Chỉ đạo của Thủ tướng, Phó Thủ tướng liên quan đến thông tin báo chí phản ánh
Văn phòng Chính phủ có công văn 4169/VPCP-KTTH truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về thông tin, báo chí và dư luận liên quan đến công tác chỉ đạo điều hành.

Công nhân đóng gói hạt điều tại Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên sản xuất thương mại Đức Thịnh (tại xã Thống Nhất, huyện Bù Đăng). Ảnh tư liệu: K GƯỈH/TTXVN
Cụ thể, thông tin về việc "Mở rộng xuất khẩu vào thị trường Halal", trong đó đánh giá cao thị trường Halal tại Indonesia, các chuyên gia nhận định, đây cũng là thị trường mang tính bảo hộ cao, đòi hỏi về giấy phép nhập khẩu; chứng nhận Halal (phải do cơ quan có thẩm quyền Indonesia cấp); tiêu chuẩn quốc gia (SNI); quy định về cảng nhập khẩu (một số nhóm hàng); thường xuyên áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại.
Đặc biệt, các quy chuẩn Halal nghiêm ngặt, hệ thống chứng nhận phức tạp cũng là thách thức không nhỏ đối với doanh nghiệp. Để hàng hóa Việt Nam dễ dàng tiếp cận thị trường này, Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) khuyến cáo, Việt Nam cần hoàn thiện hệ thống pháp lý về Halal, bao gồm việc xây dựng các tiêu chuẩn quốc gia và quy trình chứng nhận phù hợp với yêu cầu quốc tế. Đồng thời, tăng cường hợp tác trong lĩnh vực Halal giữa Việt Nam và UAE, đặc biệt là hoạt động cấp giấy chứng nhận theo tiêu chuẩn Halal của UAE. Dự báo, các sản phẩm Halal của Việt Nam sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt với các sản phẩm cùng loại đến từ các quốc gia đã có nhiều năm kinh nghiệm và uy tín trong lĩnh vực này.
Vì vậy, Việt Nam cần có chính sách hỗ trợ cụ thể, bao gồm ưu tiên nguồn lực ngân sách cho sản xuất và cấp chứng nhận, đẩy mạnh xúc tiến thương mại và đào tạo nhân lực chuyên trách về Halal; đồng thời cần có các tổ chức trung gian uy tín giúp doanh nghiệp trong quá trình chứng nhận và tuân thủ quy định tại các thị trường xuất khẩu.
Về vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao theo chức năng, nhiệm vụ được giao nghiên cứu các thông tin trên để xây dựng kế hoạch thúc đẩy xuất khẩu thực phẩm Halal.
*Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà giao Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Môi trường xem xét bài báo phản ánh về suất đầu tư đường cao tốc trên cầu cạn tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long; chỉ đạo, xử lý theo thẩm quyền.

Cầu Rạch Miễu 2 là cây cầu dây văng đường bộ bắc qua sông Tiền, nối liền 2 tỉnh Tiền Giang và Bến Tre. Ảnh minh họa: Vũ Sinh/TTXVN
Bài báo nêu: Viện Kinh tế Xây dựng vừa báo cáo Bộ Xây dựng kết quả nghiên cứu đầu tư cầu cạn làm đường ô tô cao tốc tại Đồng bằng sông Cửu Long. Theo đó, nếu chỉ xét chi phí đầu tư ban đầu, cầu cạn có suất đầu tư 383 tỷ đồng/km, cao gấp 2,6 lần so với đường cao tốc nền đất. Suất đầu tư này chưa bao gồm giải phóng mặt bằng, lãi vay trong thời gian xây dựng, đánh giá tác động môi trường, xử lý nền đất yếu.
Viện cũng chỉ ra nhiều bất lợi của phương án đắp nền như phải giải phóng mặt bằng lớn, phụ thuộc nguồn cát đang khan hiếm, rủi ro lún, sạt lở và thời gian xử lý nền đất yếu kéo dài. Trong khi đó, cầu cạn bằng bê tông cốt thép có thể khắc phục các vấn đề này, với ưu điểm thi công nhanh, tiết kiệm quỹ đất, thuận lợi thoát lũ, giảm nguy cơ xâm nhập mặn và ảnh hưởng môi trường. Ngoài ra, kết cấu móng bê tông cốt thép của cầu cạn giúp ổn định nền móng, không bị lún, dễ bảo trì, ít giao cắt và ít chia cắt dân cư.
Viện Kinh tế Xây dựng nhận định nếu chỉ xét chi phí ban đầu, cầu cạn có phần tốn kém hơn, nhưng nếu tính toàn bộ vòng đời dự án thì mức chênh lệch không đáng kể. Do đó, Viện đề xuất các dự án cao tốc tại Đồng bằng sông Cửu Long nên kết hợp cả hai phương án đắp nền và xây cầu cạn, tùy theo điều kiện địa chất, vật liệu và môi trường từng khu vực.
Bên cạnh đó, ngành xây dựng được khuyến nghị đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng công nghệ mới như dầm chữ U khẩu độ lớn làm từ bê tông cường độ cao (HPC) hoặc siêu cao (UHPC), để giảm phụ thuộc vào cát đắp, rút ngắn thời gian và hạ giá thành thi công...
Về việc này, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã giao Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Môi trường xem xét các nội dung trên; chỉ đạo, xử lý theo thẩm quyền và quy định của pháp luật.