Cháy rừng ở Mỹ: Số người thiệt mạng tăng, khoảng 180.000 người được lệnh sơ tán
Ngày 9/1 (theo giờ địa phương), các vụ cháy rừng nghiêm trọng nhất trong lịch sử của Los Angeles đang tàn phá thành phố đông dân lớn thứ hai thuộc bang California, miền Tây nước Mỹ, gây ra thiệt hại nặng nề về người và tài sản.
Theo thông báo mới nhất, ông Doug Stewart – thị trưởng Malibu (thuộc Los Angles) đã báo cáo trường hợp tử vong đầu tiên do đám cháy Palisades, nâng tổng số người tử vong do đám cháy ở Los Angeles đang hoành hành trong tuần này lên ít nhất 6 người. Tất cả 5 người thiệt mạng trước đó đều liên quan đến đám cháy Eaton.
Bên cạnh đó, theo thống kê sơ bộ hàng nghìn ngôi nhà và cơ sở kinh doanh tại khu vực Los Angeles bị thiêu rụi với khoảng 180.000 người đã được lệnh sơ tán khỏi nhà, trong khi 200.000 người khác đang nhận được cảnh báo sơ tán.
Theo người đứng đầu lực lượng cứu hỏa Los Angeles Anthony Marrone, đám cháy Eaton đã phá hủy hoặc làm hư hại khoảng 4.000-5.000 công trình, bao gồm nhà ở gia đình đơn lẻ hoặc nhiều gia đình, cơ sở thương mại, nhà phụ hoặc xe cộ. Ông cho biết con số này tăng so với 1.000 công trình được báo cáo vào đầu ngày 8/1. Thông tin này cũng đã được Cảnh sát trưởng Los Angeles Robert Luna xác nhận. Trong khi đó, theo tờ Los Angeles Times đưa tin, các quan chức cho biết đám cháy Palisades đã phá hủy thêm 5.300 công trình nữa.
Lãnh đạo lực lượng cứu hỏa Los Angeles Anthony Marrone cho biết nguyên nhân vụ cháy Eaton vẫn chưa được làm rõ và đang được các quan chức điều tra. Trong cuộc họp báo ngày 9/1, ông cho biết nếu vụ hỏa hoạn được xác định là do hành vi đốt phá thì đối tượng gây ra sẽ phải chịu án phạt cho tội giết người.
Các nỗ lực ứng phó với “giặc lửa” tại Los Angeles
Cảnh sát trưởng Los Angeles Robert Luna tuyên bố rằng cơ quan cảnh sát của ông đã chính thức yêu cầu sự hỗ trợ của Vệ binh Quốc gia California cùng tham gia để đối phó với các đám cháy Palisades và Eaton.
Ngày 9/1, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết rằng hơn 400 lính cứu hỏa liên bang, hơn 30 trực thăng và máy bay chữa cháy cùng 8 máy bay C-130 của Bộ Quốc phòng đang được cung cấp cho khu vực Nam California. Tổng thống Biden cam kết rằng chính quyền sẽ tiếp tục cung cấp "mọi nguồn lực có thể tìm thấy để giúp đỡ thống đốc (California) và những người ứng cứu đầu tiên".
Ngoài ra, Tổng thống Joe Biden cũng cho biết chính phủ liên bang sẽ tăng ngân sách hỗ trợ ứng phó cháy rừng ở Los Angeles "lên 100%". Ông Biden cho biết số tiền này sẽ được dùng để chi trả cho những việc như dọn dẹp đống đổ nát, nơi trú ẩn tạm thời, trả lương cho lực lượng ứng cứu đầu tiên và "tất cả các biện pháp cần thiết để bảo vệ tính mạng và tài sản".
Ông nói: “Tôi đã nói với thống đốc và các quan chức địa phương rằng, hãy chi trả mọi chi phí cần thiết để dập tắt đám cháy và ngăn chặn những cộng đồng thực sự bị tàn phá”. Động thái này được đưa ra sau khi Thống đốc California Gavin Newsom yêu cầu Tổng thống Biden tăng tỷ lệ tài trợ được ủy quyền lên 90%.
Tình hình thời tiết không ủng hộ nỗ lực cứu hỏa
Ngày 9/1, ông Don Fregulia, người đứng đầu Đội quản lý liên ngành California số 5 cho biết nỗ lực cứu hỏa trở nên phức tạp hơn khi gió vẫn đang khá mạnh và thời tiết vẫn sẽ khô hạn vào tuần tới. Ông đánh giá thậm chí còn có khả năng "có thể có những cơn gió mạnh hơn nữa" vào ngày 14/1 tuần tới.
Vào đầu ngày 9/1, Cơ quan thời tiết quốc gia tại Los Angeles cho biết trong chiều cùng ngày dự kiến sẽ có gió mạnh hơn và vẫn thổi mạnh cho đến ít nhất là chiều ngày 10/1 trong vùng cháy. Một đợt gió Santa Ana khác có khả năng xảy ra vào tối 11/1 đến ngày 12/1. Ông Fregulia nói: “Ngoài kia khô lắm, rất, rất khô”.
Theo dữ liệu mới nhất từ Cơ quan Giám sát hạn hán Mỹ công bố ngày 9/1, tình trạng hạn hán nghiêm trọng cấp độ 2 trong thang 4 cấp đã mở rộng mức độ ảnh hưởng tới nhiều khu vực, chiếm tới 10% diện tích của toàn bang California, chủ yếu ở phía Nam và Đông Nam.
Thị trưởng Los Angeles hứng chịu làn sóng chỉ trích
Khi đám cháy tàn phá nhất trong lịch sử khu vực Los Angeles đang hoành hành, Thị trưởng thành phố Karen Bass phải đối mặt với những chỉ trích về thời điểm công du nước ngoài và việc cắt giảm ngân sách từ nhiều tháng trước đã ảnh hưởng đến lực lượng cứu hỏa của thành phố.
Đám cháy Palisades bùng phát vào khoảng 10 giờ sáng theo giờ địa phương ngày 7/1, khi bà Bass đang ở Ghana tham dự lễ nhậm chức của Tổng thống John Dramani Mahama với tư cách thành viên của phái đoàn Tổng thống Mỹ. Chuyến đi, được Nhà Trắng công bố vào đầu tháng này, trùng với thời điểm đám cháy lan rộng nhanh chóng.
Vào tối ngày 7/1, bà Bass trả lời phỏng vấn với phóng viên rằng bà đã liên tục liên lạc với các quan chức liên bang và thành phố để chỉ đạo ứng phó với các vụ cháy khi bà đang trên đường trở về Mỹ. Vào ngày 8/1, bà Bass nhấn mạnh tính chất chưa từng có của các vụ cháy và khẳng định mục tiêu số một của bà là bảo vệ mạng sống và cứu nhà cửa.
Bên cạnh nỗ lực ứng phó với các đám cháy rừng, lực lượng chức năng tại Los Angeles cũng đã bắt giữ ít nhất 20 người liên quan đến hành vi lợi dụng vụ việc để cướp bóc. Giám sát viên Los Angeles Kathryn Barger cho biết: “Chúng tôi sẽ không để điều này tiếp tục xảy ra” và gọi những đối tượng cướp bóc là những kẻ cơ hội.