Quy định mới về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thanh tra

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 68/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 118/2021/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính. Trong đó có nhiều nội dung mới về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thanh tra.

Theo đó, Nghị định số 68/2025/NĐ-CP đã sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 4. Cụ thể, sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 4 như sau:

“2. Việc quy định hành vi vi phạm hành chính được thực hiện như sau:

a) Hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả phải được quy định tại nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước tương ứng, phù hợp với tính chất vi phạm của hành vi đó;

b) Trường hợp hành vi vi phạm hành chính đã được quy định ở lĩnh vực này nhưng có liên quan đến lĩnh vực khác, thì quy định dẫn chiếu hành vi vi phạm, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đã quy định, đồng thời quy định thẩm quyền xử phạt đối với hành vi đó. Nếu do tính chất đặc thù liên quan đến lĩnh vực, địa điểm vi phạm, hậu quả của hành vi và các yếu tố, điều kiện khách quan khác thì có thể quy định hành vi vi phạm, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả gắn với tính chất đặc thù của hành vi đó.”.

b) Bổ sung khoản 5a vào sau khoản 5 Điều 4 như sau:

“5a. Đối với hành vi vi phạm hành chính có quy định áp dụng hình thức xử phạt tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, thì nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước quy định biện pháp khắc phục hậu quả buộc nộp lại số tiền bằng với giá trị tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đã bị tiêu thụ, tẩu tán, tiêu hủy trái quy định của pháp luật, bảo đảm phù hợp với tính chất, đặc điểm của hành vi. Thời điểm xác định cá nhân, tổ chức tiêu thụ, tẩu tán, tiêu hủy tang vật, phương tiện vi phạm hành chính trái quy định là khi lập xong biên bản làm việc, biên bản tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, biên bản vi phạm hành chính theo quy định pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.”.

Về nguyên tắc xác định mức phạt tiền cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính trong trường hợp có tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, Nghị định 68/2025/NĐ-CP quy định:

Mức phạt tiền cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính là mức trung bình của khung phạt tiền được quy định đối với hành vi đó.

 Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Nếu có 1 tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt cụ thể được xác định trong khoảng từ trên mức tối thiểu đến dưới mức trung bình của khung tiền phạt; trong trường hợp có từ 2 tình tiết giảm nhẹ trở lên, thì áp dụng mức tối thiểu của khung tiền phạt.

Nếu có 1 tình tiết tăng nặng thì mức tiền phạt cụ thể được xác định trong khoảng từ trên mức trung bình đến dưới mức tối đa của khung tiền phạt; trong trường hợp có từ 2 tình tiết tăng nặng trở lên, thì áp dụng mức tối đa của khung tiền phạt.

Nếu vừa có tình tiết tăng nặng, vừa có tình tiết giảm nhẹ, thì giảm trừ một tình tiết tăng nặng với một tình tiết giảm nhẹ.

Nếu nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước có quy định nguyên tắc xác định mức tiền phạt cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính trong trường hợp có tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ thì áp dụng theo quy định tại nghị định đó.

Về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thanh tra, Nghị định 68/2025/NĐ-CP quy định:

1. Trưởng đoàn Thanh tra chuyên ngành có thẩm quyền xử phạt đối với hành vi vi phạm hành chính thuộc phạm vi, nội dung cuộc thanh tra trong thời hạn thanh tra theo quy định của pháp luật về thanh tra.

Trường hợp hết thời hạn thanh tra theo quy định của pháp luật về thanh tra mà chưa thể ra quyết định xử phạt vì lý do khách quan, thì phải chuyển vụ vi phạm đến người có thẩm quyền xử phạt.

2. Trường hợp quyết định về xử phạt vi phạm hành chính bị khiếu nại, thì việc giải quyết khiếu nại được thực hiện theo quy định của pháp luật về giải quyết khiếu nại trong hoạt động thanh tra.

3. Thẩm quyền đính chính, sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ quyết định của Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành, ban hành quyết định mới trong trường hợp đã hết thời hạn thanh tra được xác định theo thứ tự sau đây:

a) Nếu Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính là người có thẩm quyền xử phạt theo quy định đối với vụ việc thì thẩm quyền vẫn thuộc về người đó;

b) Nếu người đã ra quyết định thanh tra là người có thẩm quyền xử phạt theo quy định đối với vụ việc thì thẩm quyền thuộc về người đó;

c) Nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điểm a và b khoản này thì thẩm quyền thuộc về Chánh Thanh tra cấp có thẩm quyền xử phạt đối với vụ việc hoặc Thủ trưởng cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành có thẩm quyền xử phạt đối với vụ việc hoặc Chủ tịch UBND cấp có thẩm quyền xử phạt nơi xảy ra vi phạm.

4. Thẩm quyền cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành trong trường hợp đã hết thời hạn thanh tra được thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều này.

P.V

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/kiem-sat-24h/chinh-sach-moi/quy-dinh-moi-ve-xu-phat-vi-pham-hanh-chinh-trong-hoat-dong-thanh-tra-175423.html
Zalo