Chỉ huy trưởng lực lượng biệt động Sài Gòn quê Hà Tĩnh là ai?
Đại tá Tư Chu - Chỉ huy trưởng lực lượng biệt động quân khu Sài Gòn - Gia Định là một người con của quê hương Hà Tĩnh. Ông là người kiến tạo các cách đánh 'xuất quỷ nhập thần', là cái tên đứng đằng sau nhiều chiến công huyền thoại của biệt động Sài Gòn.
Chỉ huy trưởng lực lượng biệt động Sài Gòn quê ở huyện nào của Hà Tĩnh?
A: Cẩm Xuyên
B: Thạch Hà
C: Đức Thọ
D: Hương Sơn
Giải thích

Đại tá Nguyễn Đức Hùng (tức Tư Chu, Ba Tam) sinh năm 1928, tên khai sinh là Nguyễn Đức Hội, quê ở xã Hậu Lộc (nay là xã Ích Hậu, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh). Theo Phim tài liệu “Biệt động Sài Gòn - Tập 9: Thủ lĩnh biệt động” của đạo diễn Lê Phong Lan, năm 1945, ông Nguyễn Đức Hội tham gia cách mạng, đổi tên là Nguyễn Đức Hùng. Sau khi được cơ sở cử đi học lớp quân chính trở về, cuối năm 1946, ông được phân công vào hoạt động bí mật ở nội thành Sài Gòn - Gia Định (nay là TP Hồ Chí Minh). Ông nguyên là Thành ủy viên dự khuyết, nguyên Chỉ huy trưởng lực lượng biệt động quân khu Sài Gòn - Gia Định (gọi tắt là biệt động Sài Gòn), nguyên Phó Tư lệnh quân khu Sài Gòn - Gia Định. Ông được Đảng, Nhà nước khen thưởng huân chương Độc lập hạng nhất, huân chương Quân công hạng nhất, huy hiệu 65 năm tuổi Đảng và nhiều huân chương cao quý khác. Ngày 3/1/2012, Đại tá Nguyễn Đức Hùng vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Biệt danh “Tư Chu” của ông xuất phát từ đâu?
A: Ông là con thứ tư trong gia đình
B: Ông là người chỉ huy thứ tư của lực lượng biệt động Sài Gòn
C: Biệt danh do cấp trên đặt để giữ bí mật danh tính
D: Tên một xóm nhỏ ông từng sinh sống trong nhiều năm ở Sài Gòn
Giải thích

Đại tá Nguyễn Đức Hùng là con thứ 4 trong gia đình có 9 anh, chị, em. Tên hồi nhỏ của ông là Chớ nên sau này hoạt động cách mạng, ông lấy tên là Tư Chu. Năm 8 tuổi, do cuộc sống quá khó khăn, ông rời quê hương lưu lạc vào Nha Trang trọ học ở nhà người chú. Ở Nha Trang được một thời gian, ông Nguyễn Đức Hùng vào Sài Gòn phụ việc, làm đủ nghề để kiếm sống. Vào khoảng năm 1978, sau khoảng 40 năm rời quê hương, ông Nguyễn Đức Hùng mới trở về thăm gia đình ở Hà Tĩnh.
Ông từng bị chính quyền chế độ cũ treo thưởng bao nhiêu tiền để bắt và tiêu diệt?
A: 500 nghìn USD
B: 1 triệu USD
C: 2 triệu USD
D: 5 triệu USD
Giải thích

Biệt động Sài Gòn - Gia Định là một bộ phận quan trọng của lực lượng vũ trang Sài Gòn - Gia Định. Đây là đội quân được sinh ra từ Nhân dân và tung hoành ở những nơi kẻ thù được bảo vệ nghiêm ngặt nhất, giữa trung tâm đầu não của địch. Trong suốt chiều dài hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, lực lượng biệt động Sài Gòn - Gia Định đã lập hàng trăm chiến công lớn nhỏ, trong đó nhiều trận đánh gây tiếng vang lớn như: Khách sạn Caravelle, nhà hàng Mỹ Cảnh, cư xá Brink, Tổng nha Cảnh sát ngụy, tàu USNS Card… đỉnh cao là cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Theo phim tài liệu “Biệt động Sài Gòn - Tập 9: Thủ lĩnh biệt động” (đạo diễn Lê Phong Lan), năm 1949, ông Nguyễn Đức Hùng được giao nhiệm vụ Chỉ huy trưởng biệt động đội mang phiên hiệu 2766 của Trung đoàn 306 miền Đông Nam Bộ. Năm 1965, ông được giao nhiệm vụ Chỉ huy trưởng lực lượng biệt động quân khu Sài Gòn - Gia Định mang phiên hiệu F100. Là người kiến tạo các cách đánh “xuất quỷ nhập thần”, tấn công trí tuệ, Tư Chu là cái tên đứng đằng sau nhiều chiến công huyền thoại của biệt động Sài Gòn. Ông chỉ mang quân hàm đại tá, nhưng đồng đội ai cũng gọi ông là “tướng biệt động” là vì vậy. Tháng 4/1968, sau những chiến công vang dội của lực lượng biệt động quân khu Sài Gòn - Gia Định, đặc biệt là sự kiện Xuân Mậu Thân, chính quyền chế độ cũ hoảng sợ treo giải thưởng 2 triệu USD cho ai bắt hoặc giết được “trùm biệt động” Nguyễn Đức Hùng.
Địch từng bắt giữ người thân nào của Đại tá Tư Chu nhằm chiêu hàng ông?
A: Vợ
B: Bố đẻ
C: Mẹ đẻ
D: Hai con trai
Giải thích

Vợ của Đại tá Nguyễn Đức Hùng là bà Đoàn Thị Nhỏ (cựu giao liên lực lượng biệt động quân khu Sài Gòn - Gia Định). Sau sự kiện Xuân Mậu Thân 1968, hai con trai của Đại tá Nguyễn Đức Hùng bị địch bắt nhằm chiêu hàng cha mẹ. Lúc đó 2 bé mới lên 5, lên 7 tuổi, bị đối phương bị đưa qua nhiều trại giam, mắc chứng thương hàn không người chăm sóc. Dù đau đớn nhưng vợ chồng ông Nguyễn Đức Hùng vẫn giữ vững khí tiết. Ông Tư Ánh (Trần Bạch Đằng) khi đó là Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Gia Định hứa với ông Nguyễn Đức Hùng “sẽ làm hết khả năng để bảo đảm an toàn cho hai cháu”. Theo phim tài liệu “Biệt động Sài Gòn - Tập 9: Thủ lĩnh biệt động” (đạo diễn Lê Phong Lan), ông Trần Bạch Ðằng đưa ra ý kiến, phía ta sẽ bắt một tên lính Mỹ và dùng đó như là một điều kiện để trao đổi. Thế nhưng kế hoạch này không thành. Nước cờ tiếp theo mà lãnh đạo Thành ủy Sài Gòn - Gia Ðịnh lựa chọn là tiếp cận với một nhà báo Mỹ, để qua đó nhờ nhà báo này tạo dư luận buộc chính quyền Sài Gòn phải trả tự do cho hai đứa trẻ. Và người được lựa chọn là Don Luce - cựu phóng viên tờ Washington Post. Và Don Luce đã không phụ lòng tin của những người đã lựa chọn ông cho sứ mạng này, khi ông đã làm rúng động dư luận thế giới bằng những hình ảnh chân thực nhất, với trang bìa cuốn sách “Những con tin của chiến tranh - những người tù chính trị của chế độ Sài Gòn” là người tù Nguyễn Lê Minh, con trai lớn của ông Tư Chu, khi ấy mới 7 tuổi. Sau bài viết này, trước làn sóng chỉ trích, giận dữ của dư luận trong và ngoài nước, 2 đứa trẻ đã được thả tự do.
Ai đóng vai Tư Chung - nhân vật được lấy cảm hứng từ cuộc đời Đại tá Tư Chu - trong bộ phim nổi tiếng “Biệt động Sài Gòn”?
A: Quang Thái
B: Chánh Tín
C: Thương Tín
D: Lâm Tới
Giải thích

“Biệt động Sài Gòn” là bộ phim gắn liền với tên tuổi đạo diễn Long Vân, được xem là một trong những thành công chói sáng của điện ảnh cách mạng Việt Nam. Phim dài 4 tập, phát sóng năm 1986, với sự góp mặt của các diễn viên Quang Thái, Hà Xuyên, Thanh Loan, Thương Tín, Thúy An, Bùi Cường, sau này đều trở thành các NSƯT, NSND, những tên tuổi gạo cội của nền điện ảnh Việt. Trong phim, cố NSƯT Bùi Quang Thái vào vai trùm tình báo Tư Chung – nhân vật được lấy cảm hứng từ Đại tá Nguyễn Đức Hùng (Tư Chu). Đại tá Nguyễn Đức Hùng mất năm 2012 tại TP Hồ Chí Minh, thọ 86 tuổi. Đến chia buồn cùng gia đình, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ghi vào sổ tang: “Nhân dân Sài Gòn - Gia Định/TP Hồ Chí Minh và những chiến sĩ biệt động năm xưa đành phải chia tay, vĩnh biệt anh. Tổ quốc mãi mãi ghi công anh với những chiến công xuất sắc trong những năm tháng chiến đấu đầy gian khổ hy sinh giữa lòng Sài Gòn - Gia Định... Vĩnh biệt anh Tư”. Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt từng nói: “Ấn tượng lớn nhất của tôi về anh Tư Chu là một người chỉ huy bản lĩnh, nhiệt tình và trong chừng mực nào đó có chất lãng mạn cách mạng. Anh đóng vai trò quan trọng trong chiến công của lực lượng biệt động Sài Gòn”. Ngày 20/10/1976, Đảng và Nhà nước đã phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho lực lượng biệt động Sài Gòn - Gia Định. Trước đó, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đã tặng lực lượng 16 chữ vàng: “Đoàn kết một lòng/ Mưu trí vô song/ Dũng cảm tuyệt vời/ Trung kiên bất khuất”.
Giải thích
Bạn hãy chăm chỉ hơn nhé!
Điểm