Quý IV lỗ 186 tỷ đồng nhưng Hoa Sen vẫn cán đích lợi nhuận cả năm tăng 17 lần
Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen (HSX: HSG) công bố kết quả kinh doanh kém khả quan trong quý IV năm tài chính 2023 - 2024 (kết thúc vào ngày 30/9), tuy nhiên lũy kế niên độ tài chính này vẫn là một năm thắng lợi với doanh nghiệp.
Mức doanh thu thuần quý IV của Hoa Sen đạt 10,1 nghìn tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế âm 186 tỷ đồng, trái với mức lãi là 273 tỷ đồng trong quý III và mức lãi 438 tỷ đồng trong quý IV năm tài chính 2023, giảm 142% so với cùng kỳ.
Công ty lý giải doanh thu quý IV năm tài chính 2024 tăng so với do sản lượng bán tăng, nhưng bị ảnh hưởng một phần bởi việc giá bán trung bình giảm. Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, tổng sản lượng bán ống thép và tôn mạ của Hoa Sen trong quý IV năm tài chính 2024 là 499.200 tấn, tăng 28% so với cùng kỳ. Giá bán giảm so với quý trước là do áp lực cạnh tranh đến từ thép Trung Quốc giá rẻ tại cả thị trường trong nước và quốc tế.
Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm trước, sản lượng bán đã ghi nhận mức tăng do nhu cầu phục hồi từ mức cơ sở thấp của năm ngoái. Trong cả năm tài chính 2024, tổng sản lượng bán ống thép và tôn mạ đã đạt 1,9 triệu tấn, tăng 37% so với cùng kỳ, nhanh hơn so với mức tăng trưởng doanh thu thuần là 24%. Căn cứ dữ liệu, Chứng khoán Vietcap nhận định điều này đồng nghĩa giá bán trung bình cả năm giảm do áp lực từ thép giá rẻ của Trung Quốc.
Biên lợi nhuận gộp quý IV là 8,4% giảm so với quý trước (12,3%) đúng như dự kiến, nhưng mức giảm lại lớn hơn so với kỳ vọng. Nguyên nhân biên lợi nhuận gộp quý IV giảm so với quý trước có thể do giá thép cuộn cán nóng (HRC) giảm bởi áp lực từ thép Trung Quốc.
Trong môi trường giá HRC giảm, biên lợi nhuận của các công ty sản xuất tôn mạ thường sẽ giảm do mức lợi nhuận đến từ chênh lệch giá bán đầu vào - giá nguyên vật liệu đầu ra bị thu hẹp. Điều này là do giá bán đầu ra thấp (vì mức giá này thường được điều chỉnh theo giá giao ngay), trong khi chi phí nguyên liệu đầu vào lại cao (do số hàng tồn kho đã được mua với giá cao hơn trước đó).
Trong quý IV, tỷ lệ chi phí bán hàng và quản lý trên doanh thu quý IV đã tăng 69% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do chi phí lương đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước, chi phí xuất khẩu cũng tương tự vì cước vận chuyển trung bình tăng so với cùng kỳ năm trước do cuộc khủng hoảng tại Biển Đỏ.
Lũy kế cả năm tài chính 2023 - 2024, doanh thu của Hoa Sen tăng 24% lên 39.271 tỷ đồng. Tuy chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp, chi phí khác đều tăng cao nhưng nhờ lợi nhuận gộp được cải thiện 39% và doanh thu tài chính tăng 46% so với cùng kỳ năm trước; nên lợi nhuận sau thuế của công ty ghi nhận 510 tỷ đồng, tăng 17 lần so với mức hơn 30 tỷ đồng của kỳ niên độ tài chính năm trước.
Trong cả năm niên độ tài chính 2023 - 2024, Hoa Sen ghi nhận sản lượng đạt 1.941.694 tấn, tăng 35% so với cùng kỳ, hoàn thành 112% kế hoạch kinh doanh. Ngoài việc phục hồi của biên lợi nhuận gộp khi doanh thu tăng, chi phí tài chính tiếp tục giảm cũng là một điểm sáng đáng ghi nhận của doanh nghiệp bao gồm chi phí lãi vay và chi phí chênh lệch tỷ giá đều giảm khoảng 19%.