Chế tài mạnh bảo vệ dữ liệu cá nhân

Chuyển đổi số diễn ra nhanh chóng, sâu rộng trên hầu hết các lĩnh vực khiến dữ liệu cá nhân được chuyển lên môi trường điện tử thường xuyên, liên tục hơn, kéo theo đó là tình trạng lộ, mất dữ liệu cá nhân cũng diễn ra ngày càng phổ biến; tình trạng mua bán dữ liệu cá nhân dù pháp luật đã có quy định không cho phép dưới mọi hình thức nhưng thực tế vẫn diễn ra phổ biến, công khai, nhiều hành vi chưa thể xử lý được vì thiếu quy định của pháp luật.

Bộ Công an cho biết, hiện chưa có quy định chế tài bảo vệ dữ liệu cá nhân gắn với các quyền của chủ thể dữ liệu. Cụ thể là, chưa có chế tài hình sự điều chỉnh vi phạm về bảo vệ dữ liệu cá nhân, mua bán dữ liệu cá nhân. Hầu hết các vụ việc buôn bán dữ liệu cá nhân đang được hoàn thiện theo hướng chứng minh 2 tội danh quy định tại Điều 159 và Điều 288 Bộ luật Hình sự với án tù giam cao nhất là 7 năm. Tuy nhiên, do chưa quy định cụ thể về các yếu tố cấu thành trong hoạt động mua, bán dữ liệu cá nhân, nhất là hoạt động có sự trung gian qua nhiều cá nhân, tổ chức nên khó chứng minh tội phạm. Chế tài dân sự điều chỉnh trực tiếp, thống nhất về dữ liệu cá nhân hay chế tài hành chính về dữ liệu cá nhân hiện cũng chưa có.

Chính vì vậy, dự luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Chín tới được kỳ vọng sẽ thiết lập hành lang pháp lý "đủ mạnh" để bảo vệ dữ liệu cá nhân. Dự luật được đưa ra thảo luận tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách vừa qua đã xây dựng 7 nguyên tắc bảo vệ dữ liệu cá nhân; quy định các hành vi bị nghiêm cấm; đồng thời quy định: cơ quan, tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân tùy theo mức độ sẽ phải chịu trách nhiệm dân sự, bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính, xử lý hình sự theo quy định pháp luật; áp dụng mức xử phạt hành chính từ 1% đến 5% doanh thu năm liền trước của tổ chức, doanh nghiệp có vi phạm quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân...

Tuy vậy, "thiết kế" chế tài mạnh hơn, nghiêm minh hơn để xử lý hiệu quả tình trạng vi phạm về dữ liệu cá nhân là mong mỏi chung của nhiều đại biểu Quốc hội cũng như cử tri và Nhân dân. Trong đó, về chế tài hành chính, nhiều ý kiến đề nghị, cần nghiên cứu tăng mức phạt đối với các hành vi vi phạm, áp dụng các biện pháp xử phạt bổ sung, xây dựng cơ chế giám sát và kiểm tra thường xuyên để phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm.

Về chế tài hình sự, cần thiết bổ sung các tội danh cụ thể liên quan đến hành vi xâm phạm dữ liệu cá nhân. Trong đó, có thể nghiên cứu để thể chế hóa thành quy định cấm cho phù hợp các hình thức mua, bán dữ liệu cá nhân đã được chỉ ra tại Tờ trình dự án Luật như: doanh nghiệp không có thỏa thuận xử lý dữ liệu cá nhân chặt chẽ với đối tác, để đối tác chuyển giao, bán cho các đối tác khác; chủ động thu thập, hình thành kho dữ liệu cá nhân, phân tích, xử lý các loại dữ liệu đó để tiến hành kinh doanh, buôn bán; rao bán dữ liệu cá nhân số lượng lớn, có hệ thống, có tổ chức, cam kết "bảo hành" và có khả năng cập nhật dữ liệu, trích xuất dữ liệu theo yêu cầu người mua; lập doanh nghiệp vận hành các hệ thống kỹ thuật chuyên thu thập trái phép dữ liệu cá nhân, cài ẩn trong các trang mạng để thu thập thông tin tự động, phân tích thành tệp dữ liệu cá nhân có giá trị; tấn công, xâm nhập hệ thống thông tin để chiếm đoạt dữ liệu cá nhân, phát tán mã độc thu thập dữ liệu cá nhân trên môi trường mạng...

Về chế tài dân sự, cần nghiên cứu, quy định rõ ràng hơn về trách nhiệm bồi thường thiệt hại của các tổ chức, cá nhân vi phạm; tạo cơ chế thuận lợi để cá nhân bị xâm phạm dữ liệu cá nhân khởi kiện đòi bồi thường; xây dựng cơ chế giải quyết tranh chấp hiệu quả liên quan đến vi phạm dữ liệu cá nhân...

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, cần nghiên cứu xây dựng cơ quan giám sát chuyên trách, một cơ quan độc lập, có các chức năng giám sát thực thi bảo vệ dữ liệu tương tự như cơ quan bảo vệ dữ liệu của các nước châu Âu.

Cần lưu ý rằng, trong nền kinh tế số, xã hội số hiện nay, dữ liệu cá nhân đã trở thành một "nguồn tài nguyên" hết sức quan trọng. Do đó, các quy định của dự luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân cần thiết phải cân bằng được giữa hai mục tiêu: bảo vệ quyền riêng tư của cá nhân và phục vụ phát triển kinh tế, xã hội. Chế tài xử phạt nghiêm minh, khả thi không chỉ giúp bảo vệ người dân mà còn tạo ra môi trường pháp lý minh bạch, thúc đẩy kinh tế phát triển bền vững.

Nguyễn Bình

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/che-tai-manh-bao-ve-du-lieu-ca-nhan-post409039.html
Zalo