Chạy bộ quá sức có bị suy thận?
Tập thể thao cường độ cao có thể gây tiêu cơ vân – tình trạng phá vỡ mô cơ, dẫn đến suy thận, thậm chí tử vong nếu người tập không lắng nghe cơ thể.
Dù là người khỏe mạnh hay mới làm quen với phòng gym, bất kỳ ai cũng có thể đối mặt với nguy cơ suy thận cấp nếu tập thể dục sai cách hoặc quá sức.
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Tuyên, Trưởng khoa Nội thận - Tiết niệu, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, cảnh báo: “Không ít người tưởng mình đủ khỏe để tập nặng, nhưng khi vượt quá ngưỡng chịu đựng, cơ thể sẽ 'trả đũa' nghiêm khắc”.
Một trong những biến chứng nguy hiểm là tiêu cơ vân – hội chứng xảy ra khi mô cơ bị phá vỡ do vận động quá sức. Khi cơ bắp bị tổn thương nặng, một loại protein trong cơ là myoglobin sẽ được giải phóng ồ ạt vào máu.
Nếu không được đào thải kịp thời qua thận, myoglobin sẽ làm tắc nghẽn ống thận, dẫn đến suy thận cấp, thậm chí tử vong.
“Ngay cả những vận động viên chuyên nghiệp như chạy marathon hay đạp xe đường dài cũng có nguy cơ tiêu cơ vân nếu không tập luyện đúng cách”, bác sĩ Tuyên nói.

Tập luyện thể dục thể thao cường độ cao có thể gây tiêu cơ vân – tình trạng phá vỡ mô cơ, dẫn đến suy thận. (Ảnh minh họa)
Dấu hiệu nhận biết tình trạng này khá đặc trưng: Nước tiểu chuyển màu đỏ nâu hoặc nâu đen, lượng nước tiểu giảm, cơ sưng đau, người mệt mỏi, buồn nôn, sốt. Nếu không xử lý sớm, bệnh nhân có thể rơi vào trạng thái rối loạn điện giải, toan kiềm, tổn thương các cơ quan khác như hệ tiêu hóa, thần kinh và hôn mê.
Không phải ai tập thể dục cũng gặp biến chứng nguy hiểm, nhưng để an toàn, người tập cần bắt đầu từ những bài tập nhẹ nhàng, sau đó tăng dần theo sức của bản thân. Đặc biệt, hãy ngưng tập ngay khi cơ thể có dấu hiệu cảnh báo như mệt lả, chuột rút, đau nhức bất thường.
Việc ép bản thân quá mức chỉ để “đốt mỡ nhanh” hoặc “tăng cơ cấp tốc” có thể phải trả giá bằng chính sức khỏe, thậm chí là mạng sống.
Bác sĩ khuyên người tập cần uống đủ nước, chú ý giữ mát cơ thể và quan trọng nhất là “lắng nghe cơ thể” – yếu tố sống còn để tránh những tai biến nghiêm trọng.