thêm kinh nghiệm, tham quan chuồng trại nuôi heo của các hộ nuôi khác. Đồng thời tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi heo do ngành nông nghiệp địa phương tổ chức để có thêm kiến thức giúp việc nuôi heo đạt hiệu quả hơn. Từ con heo đầu tiên, tôi gầy đàn từ từ rồi thành trang trại như hiện giờ", chị Hương kể.

Lúc đầu, chị Hương cũng nuôi heo theo cách truyền thống như bao hộ nuôi khác, đến năm 2014, trong một lần cùng công ty bán thức ăn đi tham quan mô hình chăn nuôi heo trong nhà lạnh ở tỉnh Trà Vinh; chị Hương học hỏi thêm nhiều kiến thức chăn nuôi và rồi quyết tâm thay đổi cách nuôi heo theo hướng an toàn sinh học.

Chị Lương Thanh Hương, ở xã Tân Kiều, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp bên trang trại nuôi heo công nghệ cao quy mô lớn của mình. Ảnh: Lê Hoàng Vũ/Nông nghiệp Việt Nam

Chị Lương Thanh Hương, ở xã Tân Kiều, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp bên trang trại nuôi heo công nghệ cao quy mô lớn của mình. Ảnh: Lê Hoàng Vũ/Nông nghiệp Việt Nam

Nghĩ là làm, chị mạnh dạn xin bản vẽ của chủ trại nuôi heo ở tỉnh Trà Vinh rồi về bán 14 công đất cộng với tiền tích cóp để đầu tư xây dựng chuồng trại nuôi heo theo hướng an toàn sinh học và có hệ thống làm lạnh bằng hơi nước.

Hiện trang trại nuôi heo của chị Hương rộng hơn 2ha, được đầu tư hơn 3 tỷ đồng để xây dựng hoàn thiện, trong đó dành riêng khoảng 5 công đất làm khu xử lý chất thải để đảm bảo khu vực trại nuôi sạch sẽ, thoáng mát, an toàn vệ sinh. Đặc biệt, hệ thống nước thải ra được đưa ra qua hệ thống xử lý, phân ủ làm biogas và kết hợp nuôi cá trong ao hầm.

Sau khi hoàn thiện hệ thống trại, toàn bộ đàn heo được chị Hương cách ly đảm bảo sạch bệnh. Sau đó, heo được đưa vào nuôi trong phòng có hệ thống làm lạnh, có sổ ghi chép theo dõi tiêm phòng nghiêm ngặt, công tác vệ sinh môi trường xung quanh cũng được thực hiện, không cho người lạ ra vào trang trại heo… để hạn chế tối đa ảnh hưởng của dịch bệnh.

Ngoài ra, nhiệt độ môi trường được đảm bảo mát mẻ nhờ hệ thống lạnh được trang bị toàn trang trại nên giúp đàn heo tăng trưởng nhanh, heo khỏe mạnh, có sức đề kháng tốt, ít bị dịch bệnh. Nhờ đó, thời gian nuôi được rút ngắn, tăng hiệu quả chăn nuôi.

Theo chị Hương, để đảm bảo an toàn cho đàn heo sạch bệnh, trước hết mô hình phải khép kín, khu heo thịt, heo nái phải chia ra, trại nuôi kín không cho muỗi đốt, kín gió, sát trùng chuồng trại mỗi tuần một lần, người ra vào trại phải sát trùng. Heo thả nuôi phải tiêm phòng đầy đủ vacxin.

Nhờ nuôi heo theo cách này, khi bệnh dịch tả heo Châu Phi hoành hành khắp nơi, nhưng trang trại nuôi heo thương phẩm, heo giống hàng trăm con của chị Lương Thanh Hương vẫn an toàn, khỏe mạnh.

Bên cạnh mở trang trại nuôi heo, chị Hương còn là nhà phân phối thức ăn chăn nuôi cấp 1 cho các công ty tại địa phương. Ảnh: Lê Hoàng Vũ/Nông nghiệp Việt Nam

Bên cạnh mở trang trại nuôi heo, chị Hương còn là nhà phân phối thức ăn chăn nuôi cấp 1 cho các công ty tại địa phương. Ảnh: Lê Hoàng Vũ/Nông nghiệp Việt Nam

Bên cạnh mở trang trại nuôi heo quy mô tại địa phương, chị Hương còn là nhà phân phối thức ăn chăn nuôi cấp 1 cho các công ty cám. Phần hoa hồng bán thức ăn hàng tháng, chị Hương đầu tư lại vào tiền thức ăn cho đàn heo nên giúp phần lời trong chăn nuôi của gia đình chị cao hơn.

Hiện nay, theo cách nuôi heo trang trại của chị Hương, sau khi trừ hết chi phí, lời từ 2,5- 2,8 triệu đồng/con heo tùy vào từng thời điểm.

Theo Nông nghiệp Việt Nam, có lúc cao điểm trại heo của chị có khoảng 1.000 con heo, gồm nái và heo thịt. Thế mạnh của chị là nuôi heo nái để bán giống cho bà con trong vùng và liên kết cung cấp giống cho các công ty chăn nuôi. Mỗi năm, trang trại của chị Hương xuất chuồng nhiều lứa heo, sau khi trừ chi phí lợi nhuận trên 1,5 tỷ đồng/năm.

Bên cạnh đó, trang trại chăn nuôi heo của gia đình chị còn góp phần giải quyết việc làm cho 6 lao động trong và ngoài địa phương với nguồn thu nhập ổn định. Chị Hương thường xuyên giúp đỡ các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, tích cực hỗ trợ công tác an sinh xã hội và đóng góp kinh phí góp phần xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

"Tôi luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi với các hộ nuôi heo khác để góp phần nâng cao hiệu quả chăn nuôi, phát triển kinh tế gia đình", chị Hương cho biết.

Với nhiều nỗ lực trong việc chăn nuôi, nhiều năm qua, chị Hương liên tục được công nhận danh hiệu Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Năm 2021, chị Lương Thanh Hương được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen về thành tích xuất sắc trong phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi" tỉnh Đồng Tháp, giai đoạn 2017 - 2021.

Minh Hoa (t/h)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/chi-nong-dan-nuoi-con-hien-lanh-ham-an-lai-15-ty-dong-nam-rat-nhe-nhang-204240907142239782.htm
Zalo