Chỉ báo đáng lo ngại từ kinh tế tư nhân
Theo TS Lê Duy Bình, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng cao, hệ số hiệu quả sử dụng vốn đang là những chỉ báo đáng lo ngại từ kinh tế tư nhân.
52,8 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh trong tháng 1
Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy, tháng 1/2025, cả nước có gần 10,7 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và gần 22,8 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động. Như vậy, tổng số doanh nghiệp gia nhập và gia nhập lại thị trường là hơn 33,4 nghìn, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước.
Cũng trong tháng 1, cả nước có 52,8 nghìn doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn; gần 3,5 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể; và 2.021 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 8,3%. Tổng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 58,3 nghìn, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước.
![Trong tỷ lệ đóng góp gần 40% vào GDP của kinh tế tư nhân thì 75% đến từ khu vực kinh tế tư nhân không chính thức. Ảnh: Hồng Hạnh.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_30_51440983/a34ffe93cadd23837acc.jpg)
Trong tỷ lệ đóng góp gần 40% vào GDP của kinh tế tư nhân thì 75% đến từ khu vực kinh tế tư nhân không chính thức. Ảnh: Hồng Hạnh.
Điều đáng nói, so với cùng kỳ năm 2024, số doanh nghiệp đăng ký mới trong tháng 1/2025 giảm tới 30,3% và số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn tăng 20,2%. Tính chung, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường lại cao gấp 5 lần số doanh nghiệp thành lập mới. Sự việc này chưa từng diễn ra trong nhiều năm nay.
TS Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam nhận định, điều này cho thấy doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Ông Bình cũng chỉ ra những dấu hiệu đáng lo ngại về hệ số hiệu quả sử dụng vốn (ICOR) đầu tư tư nhân.
Cụ thể, năm 2010 khu vực kinh tế nhà nước cần 9,8 đồng để tạo ra 1 đồng GDP thì khu vực kinh tế tư nhân chỉ cần sử dụng 4,3 đồng để tạo ra 1 đồng GDP.
Tuy nhiên, xu hướng này đã đảo ngược trong giai đoạn từ khi bùng phát dịch Covid-19 cho tới nay. Khu vực tư nhân hiện cần đến 23 đồng để tạo ra 1 đồng GDP trong khi khu vực kinh tế nhà nước vẫn duy trì trình độ cũ. Đây là một chỉ dấu đáng lo ngại.
Cách nào phát triển doanh nghiệp bền vững?
Với tình hình hiện nay, ông Bình quan ngại mục tiêu 1,5 triệu doanh nghiệp vào năm 2025. Ông nhấn mạnh, việc thành lập doanh nghiệp không khó nhưng để doanh nghiệp tồn tại và phát triển lâu dài thì có rất nhiều việc phải làm.
"Đã đến lúc Chính phủ cần chú ý đến mục tiêu phát triển doanh nghiệp đang hoạt động thay vì hướng đến mục tiêu là số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới. Chính phủ cũng cần có các biện pháp cải cách mang tính đột phá nhằm thúc đẩy sự hình thành của một khung pháp lý thuận lợi, phù hợp với loại hình doanh nghiệp cá thể", ông Bình nói.
Trong tỷ lệ đóng góp gần 40% vào GDP của kinh tế tư nhân thì 75% đến từ khu vực kinh tế tư nhân không chính thức. Vì vậy, TS Lê Duy Bình cho rằng, khuyến khích các hộ kinh doanh cá thể và các thực thể kinh tế cá thể khác chuyển đổi thành doanh nghiệp vẫn là hướng đi phù hợp để phát triển doanh nghiệp bền vững.
![TS Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Việt Nam.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_30_51440983/e55fbb838fcd66933fdc.jpg)
TS Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Việt Nam.
Hai đối tượng có tiềm năng nhất có thể chuyển đổi doanh nghiệp là các hộ kinh doanh cá thể và cá nhân kinh doanh. Đây chính là nguồn "dự bị" của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.
Theo Giám đốc Economica Việt Nam, việc đầu tiên cần làm là thay đổi thuật ngữ "doanh nghiệp tư nhân" trong Luật Doanh nghiệp thành doanh nghiệp cá thể hay doanh nghiệp một chủ, nhằm phản ánh đúng hơn bản chất pháp lý của loại hình doanh nghiệp này.
Bên cạnh đó, cần dành một chương trình riêng trong Luật Doanh nghiệp cho doanh nghiệp cá thể hay doanh nghiệp một chủ (sau khi đổi tên theo quy định mới).
Trong đó, quy định rõ khu vực doanh nghiệp này sẽ áp dụng các chế độ kế toán, báo cáo tài chính theo các nguyên tắc đơn giản, chi phí thấp và các quy định pháp luật khác, phù hợp với bản chất của doanh nghiệp một chủ, thay vì họ phải tuân thủ toàn bộ các quy định giống như các doanh nghiệp khác như hiện nay.
Bên cạnh đó, các quy định về quản lý thuế, mức thuế cho khu vực doanh nghiệp này cũng cần được điều chỉnh để gần giống như mức hộ kinh doanh cá thể phải đóng như hiện tại.
"Điều này có nghĩa doanh nghiệp cá thể hay doanh nghiệp một chủ sẽ không phải chịu cùng thẩm quyền, sắc thuế hay chế độ quản lý thuế tương tự như các công ty trách trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần có hàng trăm, hàng ngàn cổ đông như quy định hiện nay.
Bằng cách đó, chi phí tuân thủ pháp luật, chi phí thuế của các hộ kinh doanh cá thể sau khi chuyển đổi thành doanh nghiệp sẽ không bị thay đổi quá nhiều, đảm bảo sức sống và khả năng cạnh tranh của họ", ông Bình góp ý.
Economica Việt Nam là tổ chức hoạt động trong các lĩnh vực tư vấn phát triển, nghiên cứu kinh tế, phân tích chính sách và quản trị dự án. Các lĩnh vực chuyên môn của Economica Việt Nam là phát triển doanh nghiệp, phát triển khu vực kinh tế tư nhân, kinh tế phát triển, cải cách hành chính và quản trị công, đánh giá và quản lý dự án, đào tạo.