Chỉ nên nhận tài trợ với quy hoạch chung cấp tỉnh

Chiều 20.6, Tổ 18 gồm Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh Thanh Hóa, Trà Vinh, Hà Nam đã thảo luận về dự án Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn; dự án Luật Địa chất và khoáng sản.

Không còn chồng lấn các nhiệm vụ quản lý nhà nước

Hệ thống pháp luật về quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng và quy hoạch nông thôn mặc dù đã được sửa đổi, bổ sung và ngày càng hoàn thiện nhưng chưa được điều chỉnh thống nhất tại một luật. Việc điều chỉnh trực tiếp tại Luật Quy hoạch đô thị năm 2009 và Luật Xây dựng năm 2014 và tản mạn tại nhiều luật khác có liên quan đang gây khó khăn cho công tác áp dụng và thi hành.

Bởi vậy, việc ban hành Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn là cần thiết nhằm tạo cơ sở pháp lý, công cụ quản lý đồng bộ, toàn diện, thống nhất, để điều chỉnh hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn. Khắc phục các tồn tại, hạn chế, bất cập, khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, đáp ứng được yêu cầu của giai đoạn phát triển mới của đất nước. Đồng thời tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; phát huy đầy đủ vai trò của các tổ chức, cá nhân và xã hội trong hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn, bảo đảm lợi ích của Nhà nước, Nhân dân và xã hội.

Đại biểu Quốc hội Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) phát biểu tại tổ

Đại biểu Quốc hội Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) phát biểu tại tổ

Thảo luận về dự án luật, ĐBQH Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) cho rằng, việc hợp nhất các quy định về quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn vào một luật là phù hợp, hướng tới bảo đảm thống nhất về định hướng chung trong kiểm soát, quản lý, phát triển đô thị và nông thôn. Không còn chồng lấn các nhiệm vụ quản lý nhà nước giữa hai vùng đô thị và nông thôn, phát triển hài hòa và gắn kết giữa không gian đô thị với nông thôn, bổ trợ cho sự phát triển chung của địa phương, của vùng và cả nước.

Liên quan đến vấn đề quản lý nhà nước về quy hoạch đô thị và nông thôn, ĐBQH Trần Quốc Tuấn kiến nghị nên nghiên cứu thiết kế, bổ sung trách nhiệm pháp lý của tổ chức cá nhân trong quá trình lập, phê duyệt và triển khai thực hiện quy hoạch nhưng không triển khai hoặc chậm triển khai, để quy hoạch treo, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp và lãng phí nguồn lực xã hội.

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Hoàn (Thanh Hóa) phát biểu

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Hoàn (Thanh Hóa) phát biểu

Về nội dung tiếp nhận, quản lý, sử dụng nguồn kinh phí hỗ trợ hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn, ĐBQH Trần Quốc Tuấn đề nghị hết sức cân nhắc nội dung nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức nước ngoài tài trợ kinh phí, hỗ trợ cho hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn. ĐBQH Lê Thanh Hoàn (Thanh Hóa) tán thành với quan điểm này và cho rằng việc tài trợ quy hoạch là tốt, nhưng nếu nhận tài trợ quy hoạch với một dự án, một quy hoạch cụ thể thì cần cân nhắc. Chỉ nên nhận tài trợ với quy hoạch chung cấp tỉnh.

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Hiền (Hà Nam) phát biểu

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Hiền (Hà Nam) phát biểu

ĐBQH Trần Thị Hiền (Hà Nam) nêu quan điểm rằng nên xem xét phân cấp cho UBND cấp huyện phê duyệt quy hoạch chi tiết khu vực trong khu đô thị mới do số lượng các quy hoạch chi tiết khu vực trong khu đô thị mới là rất lớn, với nhiều loại quy mô, không cần thiết phải được phê duyệt bởi UBND cấp tỉnh.

Hoàn thiện, bổ sung các dự thảo văn bản quy định chi tiết

Đối với dự án Luật Địa chất và khoáng sản, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho thấy, sự cần thiết ban hành luật vì tài nguyên địa chất, khoáng sản không những là nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, mà còn là nguồn dự trữ lâu dài của quốc gia cần phải được quy hoạch, điều tra, thăm dò đầy đủ; quản lý tập trung, thống nhất; khai thác, sử dụng bền vững, tiết kiệm, hiệu quả đáp ứng nhu cầu trước mắt và lâu dài.

Việc ban hành Luật Địa chất và khoáng sản sau hơn 13 năm thi hành Luật Khoáng sản nhằm thể chế hóa quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng; góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động địa chất, khoáng sản, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật, phù hợp với các điều ước và cam kết quốc tế mà nước ta là thành viên. Khắc phục những tồn tại, hạn chế, bất cập của Luật Khoáng sản hiện hành.

Đặc biệt, việc sớm ban hành Luật Địa chất và khoáng sản sẽ góp phần giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh từ thực tiễn liên quan đến quy trình, thủ tục khai thác khoáng sản nhằm kịp thời cung cấp vật liệu xây dựng thông thường cho xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng, nhất là công trình trọng điểm quốc gia.

Đại biểu Quốc hội Cao Thị Xuân (Thanh Hóa) phát biểu

Đại biểu Quốc hội Cao Thị Xuân (Thanh Hóa) phát biểu

Thảo luận về dự án luật, ĐBQH Cao Thị Xuân (Thanh Hóa) nêu vấn đề: dự án luật có 53 nội dung giao Chính phủ quy định chi tiết và 12 nội dung giao các Bộ trưởng quy định. Tuy nhiên, hồ sơ dự án luật mới kèm theo 1 dự thảo Nghị định quy định chi tiết hướng dẫn thi hành luật. Với lý do này, ĐBQH Cao Thị Xuân đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện, bổ sung đầy đủ các dự thảo văn bản quy định chi tiết để có thể có hiệu lực đồng thời với luật, bảo đảm chất lượng, đồng bộ.

Ngoài vấn đề này, ĐBQH Cao Thị Xuân cũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, quy định rõ các quy định liên quan đến hoàn thổ, phục hồi môi trường sau khai thác khoáng sản. Trách nhiệm của Nhà nước, tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm sản xuất, đời sống của người dân bị thu hồi đất, bị sự cố môi trường do hoạt động khoáng sản.

Tin và ảnh: Khánh Ninh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/thoi-su-quoc-hoi/chi-nen-nhan-tai-tro-voi-quy-hoach-chung-cap-tinh--i376353/
Zalo