Chạy đua 'săn vé' vào đại học sớm
Trong bối cảnh tuyển sinh đại học giảm phụ thuộc vào kết quả thi tốt nghiệp THPT, ngày càng nhiều thí sinh lựa chọn phương thức xét tuyển khác để 'săn vé' vào đại học sớm.
Áp lực luyện thi riêng
Trong bối cảnh Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 có nhiều thay đổi, các trường đại học cũng sẽ có những điều chỉnh trong tuyển sinh để phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Trong đó, nhiều trường top đầu dự kiến tiếp tục giảm chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT như: Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Bách khoa Hà Nội.
Thay vì chỉ vào đại học bằng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT, nhiều thí sinh tìm cơ hội trúng tuyển bằng các phương thức xét tuyển sớm như: xét tuyển học bạ, xét tuyển kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, xét tuyển bằng kết quả các kỳ thi riêng…
Với mong muốn đỗ vào các trường đại học top đầu, nhiều thí sinh dồn thời gian, công sức và không tiếc tiền luyện thi chứng chỉ ngoại ngữ như IELTS, SAT từ rất sớm.
Dù mới bước vào học kỳ đầu tiên của bậc THPT nhưng em Nguyễn Ngọc Diệp, học sinh lớp 10, Trường THPT Phạm Hồng Thái (Hà Nội) đã tìm lớp luyện thi IELTS. Diệp đặt mục tiêu đạt 7.0 IELTS và dự kiến sẽ thi lấy chứng chỉ vào học kỳ II lớp 11 hoặc học kỳ I lớp 12.
“Em dự kiến sẽ chọn phương thức xét tuyển kết hợp điểm thi IELTS với kết quả thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội. Thế nên luyện thi IELTS càng sớm thì tới năm lớp 12 em sẽ đỡ vất vả hơn".
Để đạt được mục tiêu nói trên, Diệp cho hay, em dành rất nhiều thời gian cho việc luyện kỹ năng nghe và viết. Đây là hai kỹ năng em đang còn yếu. Mỗi tuần em học tới 5 buổi tiếng Anh, chưa kể thời gian học thêm các môn học khác.
Theo tìm hiểu, chi phí để học và dự thi IELTS không hề nhỏ, từ vài chục triệu tới cả trăm triệu đồng, phụ thuộc vào khả năng của mỗi học sinh.
Chị Nguyễn Thu Hương (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) vừa đăng ký một khóa luyện thi IELTS cho con với học phí 55 triệu đồng, cam kết đầu ra 6.5 IELTS.
Chị Hương cho biết: “Trong bối cảnh, mọi người đổ xô luyện thi IELTS, con tôi không thể đứng ngoài cuộc. Để con tăng thêm cơ hội vào đại học yêu thích, tôi không tiếc tiền đầu tư cho con. Điểm 6.5 IELTS chỉ là mục tiêu bước đầu. Nếu con muốn xét tuyển vào các trường đại học top đầu thì cần luyện thi thêm để đạt mục tiêu cao hơn”.
Ngoài phương thức xét tuyển kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ, nhiều thí sinh lựa chọn phương thức xét tuyển dựa vào điểm thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy do các trường đại học tổ chức.
Trong số này, không ít thí sinh dự thi cùng một lúc nhiều kỳ thi riêng khiến áp lực thi cử ngày một tăng.
Xét tuyển sớm có tác dụng tiêu cực
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), các trường sử dụng tổng cộng hơn 20 cách xét tuyển, chủ yếu là xét tuyển sớm bằng: điểm học bạ, chứng chỉ quốc tế, đánh giá năng lực, đánh giá tư duy, kết hợp...
Năm ngoái, có 214 trong 322 trường xét tuyển sớm. Số sinh viên trúng tuyển theo diện này là hơn 375.500 em (gần 50% tổng số đăng ký xét tuyển đại học).
Mặc dù xét tuyển sớm được xem là giúp thí sinh giảm áp lực thi cử nhưng thực tế việc các trường sử dụng nhiều phương thức tuyển sinh sớm khiến chỉ tiêu để xét tuyển bằng điểm của kỳ thi tốt nghiệp THPT bị thu hẹp. Nhiều thí sinh điểm thi cao nhưng vẫn không đỗ được nguyện vọng mình yêu thích, tạo tâm lí xã hội không tốt.
Ở phương thức xét học bạ, nhiều trường xét tuyển từ tháng 1 với điểm của 3 hoặc 5 học kỳ, không bao gồm kỳ II lớp 12. Một số trường công bố điểm chuẩn học bạ ngay trong tháng 3.
Trong khi đó, kỳ thi tốt nghiệp THPT diễn ra vào cuối tháng 6, công bố điểm thi vào trung tuần tháng 7, công bố điểm chuẩn theo điểm thi vào giữa tháng 8.
Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn và nhiều chuyên gia cho rằng, việc này gây ảnh hưởng tiêu cực đến giáo dục phổ thông giai đoạn cuối, nguồn dữ liệu dùng xét tuyển cũng không đầy đủ do học sinh chưa học hết lớp 12.
Trước thực trạng trên, GS.TS Huỳnh Văn Chương - Cục trưởng Quản lí chất lượng, Bộ GDĐT đề xuất, thời điểm công bố kết quả xét tuyển sớm cần phải sau khi kết thúc chương trình và kế hoạch năm học, tức là sau ngày 31/5.
Điểm chuẩn các phương thức xét tuyển sớm cần được công bố sau thời gian này, tránh ảnh hưởng đến kỳ thi tốt nghiệp THPT và việc học tập của học sinh.
Bên cạnh đó, ông Chương cũng đề xuất Bộ GDĐT ban hành quy định để kiểm tra, giám sát chất lượng các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy do các trường đại học tự tổ chức.
Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, dự kiến Quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2025 sẽ được ban hành vào tháng 11/2024. Tính ổn định lâu dài của quy chế thi cũng đã được tính đến trong quá trình dự thảo để thuận lợi cho học sinh, giáo viên, nhà trường và địa phương trong thực hiện.
Bộ GDĐT đang rà soát, hoàn thiện dự thảo quy chế tuyển sinh mới cho năm 2025 với tinh thần chung là đơn giản hóa, tạo thuận lợi cho học sinh, xã hội, đảm bảo chất lượng tuyển sinh và công bằng về cơ hội cho thí sinh. Các cơ sở giáo dục đại học vẫn trên tinh thần tự chủ tuyển sinh nhưng sẽ phải đề cao hơn nữa trách nhiệm xã hội.