Châu Phi hướng tới nền kinh tế xanh
Châu Phi đang hướng tới nền kinh tế xanh, với kỳ vọng tạo ra 3,3 triệu việc làm từ nay đến năm 2030, trong đó năng lượng mặt trời và nông nghiệp thông minh là những lĩnh vực dẫn đầu. Quá trình chuyển đổi xanh hứa hẹn sẽ góp phần giải quyết tình trạng thất nghiệp đang gia tăng ở giới trẻ, khi số lượng dân số trẻ ở châu Phi được dự báo vượt 800 triệu người vào năm 2050.
Theo báo cáo mới nhất của FSD Africa và Shortlist, năm ngành chiến lược có khả năng tạo ra việc làm lớn ở Lục địa đen, trong đó nổi bật là năng lượng tái tạo, nông nghiệp bền vững và các giải pháp sinh thái. Những lĩnh vực này đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế bền vững cho châu lục. Cụ thể, lĩnh vực sản xuất năng lượng mặt trời ước tính có thể tạo ra 1,7 triệu việc làm trong khi các lĩnh vực công nghệ nông nghiệp thông minh và bảo tồn hệ sinh thái sẽ bổ sung khoảng 700.000 việc làm.
Các giải pháp xanh như tái trồng rừng cũng góp phần tạo thêm việc làm tại các quốc gia Nam Phi, Nigeria, Kenya, Ethiopia và CHDC Congo, với khoảng 700.000 việc làm xanh vào năm 2030. Về trình độ lao động, báo cáo chỉ ra rằng khoảng 60% việc làm xanh sẽ cần lao động có tay nghề, trong đó 10% cần bằng cấp, 30% cần chứng chỉ và 20% cần kỹ năng hành chính, 40% còn lại là lao động phổ thông.
Tiến sĩ Malle Fofana, Giám đốc phụ trách châu Phi tại Viện Tăng trưởng xanh toàn cầu cho biết, thách thức lớn nhất của châu lục hiện nay là thu hẹp khoảng cách kỹ năng giữa nông thôn và thành thị. Theo ông, chính phủ các nước châu Phi cần điều chỉnh chính sách, gắn chiến lược kinh tế xanh vào các kế hoạch phát triển quốc gia.
Bên cạnh đó, các nước cần đẩy mạnh đầu tư vào giáo dục và đào tạo nghề để trang bị các kỹ năng mới cho thanh niên trong nền kinh tế xanh. Ông Fofana nhấn mạnh yêu cầu bảo đảm công bằng trong tiếp cận việc làm xanh giữa các khu vực thành thị và nông thôn.
Các tổ chức tài chính nhận định rằng, nền kinh tế xanh của châu Phi sẽ không chỉ đóng góp cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu, mà còn giúp giải quyết tình trạng thất nghiệp đang có xu hướng gia tăng. Đây được xem là một giải pháp hữu hiệu giúp thúc đẩy sự tăng trưởng bền vững của châu lục.
Bên cạnh đó, châu Phi đang khuyến khích làn sóng khởi nghiệp trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI). Hội nghị khởi nghiệp châu Phi lần thứ 3 vừa diễn ra ở Algeria đã thu hút nhiều bộ trưởng phụ trách về khởi nghiệp, cùng hàng trăm doanh nghiệp, nhà đầu tư và chuyên gia cấp cao trong lĩnh vực AI.
Tại hội nghị với chủ đề “Tái hình dung châu Phi thông qua AI”, các đại biểu đã thảo luận sôi nổi về cơ hội và thách thức trong việc phát triển AI ở châu lục. Các tham luận đưa ra tại hội nghị trình bày việc biến các ý tưởng đổi mới sáng tạo thành những dự án thực tiễn, góp phần vào mục tiêu phát triển bền vững và xây dựng các chiến lược phát triển AI phù hợp đặc thù của Lục địa đen.
Các bộ trưởng đã kêu gọi áp dụng thống nhất chính sách về AI trong châu lục, tăng cường phối hợp ở cấp nhà nước và xây dựng khuôn khổ pháp lý thích hợp, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải triển khai các chương trình đào tạo và thiết lập quan hệ đối tác giữa các cơ sở khoa học trong lĩnh vực AI.
Các bộ trưởng nhấn mạnh vai trò của các công ty khởi nghiệp và AI trong các mục tiêu về kinh tế-xã hội, kêu gọi đẩy nhanh việc thành lập một quỹ châu Phi để tài trợ cho các dự án tác động trực tiếp tới kinh tế-xã hội.
Đây là đề xuất của các chuyên gia của Liên hợp quốc và Liên minh châu Phi (AU) tại Tuần lễ Công nghiệp hóa châu Phi 2024 vừa được tổ chức với chủ đề “Tận dụng AI, công nghiệp hóa xanh và sở hữu trí tuệ để chuyển đổi châu Phi”.
Tại sự kiện này, các chuyên gia đã kêu gọi đầu tư mạnh vào phát triển cơ sở hạ tầng, chuyển giao công nghệ, hội nhập chuỗi giá trị nội khối châu lục, giảm sự phụ thuộc vào xuất khẩu nguyên liệu thô và tăng cường quan hệ đối tác toàn cầu để đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa và chuyển đổi kinh tế, qua đó tô điểm gam mầu xanh vào bức tranh kinh tế châu Phi.