Chỉ đạo 'hợp thức hồ sơ thầu', phó Giám đốc Công ty xi măng Hạ Long bị bắt

Bắt Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần xi măng Hạ Long và 7 đồng phạm;... là những điểm tin nóng đáng chú ý ngày 14/10.

Bắt Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần xi măng Hạ Long và 7 đồng phạm

Ngày 14/10, Công an tỉnh Quảng Ninh đã khởi tố bổ sung vụ án hình sự và bắt tạm giam ông Vũ Văn Tặng (sinh năm 1977), Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần xi măng Hạ Long, cùng 7 đồng phạm để điều tra về hành vi "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng". Từ năm 2018 đến 2021, Công ty Cổ phần xi măng Hạ Long triển khai các gói thầu mua sắm vật tư cho hoạt động sản xuất, nhưng ông Tặng đã chỉ đạo cấp dưới, bao gồm Hà Văn Tiến (quản đốc phân xưởng sản xuất), Lương Đức Huy (Phó quản đốc), Nguyễn Văn Chuẩn (Trưởng phòng vật tư) và Nguyễn Thị Thảo (cán bộ phòng vật tư) hợp thức hóa hồ sơ đấu thầu.

Từ trái qua phải là các bị can: Tặng, Tiến, Huy và Chuẩn. Ảnh: Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Quảng Ninh

Từ trái qua phải là các bị can: Tặng, Tiến, Huy và Chuẩn. Ảnh: Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Quảng Ninh

Cụ thể, ông Tặng đã không tuân thủ đúng quy định đấu thầu mà cho phép Tiến và Huy mua sắm vật tư, sau đó hợp thức hóa hồ sơ để giúp Công ty Cổ phần thiết bị điện Thống Nhất (do Tiến và Huy điều hành) trúng thầu. Đối tượng này còn nâng khống giá trị hàng hóa, gây thiệt hại nghiêm trọng cho Công ty Cổ phần xi măng Hạ Long.

Trước đó, ngày 27/6, Công an tỉnh Quảng Ninh đã khởi tố vụ án mua bán trái phép hóa đơn và trốn thuế tại các công ty liên quan như Công ty Cổ phần thiết bị điện Thống Nhất, Công ty Minh Nhật, Công ty An Khang và Công ty Bình Minh. Tiến và Huy, cùng 5 đồng phạm khác, bị cáo buộc xuất bán hơn 1.000 tờ hóa đơn giá trị gia tăng khống với tổng giá trị hơn 100 tỷ đồng.

Ngoài ông Vũ Văn Tặng, 7 đồng phạm khác cũng đã bị khởi tố, bao gồm những người liên quan trực tiếp đến việc hợp thức hóa hồ sơ và mua bán hóa đơn. Công an tỉnh Quảng Ninh đã phát hiện những dấu hiệu lợi ích nhóm và sự yếu kém trong quản trị của Ban Giám đốc Công ty Cổ phần xi măng Hạ Long.

Công ty Cổ phần xi măng Hạ Long, có vốn điều lệ 1.942 tỷ đồng, trong đó 82,69% là vốn nhà nước. Tuy nhiên, trong giai đoạn từ 2018 đến 2023, công ty đã thua lỗ lũy kế gần 5.000 tỷ đồng. Những khó khăn tài chính này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của gần 400 công nhân và nhân viên lao động tại công ty, khiến doanh nghiệp phải hoạt động cầm chừng.

Công an tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn thu thập tài liệu, đánh giá tổng thể nguyên nhân dẫn đến thua lỗ của công ty. Kết quả điều tra ban đầu cho thấy, ngoài các yếu tố khách quan như thị trường và chi phí đầu tư, các yếu tố nội bộ như công tác quản trị yếu kém, sai phạm trong đầu tư, đấu thầu mua sắm vật tư đã góp phần quan trọng vào sự thua lỗ này.

Khởi tố 4 bị can giấu 179kg ma túy trong lon nước táo ép, ‘tuồn’ từ Đức về Việt Nam

Ngày 14/10, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Công an Thành phố Hà Nội) đã công bố chi tiết về vụ án mua bán, vận chuyển trái phép hơn 179kg ma túy tổng hợp từ Đức về Việt Nam.

Hiện, Công an Thành phố Hà Nội đã khởi tố, bắt giữ 4 đối tượng liên quan gồm: Nguyễn Hồ Hùng (sinh năm 1993, quê Yên Thành, Nghệ An), Hà Văn Khương (sinh năm 1994, quê Tuyên Quang), Nguyễn Khắc Ngọc (sinh năm 1984, Hải Phòng), và Đinh Viết Thắng (SN 1996, Hà Nội). Các đối tượng bị cáo buộc với tội danh "Mua bán và vận chuyển trái phép chất ma túy".

Theo cáo trạng, ngày 31/5, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy phối hợp với Cục Hải quan Hà Nội tiến hành kiểm tra một lô hàng từ Đức về Việt Nam qua cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài. Lô hàng có tổng khối lượng 637kg, bao gồm 60 kiện thùng carton chứa các lon nước táo ép nhãn hiệu "Apple Moes". Qua kiểm tra sơ bộ, lực lượng chức năng phát hiện 46 thùng chứa các viên nén nghi là ma túy. Kết quả giám định sau đó xác định đây là ma túy loại MDMA, với tổng khối lượng khoảng 179kg.

Ngày 4/6, vào lúc 13h30, tổ công tác đã tiến hành mật phục tại ngõ 59 Văn Tiến Dũng, quận Bắc Từ Liêm, nơi lô hàng được nhận. Qua theo dõi, các đối tượng xuất hiện để lấy hàng bị phát hiện chỉ là nhân viên bốc xếp thuê, do đó lực lượng chức năng tiếp tục theo dõi. Một nam giới khả nghi, đứng cách khu vực giao nhận hàng khoảng 20m, đã bị tổ công tác bắt giữ khi đang theo dõi và chụp ảnh quá trình giao nhận hàng. Đối tượng này là Nguyễn Hồ Hùng, người khai nhận vận chuyển thuê ma túy. Theo lời khai, Hùng đã vận chuyển ma túy hai lần trước đó vào tháng 3 và tháng 4/2024, mỗi lần nhận tiền công từ 21 đến 24 triệu đồng.

Cùng thời điểm, một đối tượng khác là Hà Văn Khương, người giám sát việc giao nhận hàng, cũng bị bắt giữ. Khương khai nhận, anh ta nhận lệnh từ một người quen tên Quý, quê Nghệ An, để giám sát quá trình này.

Kiểm tra chi tiết lô hàng, lực lượng chức năng phát hiện 60 thùng hàng chứa tổng cộng 1.440 lon nước táo, trong đó 46 thùng chứa 450 hộp giấu ma túy. Giám định cho thấy đây là các viên nén ma túy MDMA, tổng trọng lượng khoảng 179kg.

Chiều 5/6, tại Hà Đông, đối tượng Đinh Viết Thắng bị bắt khi đang chờ nhận 3.000 viên thuốc lắc. Thắng khai rằng anh ta liên lạc và đặt mua ma túy qua mạng xã hội Telegram từ một người không rõ danh tính. Thắng mua 300 viên cho mình và 2.700 viên còn lại sẽ được người khác đến nhận. Khi Thắng đang đứng đợi nhận ma túy thì bị công an bắt giữ. Cùng ngày, tại ngã tư Cổ Linh, Long Biên, đối tượng Nguyễn Khắc Ngọc cũng bị bắt giữ. Ngọc khai nhận được một người đàn ông ở Campuchia thuê với số tiền 20 triệu đồng để nhận và vận chuyển ma túy.

Ngày 10/6, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thành phố Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự và bắt giữ các đối tượng liên quan về hành vi "Mua bán và vận chuyển trái phép chất ma túy". Hiện vụ án đang tiếp tục được điều tra mở rộng để truy bắt các đối tượng còn lại trong đường dây.

Xét xử 61 bị cáo làm giả hơn 1.000 bằng, chứng chỉ của 2 trường đại học

Ngày 14/10, Tòa án nhân dân Thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang mở phiên tòa sơ thẩm đối với 61 bị cáo trong đường dây làm văn bằng, chứng chỉ giả. Các bị cáo bị truy tố, xét xử về tội làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức; sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức

Theo cáo trạng, khoảng đầu năm 2018, khi đang học tại Trường Cao đẳng nghề An Giang, bị cáo Phan Văn Đức (28 tuổi) đại diện cho nhóm sinh viên cao đẳng nghề (gồm 6 người) mua 6 chứng chỉ ngoại ngữ tiếng Anh, trình độ B giả của Nguyễn Văn Cường với giá 4,5 triệu đồng.

Đức được Cường trả công 300.000 đồng. Sau đó, Đức thấy nhiều sinh viên có nhu cầu mua chứng chỉ ngoại ngữ tiếng Anh trình độ A, B và chứng chỉ ứng dụng công nghệ thông tin cơ bản để đủ điều kiện xét tốt nghiệp nên nảy sinh ý định nhận làm giả các tài liệu này để hưởng lợi.

Từ năm 2018 đến tháng 3/2023, bị cáo Đức cùng với 60 bị cáo khác đã làm tổng cộng 1.013 tài liệu giả là Bằng Tốt nghiệp Đại học, Chứng chỉ ngoại ngữ tiếng Anh trình độ B, Chứng chỉ ứng dụng công nghệ thông tin cơ bản của Trường Đại học An Giang; Chứng chỉ ngoại ngữ tiếng Anh trình độ A2, B1 của Trường Đại học Cần Thơ. Trong đó, Đức làm 800 tài liệu giả, thu lợi khoảng 100 triệu đồng.

Đối với những người mua chứng chỉ ngoại ngữ, tin học giả sử dụng để đủ điều kiện nhận bằng tốt nghiệp đại học, nộp hồ sơ xin việc tuy có dấu hiệu của tội phạm nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể nên cơ quan điều tra không truy cứu trách nhiệm hình sự những người này về tội sử dụng tài liệu giả của cơ quan tổ chức.

Còn Nguyễn Văn Cường và một số người khác làm giả tài liệu hiện không rõ ở đâu, ngoài lời khai của bị cáo Đức không còn chứng cứ nào khác nên Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thành phố Long Xuyên đã tách vụ án để tiếp tục điều tra giải quyết theo quy định pháp luật. Dự kiến phiên tòa diễn ra đến ngày 18/10.

Đồng Tháp: Bắt đối tượng ôm 4kg ma túy “bơi” qua sông từ Campuchia về Việt Nam

Ngày 14/10, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an tỉnh Đồng Tháp đang điều tra mở rộng đường dây vận chuyển ma túy từ biên giới Campuchia vào Việt Nam.

Cơ quan Công an đã tạm giữ đối với La Văn Điều (sinh năm 1996, ngụ ấp Dinh Bà, xã Tân Hộ Cơ, huyện Tân Hồng) cùng tang vật là 4 túi nylon, mỗi túi 1kg, hình chữ nhật, màu xanh nhạt, được hàn kín, có ghi chữ nước ngoài, giống như gói trà. Qua giám định, xác định trong các túi nylon trên chứa ma túy tổng hợp gồm: 2.986,59 gam Ketamin và 981,16 gam Methamphetamin.

Theo kết quả điều tra ban đầu, tối 13/9, Tổ công tác gồm: Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Dinh Bà. Phòng Phòng, chống ma túy và tội phạm - Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Đồng Tháp, Chi cục Hải quan cửa khẩu Dinh Bà, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an tỉnh, Công an huyện Tân Hồng và Công an xã Tân Hộ Cơ tổ chức tuần tra kiểm soát tại khu vực sông Sở Hạ.

Tổ công tác phát hiện, bắt quả tang Điều đang bơi qua sông Sở Hạ từ phía Campuchia về Việt Nam có mang theo túi nilon màu đen. Lực lượng làm nhiệm vụ đã tạm giữ đối tượng và kiểm tra túi nilon màu đen, phát hiện 4 túi nilon nói trên.

Qua khai thác nhanh, Điều khai nhận 4 túi nilon chứa ma túy tổng hợp do đối tượng nhận vận chuyển thuê từ Campuchia về Việt Nam. Kiểm tra khu vực chung quanh, lực lượng phát hiện thêm chiếc xe máy. Điều khai nhận, xe máy trên là của mình.

Lực lượng phối hợp đã lập biên bản, tạm giữ, niêm phong tang vật có liên quan và áp giải đối tượng về Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Dinh Bà để lập hồ sơ xử lý. Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Dinh Bà đã khởi tố vụ án, bàn giao hồ sơ, tang vật, đối tượng cho Công an tỉnh Đồng Tháp tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định.

Tắt sóng 2G từ ngày 15/10, Mobifone, Vietel, Vinaphone xử lý hàng nghìn thuê bao thế nào?

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, chỉ còn 1 ngày nữa, những chiếc điện thoại dùng sóng 2G chính thức bị vô hiệu hóa, sau thời điểm 15/10 những dòng điện thoại này sẽ không thể liên lạc. Được biết, thời điểm hiện tại cả nước còn 700.000 thuê bao 2G Only đang hoạt động, chiếm dưới 1% tổng số thuê bao hòa mạng.

Số lượng thuê bao 2G Only đang hoạt động của từng nhà mạng như sau: Viettel 360.000, VinaPhone 150.000, MobiFone 47.919, Vietnamobile 17.000, ASIM 5.000, VNSKY vài nghìn, Mobicast 423. Hầu hết các khách hàng này đều sống ở vùng sâu, vùng xa, thường là người cao tuổi, ít có nhu cầu sử dụng dịch vụ.

Sau thời điểm dừng sóng 2G, các nhà mạng vẫn sẽ đảm bảo chính sách bảo đảm quyền lợi đối với các thuê bao, ông Nguyễn Đình Dũng, Phó Ban Dịch vụ Viễn thông MobiFone cho biết, nhà mạng chặn thiết bị nhưng vẫn giữ lại tài khoản, thuê bao cho khách hàng.

VinaPhone tiếp tục duy trì chính sách tặng máy, hỗ trợ máy, chăm sóc khách hàng tại các điểm dịch vụ hoặc trực tiếp tại nhà. Viettel đề xuất chính sách đặc biệt đối với thuê bao 2G Only còn lại, khách hàng không bị khóa tài khoản, thu hồi số về kho nếu không sử dụng dịch vụ trong hai tháng.

Mạng truyền sóng 2G là công nghệ di động được phát triển ở Việt Nam từ năm 1993. Trong những năm qua, các lỗ hổng bảo mật của mạng 2G đã và đang bị tội phạm mạng khai thác ngày càng nhiều, đặc biệt là tình trạng phát tán tin nhắn rác và lừa đảo qua tin nhắn. Không chỉ vậy, 2G cũng là nguyên nhân cản trở việc triển khai những kết nối di động mạnh mẽ hơn như 4G/5G/6G.

Trước đó, vào đầu tháng 7, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành công văn thông báo về lộ trình dừng công nghệ di động 2G tại Việt Nam. Theo đó, lộ trình này sẽ kéo dài trong khoảng thời gian 2 năm. Ban đầu, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các nhà mạng lên kế hoạch sẽ tắt sóng 2G từ ngày 15/9. Tuy nhiên do ảnh hưởng từ cơn bão số 3, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Thông tư số 10/2024/TT-BTTTT vào ngày 13/9, có nội dung kéo dài thời hạn cung cấp dịch vụ 2G Only thêm một tháng (tức ngày 15/10).

Quá trình chuyển đổi, các nhà mạng nỗ lực truyền thông đến các tập khách hàng bằng các biện pháp trực tiếp và gián tiếp.

Huyền Trang

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/chi-dao-hop-thuc-ho-so-thau-pho-giam-doc-cong-ty-xi-mang-ha-long-bi-bat-352410.html
Zalo