Sẽ thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong vụ án hình sự nhằm tránh thất thoát, lãng phí, tiêu cực

Việc ban hành Nghị quyết nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, có cơ sở pháp lý để xem xét sớm, xử lý nhanh vật chứng, tài sản trong vụ việc, vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo, bảo đảm hiệu quả, đúng pháp luật nhưng không làm ảnh hưởng đến việc giải quyết khách quan, chính xác vụ việc, vụ án, sớm đưa các tài sản vào khai thác, sử dụng, nhằm khơi thông nguồn lực phát triển, tránh thất thoát, lãng phí, phát sinh vi phạm, tham nhũng, tiêu cực, bảo đảm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

 Cơ quan điều tra VKSND tối cao tống đạt các Quyết định tại Trung tâm giám định pháp y tỉnh Quảng Trị.

Cơ quan điều tra VKSND tối cao tống đạt các Quyết định tại Trung tâm giám định pháp y tỉnh Quảng Trị.

Cần thiết ban hành Nghị quyết

VKSND tối cao vừa có Tờ trình số 21 ngày 1/10/2024 gửi Quốc hội về dự án Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số biện pháp xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự.

Theo VKSND tối cao, trong những năm qua, được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Đảng, Nhà nước, mà trực tiếp, thường xuyên là Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong các vụ việc, vụ án hình sự đặc biệt nghiêm trọng, được dư luận xã hội quan tâm, thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, công tác xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự đã đạt được những kết quả tích cực.

Quá trình giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự, song song với việc làm rõ hành vi phạm tội, các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng đã chủ động xác minh tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt, tiến hành thu giữ, tạm giữ, kê biên các loại tài sản, phong tỏa tài khoản để thu hồi tối đa tài sản, khắc phục thiệt hại và phân loại để kịp thời bảo quản, tích cực xử lý vật chứng, tài sản đã thu thập được. Theo đó, đã kịp thời xử lý nhiều vật chứng, tài sản trong quá trình giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự để sớm đưa vật chứng, tài sản trở lại lưu thông, phục vụ sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội, tránh bị hư hỏng, thất thoát, lãng phí, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Tuy nhiên, thực tiễn công tác này còn nhiều hạn chế, vẫn tồn đọng nhiều vật chứng, tài sản chưa được xử lý, trong đó nhiều vật chứng, tài sản tồn đọng trong các giai đoạn tố tụng khác nhau trong thời gian dài, gây tốn kém chi phí bảo quản, còn nhiều đơn, thư, tụ tập đông người gây phức tạp về an ninh, trật tự, thậm chí, trong nhiều trường hợp còn liên quan đến vấn đề ngoại giao khi vật chứng là tài sản thuộc sở hữu của cá nhân, tổ chức nước ngoài; nhiều tài sản có giá trị lớn chưa được đưa vào lưu thông, một số vụ việc, vụ án đã áp dụng biện pháp kê biên, phong tỏa hoặc “tạm ngừng giao dịch; tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng tài sản” đối với nhiều tài sản liên quan đến người thân của người bị buộc tội và những người có liên quan nhưng chưa kịp thời xử lý, gây ảnh hưởng nhất định đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân và sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Về việc xây dựng, ban hành Nghị quyết theo trình tự, thủ tục rút gọn, theo VKSND tối cao, việc xây dựng Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số biện pháp xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự thuộc trường hợp cấp bách để giải quyết những vấn đề phát sinh trong thực tiễn theo quy định tại khoản 1 Điều 146 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Theo Kết luận số 87-KL/TW, Kế hoạch số 2616-KH/ĐĐQH15 thì VKSND tối cao phải chuẩn bị hồ sơ dự thảo Nghị quyết gửi đến Ủy ban Tư pháp của Quốc hội để thẩm tra trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại phiên họp tháng 10/2024 để trình Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ 8 của Quốc hội khóa XV. Tại Nghị quyết số 53/2024/UBTVQH15 cũng nêu rõ Nghị quyết này được trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024) theo quy trình tại một kỳ họp và theo trình tự, thủ tục rút gọn. Do đó, việc xây dựng dự án Nghị quyết theo trình tự, thủ tục rút gọn là cần thiết và có căn cứ.

Nguyên nhân chính của những hạn chế này là công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện còn chưa được quan tâm đúng mức; pháp luật còn nhiều bất cập, vướng mắc, như mặc dù đã có quy định về xử lý vật chứng trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử (khoản 3 Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự) nhưng chỉ đối với một số loại vật chứng, tài sản và chỉ xử lý được trong một số trường hợp, chưa đầy đủ để giải quyết các trường hợp xảy ra, nhất là trong giải quyết các vụ việc, vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo nên chưa đáp ứng xử lý những vấn đề thực tiễn phát sinh hiện nay.

Do pháp luật tố tụng hình sự chưa có quy định về việc xử lý vật chứng, tài sản như tiền, bất động sản, tài sản gắn liền với đất, giấy tờ có giá, chứng khoán… ngay trong quá trình giải quyết vụ việc, vụ án; chưa có quy định trực tiếp về việc áp dụng biện pháp “tạm ngừng giao dịch; tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản” để bảo đảm áp dụng các biện pháp xử lý…, nên dẫn đến các cơ quan gặp nhiều khó khăn, vướng mắc khi xử lý vật chứng, tài sản trong thực tế, không bảo đảm khơi thông nguồn lực khi vật chứng, tài sản bị thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa kéo dài trong quá trình giải quyết các vụ việc, vụ án.

Thực tiễn nêu trên đòi hỏi cần có quy định để xử lý sớm hơn, chủ động, linh hoạt hơn đối với vật chứng, tài sản trong quá trình giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử (không phải đợi đến khi có quyết định đình chỉ hoặc bản án, quyết định của Tòa án) để bảo đảm chống đóng băng tài sản, thất thoát, hao hụt giá trị của vật chứng, tài sản; bảo vệ người thứ ba ngay tình; kịp thời thu hồi tiền, tài sản cho Nhà nước và khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội gây ra.

Luật gia Phạm Xuân Anh - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Luật gia tỉnh Bắc Giang:

Xử lý sớm vật chứng, tài sản là rất cần thiết và hợp lý

Công tác xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, gây tốn kém, lãng phí.

Việc linh hoạt trong việc xử lý để sớm đưa vật chứng, tài sản trở lại lưu thông, phục vụ sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội là rất cần thiết và phù hợp với thực tiễn. Qua đó, vật chứng, tài sản tránh bị hư hỏng, thất thoát, lãng phí, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Rất hợp lý và cần thiết khi nghị quyết cũng cho phép người bị buộc tội nộp tiền bảo đảm để hủy bỏ việc thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa khi có đủ điều kiện, từ đó đưa vật chứng, tài sản vào lưu thông trên thị trường, tiếp tục được khai thác, sử dụng, khơi thông nguồn lực, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Các biện pháp nhằm tháo gỡ với các trường hợp vật chứng, tài sản là bất động sản, tài sản gắn liền với đất, giấy tờ có giá, chứng khoán sẽ mang lại lợi ích rất lớn cho phát triển kinh tế xã hội. Bởi nếu không tiếp tục được lưu thông trên thị trường, không tiếp tục được khai thác, sử dụng thì sẽ bị giảm hoặc mất giá trị.

Từ những lý do nêu trên và xuất phát từ cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, kinh nghiệm của quốc tế liên quan đến xử lý vật chứng, tài sản bị thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa, VKSND tối cao đề nghị Quốc hội cho phép việc xây dựng Nghị quyết thí điểm một số biện pháp xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự và áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn trong soạn thảo, ban hành; trình Quốc hội khóa XV xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8 theo quy trình tại một kỳ họp, để bảo đảm tiến độ xây dựng, thông qua, ban hành Nghị quyết, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, có cơ sở pháp lý để xem xét sớm, xử lý nhanh vật chứng, tài sản trong vụ việc, vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo, bảo đảm hiệu quả, đúng pháp luật nhưng vẫn không làm ảnh hưởng đến việc giải quyết khách quan, chính xác vụ việc, vụ án, sớm đưa các tài sản vào khai thác, sử dụng, nhằm khơi thông nguồn lực phát triển, tránh thất thoát, lãng phí, phát sinh vi phạm, tham nhũng, tiêu cực, bảo đảm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Việc ban hành Nghị quyết với mục đích nhằm thực hiện thí điểm một số biện pháp xử lý vật chứng, tài sản sớm hơn và xuyên suốt quá trình giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn xử lý hiện nay. Trên cơ sở đó, đánh giá tính hiệu quả của việc đề xuất quy định khác về xử lý vật chứng, tài sản trong khi chưa sửa đổi Bộ luật Tố tụng hình sự. Sau khi thí điểm sẽ tiến hành tổng kết đánh giá để đưa ra đề xuất, kiến nghị phù hợp.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương:

Dự thảo Nghị quyết nhằm tránh lãng phí và hài hòa lợi ích của Nhà nước, quyền tài sản của tổ chức, cá nhân

Trao đổi với PV Báo Bảo vệ pháp luật, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, các quy định trong dự thảo Nghị quyết nhằm mục đích bảo đảm quyền lợi của bị can, bị cáo; tránh lãng phí và hài hòa lợi ích của Nhà nước, quyền tài sản của tổ chức, cá nhân.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga phân tích thêm, ví dụ đối với vật chứng, tài sản là bất động sản, tài sản gắn liền với đất, giấy tờ có giá, chứng khoán… nếu không tiếp tục được lưu thông trên thị trường, không tiếp tục được khai thác, sử dụng thì sẽ bị giảm hoặc mất giá trị.

Vì vậy, theo đại biểu, các biện pháp xử lý vật chứng, tài sản được nêu trong dự thảo Nghị quyết sẽ góp phần giải quyết các tồn đọng thực tế trong quá trình tố tụng.

Bên cạnh đó, cũng theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, theo quy định trong dự thảo Nghị quyết, người bị buộc tội có cơ hội bảo vệ tài sản của mình, tránh trường hợp bị thu giữ, tạm giữ, kê biên hoặc tạm dừng giao dịch một cách vô lý hoặc kéo dài. Việc được nộp tiền để bảo đảm thi hành án giúp giảm thiểu những thiệt hại kinh tế mà người bị buộc tội có thể phải gánh chịu do việc tài sản bị phong tỏa.

Cùng với đó, đối với cơ quan tố tụng, việc thu giữ tiền bảo đảm sẽ giúp đảm bảo rằng nếu người bị buộc tội bị kết án thì sẽ có tài sản để thi hành bản án.

5 biện pháp xử lý vật chứng, tài sản

Theo đề xuất của VKSND tối cao, dự thảo Nghị quyết gồm 5 điều, quy định việc thí điểm một số biện pháp xử lý vật chứng, tài sản bị thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa trong quá trình giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử một số vụ án hình sự phức tạp, liên quan đến nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương được dư luận xã hội quan tâm về các tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng quy định tại Chương XVIII, Chương XXIII và một số tội phạm quy định tại Chương XVI của Bộ luật Hình sự do Cơ quan điều tra Bộ Công an, Cơ quan điều tra Bộ Quốc phòng hoặc Cơ quan điều tra của VKSND tối cao thụ lý, giải quyết.

Tại Điều 3 dự thảo Nghị quyết đã quy định các biện pháp xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự. Theo đó, về thẩm quyền áp dụng: Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án đang thụ lý, giải quyết vụ việc, vụ án có thể xem xét, quyết định áp dụng ngay các biện pháp xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị quyết này.

Cùng với đó, dự thảo Nghị quyết quy định 5 biện pháp xử lý vật chứng, tài sản, trong đó, đối với mỗi biện pháp, quy định về nội dung, điều kiện áp dụng, đối tượng áp dụng. Cụ thể, các biện pháp gồm: Xử lý vật chứng, tài sản là tiền; Nộp tiền bảo đảm để cơ quan tiến hành tố tụng hủy bỏ việc thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa; Cho phép mua bán, chuyển nhượng vật chứng, tài sản; Giao vật chứng, tài sản cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp để quản lý, khai thác, sử dụng; Tạm ngừng giao dịch; tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng tài sản.

Đồng chí Tôn Thiện Phương - Viện trưởng VKSND tỉnh Nghệ An:

Căn cứ pháp lý xử lý sớm, chủ động, linh hoạt đối với vật chứng, tài sản

Qua nghiên cứu dự thảo về thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vụ việc, vụ án hình sự đang trình Quốc hội thông qua, tôi nhận thấy Nghị quyết này là cần thiết và kịp thời, giúp các cơ quan tiến hành tố tụng có căn cứ pháp lý để xử lý sớm, chủ động, linh hoạt hơn đối với vật chứng, tài sản trong các vụ án hình sự; góp phần sớm đưa vật chứng, tài sản trong các vụ án hình sự trở lại lưu thông, phục vụ sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội, tránh bị hư hỏng, thất thoát, lãng phí, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Đặc biệt, thí điểm xử lý sớm vật chứng, tài sản trong các vụ án hình sự còn tránh để vật chứng, tài sản tồn đọng qua các giai đoạn tố tụng trong thời gian dài. Ngoài việc gây tốn kém cho ngân sách về chi phí bảo quản, còn gây ra những lãng phí, hư hại, hao mòn qua thời gian…

Việc thông qua thí điểm xử lý vật chứng, tài sản góp phần giúp các cơ quan tiến hành tố tụng chủ động, linh hoạt hơn trong vấn đề xử lý vật chứng, tài sản; chủ động xử lý vật chứng, tài sản sớm hơn căn cứ vào tình hình thực tế, không phải chờ đến khi có quyết định đình chỉ hay bản án, quyết định của Tòa án; chống đóng băng tài sản, thất thoát, hao hụt giá trị của vật chứng, tài sản, kịp thời thu hồi tiền, tài sản cho Nhà nước và khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội gây ra.

Ngoài ra, dự thảo Nghị quyết cũng quy định rõ việc áp dụng các biện pháp này do cơ quan tiến hành tố tụng quyết định nhưng phải trên cơ sở có sự đồng ý của những người có liên quan để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của họ; trường hợp có phát sinh lợi tức trong việc xử lý vật chứng, tài sản theo Nghị quyết này thì được giải quyết theo quy định của pháp luật dân sự, sau khi đã trừ các chi phí tố tụng phát sinh và phần bảo đảm thực hiện các nghĩa vụ thi hành bản án, quyết định của Tòa án.

Quy định cụ thể về thẩm quyền ra quyết định áp dụng, hủy bỏ biện pháp xử lý vật chứng, tài sản. Theo đó, những người có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều 113 của BLTTHS có quyền ra quyết định áp dụng, hủy bỏ biện pháp xử lý vật chứng, tài sản theo quy định của Nghị quyết này.

Quy định về giá trị của các quyết định về xử lý vật chứng, tài sản được áp dụng trong suốt quá trình giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử. Trường hợp xét thấy không có căn cứ, không còn cần thiết hoặc có thể thay đổi bằng biện pháp xử lý khác quy định tại Điều này hoặc các trường hợp khác nếu thấy cần thiết, thì cơ quan tiến hành tố tụng ra ngay quyết định hủy bỏ quyết định áp dụng biện pháp xử lý vật chứng, tài sản, trừ quyết định theo điểm a khoản 1 Điều này.

Đồng chí Lưu Hồng Anh - Viện trưởng VKSND TP Từ Sơn, Bắc Ninh:

Vật chứng càng để kéo dài càng mất giá trị, lãng phí

Thực tế qua công tác kiểm sát cho thấy, nhiều năm qua, công tác xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử đối với vụ việc, vụ án hình sự đã đạt được những kết quả tích cực nhưng vẫn còn nhiều vật chứng, tài sản chưa được xử lý, tồn đọng ở các giai đoạn tố tụng khác nhau trong thời gian dài. Việc chậm xử lý vật chứng, tài sản đã gây tốn kém, lãng phí rất lớn.

Do đó, đòi hỏi cần có quy định để xử lý vật chứng, tài sản sớm hơn, không phải đợi đến khi có quyết định đình chỉ hoặc bản án, quyết định của Tòa án, nhằm bảo đảm chống đóng băng tài sản, thất thoát, hao hụt giá trị của vật chứng, tài sản; bảo vệ người thứ ba ngay tình; kịp thời thu hồi tiền, tài sản cho Nhà nước và khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội gây ra.

Quy định về việc giao, gửi các quyết định áp dụng, hủy bỏ biện pháp xử lý vật chứng, tài sản của cơ quan tiến hành tố tụng. Quy định để bảo đảm trách nhiệm thực hành quyền công tố, kiểm sát việc áp dụng các biện pháp này của Viện kiểm sát. Theo đó, Viện kiểm sát đề ra yêu cầu kiểm tra, xác minh, yêu cầu điều tra đối với Cơ quan điều tra hoặc trực tiếp tiến hành một số hoạt động kiểm tra, xác minh, điều tra trong việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý vật chứng, tài sản. Trường hợp thấy việc áp dụng biện pháp xử lý vật chứng, tài sản của Cơ quan điều tra, Tòa án có căn cứ hủy bỏ theo quy định tại khoản 7 Điều này mà Cơ quan điều tra, Tòa án không hủy bỏ thì Viện kiểm sát hủy bỏ quyết định áp dụng biện pháp xử lý vật chứng, tài sản của Cơ quan điều tra; kiến nghị, kháng nghị quyết định áp dụng biện pháp xử lý vật chứng, tài sản của Tòa án.

Có quy định mang tính dẫn chiếu để giải quyết trường hợp có tranh chấp về quyền sở hữu đối với vật chứng, tài sản; phát sinh khiếu nại, tố cáo hoặc trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong việc áp dụng, hủy bỏ biện pháp xử lý vật chứng, tài sản theo Nghị quyết này. Đồng thời, quy định Viện trưởng VKSND tối cao chủ trì, phối hợp với Chánh án TAND tối cao, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ có liên quan quy định chi tiết về nội dung, điều kiện áp dụng cụ thể, thẩm quyền, thời hạn, trình tự, thủ tục áp dụng, thay đổi, hủy bỏ và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thực hiện các biện pháp xử lý vật chứng, tài sản quy định tại Điều này.

Xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vụ việc, vụ án hình nhằm kịp thời bảo vệ tài sản Nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân

Trong quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, giải quyết các vụ án hình sự, song song với việc làm rõ hành vi phạm tội, các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Quảng Bình đã chủ động xác minh tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt, tiến hành thu giữ, tạm giữ, kê biên các loại tài sản, phong tỏa tài khoản để thu hồi tối đa tài sản, khắc phục thiệt hại và phân loại để kịp thời bảo quản, tích cực xử lý vật chứng, tài sản đã thu thập được. Theo đó, đã kịp thời xử lý nhiều vật chứng, tài sản trong quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử. Vật chứng được xử lý như sau: Vật chứng là công cụ, phương tiện phạm tội là vật cấm tàng trữ, lưu hành thì bị tịch thu, nộp ngân sách nhà nước hoặc tiêu hủy; Vật chứng là tiền bạc hoặc tài sản do phạm tội mà có thì bị tịch thu, nộp ngân sách nhà nước; Vật chứng không có giá trị hoặc không sử dụng được thì bị tịch thu và tiêu hủy…”.Biện pháp tư pháp đối với người phạm tội bao gồm: Tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm; Trả lại tài sản, sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại; buộc công khai xin lỗi;….

Tuy nhiên, thực tiễn công tác này còn nhiều vấn đề còn tồn tại như sau:

- Về chi phí bảo quản, lưu giữ vật chứng: thực tế, quá trình tiến hành tố tụng tồn đọng nhiều vật chứng, tài sản chưa được xử lý, trong đó nhiều vật chứng, tài sản tồn đọng trong các giai đoạn tố tụng khác nhau trong thời gian dài, gây tốn kém chi phí đầu tư xây dựng kho bảo quản, thuê kho bảo quản. Ở Quảng Bình hiện nhiều vụ án vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản thu giữ hàng trăm m3 gỗ, nhưng chưa xác định được bị can phải tạm đình chỉ vụ án nhưng vật chứng không xử lý được do không có căn cứ pháp lý để xử lý nên số vật chứng trên nhiều năm vẫn phải lưu giữ dẫn đến hư hỏng mất giá trị sử dụng, việc bảo quản vật chứng gây tốn kém chi phí của cơ quan tố tụng.

- Đối với những vật chứng, tài sản chưa có cơ sở để xử lý: những vụ việc, vụ án thu giữ tài sản (nhất là tiền, tài sản có giá trị lớn) nhưng không có cơ sở pháp lý để xử lý vật chứng là trả hay bồi thường cho bị hại mà phải chờ Quyết định, bản án của Hội đồng xét xử có hiệu lực pháp luật rồi Cơ quan Thi hành án dân sự mới thi hành, dẫn đến chậm trễ việc chi trả tài sản cho đương sự gây ảnh hưởng đến quyền lợi của đương sự.

- Một số trường hợp Cơ quan tiến hành tố tụng không có chức năng xử lý vật chứng như vật chứng là động vật hoang dã và thực vật ngoại lai thì ngay sau khi có kết luận giám định phải giao ngay cho cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật. Theo đó, cơ quan tiến hành tố tụng không có thẩm quyền xử lý loại vật chứng trên, mà thẩm quyền xử lý thuộc về các cơ quan chuyên ngành được pháp luật quy định như cơ quan Kiểm lâm, cơ quan hải quan, cơ quan khác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn…

Nguyên nhân chính của những hạn chế này là pháp luật còn nhiều bất cập, vướng mắc, như: pháp luật tố tụng hình sự mặc dù đã có quy định về xử lý vật chứng trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử (khoản 3 Điều 106 BLTTHS) nhưng chỉ đối với một số loại vật chứng nhất định và chưa đáp ứng được so với thực tiễn phát sinh hiện nay. Các quy định cũng chưa cụ thể, chưa có văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành.Pháp luật tố tụng hình sự chưa có quy định về việc xử lý tài sản, về biện pháp “tạm dừng giao dịch”, về xử lý vật chứng, tài sản là tiền nên dẫn đến gặp nhiều khó khăn khi áp dụng trong thực tế … Thực tiễn nêu trên đòi hỏi cần có quy định để xử lý sớm hơn, chủ động, linh hoạt hơn đối với vật chứng, tài sản trong quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử (không phải đợi đến khi có quyết định đình chỉ hoặc bản án, quyết định của Tòa án) để bảo đảm chống đóng băng tài sản, thất thoát, hao hụt giá trị của vật chứng, tài sản; bảo vệ người thứ ba ngay tình; kịp thời thu hồi tiền, tài sản cho Nhà nước và khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội gây ra.

Từ thực tiến giải quyết các vụ án, vụ việc hình sự hiện nay, chúng tôi cho rằng việc cần thiết phải ban hành Nghị quyết về việc xử lý vật chứng trong quá trình giải quyết các vụ việc, vụ án giúp cho Cơ quan tiến hành tố tụng nhất là trong giai đoạn điều tra, truy tố chủ động xử lý vật chứng nhằm hạn chế chi phí bảo quản, lưu giữ, tránh tài sản hư hỏng, thiệt hại cho người thứ 3 ngay tình, hạn chế việc khiếu nại trong quá trình giải quyết vụ việc, vụ án, bảo vệ tài sản Nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, góp phần phát triển kinh tế xã hội.

Đắc thái

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/kiem-sat-24h/van-de-su-kien/se-thi-diem-xu-ly-vat-chung-tai-san-trong-vu-an-hinh-su-nham-tranh-that-thoat-lang-phi-tieu-cuc-166395.html
Zalo