Châu Mỹ Latinh: 'Vùng đất hứa' của điện ảnh bản địa
Nếu nửa thập kỉ qua điện ảnh và truyền hình châu Á liên tục ghi được những dấu ấn lớn trên toàn thế giới, thì cuối năm 2024, một làn sóng mới đang được báo hiệu. Đó là sự trỗi dậy của khu vực Mỹ Latinh với những tác phẩm vô cùng thành công, gồm 2 series 'Pedro Páramo', 'Trăm năm cô đơn' và phim điện ảnh 'Emilia Pérez' hiện đang khuấy đảo mùa giải thưởng điện ảnh vào cuối năm nay.
Lợi thế kép
Từ khi "Parasite" (tựa Việt: "Ký sinh trùng") của đạo diễn Bong Joon-ho làm nên lịch sử ở giải Oscar vào năm 2020 - tác phẩm nói tiếng nước ngoài đầu tiên chiến thắng hạng mục Phim hay nhất, thì môn nghệ thuật thứ 7 của khu vực châu Á đã có được những bước tiến vô cùng vượt bậc. Có thể kể đến "Minari", "Drive my car" có nhiều đề cử ở giải Oscar, trong khi "Squid Game", "Beef", "Shogun" lại gây được dấu ấn lớn ở giải Emmy và Quả cầu vàng ở các hạng mục dành cho TV-series.
Những thành công này chính là tổng hòa của 3 yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa, khi với Hàn Quốc thì làn sóng Hallyu khơi nguồn từ nhiều thập niên trước đã giúp ghi dấu nền công nghiệp phim ảnh này trên trường quốc tế, trong khi Nhật Bản cũng đã nổi lên như một trong những "đế chế" điện ảnh của riêng châu Á cùng với Iran.
![Pedro Páramo cho thấy tiềm năng lớn của khu vực này khi sở hữu những tác phẩm văn chương ấn tượng. Ảnh Netflix](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_08_285_51424363/29a426a31fedf6b3affc.jpg)
Pedro Páramo cho thấy tiềm năng lớn của khu vực này khi sở hữu những tác phẩm văn chương ấn tượng. Ảnh Netflix
"Thiên thời" càng giúp họ hơn khi với làn sóng đòi bình đẳng về giới tính, chủng tộc… ở Hollywood, thì việc công nhận những yếu tố vốn từng được xem như là "ngoại lai" bỗng chốc trở nên quan trọng.
Theo đó từ năm 2024, Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Mỹ (AMPAS) đã ra quyết định để một tác phẩm đoạt giải Phim hay nhất ở Oscar thì tác phẩm đó phải có diễn viên da màu hoặc thuộc nhóm dân tộc thiểu số vào vai chính hoặc thứ chính, trong khi nội dung thì phải đề cập đến 2 trong số 4 vấn đề gồm phụ nữ, cộng đồng LGBT, người da màu/dân tộc thiểu số và người khuyết tật. Những yêu cầu này không chỉ đặt ra cho diễn viên, mà còn nằm ở đội ngũ sản xuất, các nhà lãnh đạo… Điều này cho thấy sau rất nhiều năm mà nam giới da trắng luôn được ưu tiên, câu chuyện gần đây đã thật khác đi.
Nhưng có thể nói quyết định này của AMPAS cũng không quá khó để được thực hiện, khi kể từ sau Đại dịch COVID-19, tỉ lệ người xem muốn tìm hiểu thêm các tác phẩm văn hóa bản địa, không còn là các sản phẩm của Hollywood quá đỗi quen thuộc đang dần tăng lên. Cũng chính điều này đã tạo nên thành công cho "Squid Game" và "Beef", biến đây thành 2 series có lúc bùng nổ toàn cầu khi đứng đầu trong bảng xếp hạng các series truyền hình được xem nhiều nhất của nền tảng Netflix.
Cộng hưởng từ sự "mở cửa" của Viện Hàn lâm cũng như khán giả, có thể nói chưa bao giờ yếu tố địa phương lại có được "thời vàng son" như ngay lúc này, khi đó không chỉ là điều kiện cần mà còn đồng thời là điều kiện đủ để quyết định sự thành công.
Khởi đầu được đánh giá cao
Trong khi châu Á với Hàn Quốc và Nhật Bản thay nhau chiếm lĩnh nửa đầu thập kỷ 2020, thì có một xu hướng mới đang dần thành hình là sự xoay trục sang một thị trường còn nhiều tiềm năng nhưng chưa được khai phá đầy đủ, và đó chính là châu Mỹ Latinh.
Với những đặc điểm như có vị trí địa lý không quá xa vời Hollywood, tiếng Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha là 2 trong những ngôn ngữ thông dụng nhất thế giới và có một nền công nghiệp giải trí cũng rất phát triển (chẳng hạn nếu Mỹ có Grammy thì khu vực này cũng có Latin Grammy trở thành đối trọng)... Có thể nói khu vực này đang sở hữu những "cơ hội vàng" hơn bao giờ hết. Điều này có được bổ khuyết khi trong những năm qua, âm nhạc ở khu vực này đang ngày càng được yêu thích và có những hiện tượng lớn như Bad Bunny, Karol G, Rosalía...
Nhận thấy những sự thay đổi đang đến rất gần, các quốc gia thuộc khu vực Mỹ Latinh cũng đã nhanh chóng nắm bắt thời cơ. Trong đó từ năm 2022, những thông tin bên lề về việc chuyển thể 2 kiệt tác văn học của khu vực này là "Pedro Páramo" của Juan Rulfo và "Trăm năm cô đơn" của Gabriel García Márquez đã kịp xuất hiện. Từng được đánh giá là bất khả chuyển thể, thành công của 2 tác phẩm trong thời gian qua đã cho thấy với ngân sách lớn và các tên tuổi cầm trịch dự án có danh tiếng lớn thì không có gì là không thể cả.
Đơn cử "Pedro Páramo" là phim đầu tay của Rodrigo Prieto Stambaugh, người từng là nhà quay phim của các tác phẩm nổi tiếng như "Chuyện tình sau núi" của Lý An hay "Vầng trăng máu" của Martin Scorsese. Và ngược lại, những tác phẩm này cũng đã kéo về cho các nước sở tại một nguồn thu lớn, ước tính là 18.7 triệu USD cho nền kinh tế Mexico và 51.8 triệu USD cho Colombia.
Cũng như lợi thế kép có được khi tính bản địa đã dần rộng mở, thì các tác phẩm lấy bối cảnh Mỹ Latinh cũng đang nhận được sự hậu thuẫn lớn từ các ông lớn để nhiều tác phẩm ấn tượng có thể thực hiện. Một điểm chung nhất ta có thể thấy là tuy do các đế chế điện ảnh ở Mỹ đầu tư sản xuất, nhưng dấu ấn chung mà bộ phim mang lại thì rất đậm chất châu Mỹ Latinh, với dàn diễn viên bản địa cũng như sử dụng tiếng Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha làm ngôn ngữ chính.
Dù biết Mỹ Latinh từng là cái nôi của nhiều tác phẩm vang danh như phim hoạt hình "Coco" của Disney hay các tác phẩm của những nhà làm phim Alfonso Cuarón, Alejandro González Inárritu, Pablo Larráin... nhưng có thể nói ngay giờ đây địa hạt này đã và đang nhận được sự chú ý mà không cần đến các tên tuổi thành danh, qua đó cho thấy một sự vươn dậy trong tương lai gần và có khả năng đe dọa vị thế thống trị ở ngoại biên của điện ảnh châu Á.
Những chủ đề quen thuộc
Cũng như châu Á thành công trong việc phơi bày những thực trạng xã hội như phân cấp giàu nghèo ("Parasite", "Squid Game"), câu chuyện di dân ("Minari", "Beef")... điện ảnh Mỹ Latinh cũng rất thành công trong việc làm sống dậy những đặc điểm quan trọng của mình, mà một trong số đó chính là bạo lực cũng như tệ nạn. Chẳng hạn trong bộ phim điện ảnh "Emilia Pérez" hiện đang dẫn đầu số lượng đề cử ở giải BAFTA (hay thường được gọi là Oscar Anh quốc) và đang trên đường "càn quét" Oscar, câu chuyện của những băng nhóm tội phạm đã được tái hiện.
Đạo diễn Jacques Audiard theo đó đã không khoan nhượng đưa ra ánh sáng những câu chuyện vốn luôn được giữ kín. Ta thấy ở đó là hàng trăm những thanh thiếu niên, những người đã bị sát hại ở các vùng biên giới hoặc do tranh chấp địa bàn đã mãi nằm lại vô danh trong những hố chôn tập thể hoặc những hình thức xử lý bạo tàn. Ta cũng thấy ở đó những ân oán bám riết mà phương thức duy nhất để định người thắng đó là bạo lực… Ngoài ra những biến cố lịch sử cũng là một đề tài khác ghi được dấu ấn và chưa khi nào là cũ.
Tác phẩm nói trên cũng không đơn thuần dừng lại ở đó, mà câu chuyện về phân biệt đối xử với người phụ nữ, việc tìm lại bản năng gốc cho người chuyển giới hay các thể chế có nhiều mảng đen cũng đã hiện diện. Lấy bối cảnh Mexico, tác phẩm cũng được kể bằng phương thức nhạc kịch rộn ràng với màu sắc marichi riêng biệt và không trộn lẫn. Có thể nói "Emilia Pérez" thành công vì đã dung hòa được nhiều khía cạnh, khi vừa truyền thống trong nội dung và nhiều vấn đề của một quốc gia, nhưng cũng mới mẻ trong việc đề cập đến các đối tượng bên lề ít được chú ý. Điều này cho thấy châu Mỹ Latinh có rất nhiều chất liệu văn hóa để sử dụng thành công.
Một hướng đi khác cũng được tập trung khai thác trong năm vừa qua, đó là chuyển thể các tác phẩm văn học kinh điển. Vượt trội hơn châu Á khi có một nền văn chương hiện đại ghi đậm dấu ấn trên toàn thế giới, có thể nói các nhà làm phim đã rất tinh ý khi bắt đầu khai thác vùng đất màu mỡ này với 2 siêu phẩm "Pedro Páramo" và "Trăm năm cô đơn", khi đây là 2 tiểu thuyết được dịch rất sớm, đạt được tầm vóc ở tầm quốc tế.
Điều đáng nói là kể từ đây, với sự không ngại đầu tư của các ông lớn và một kho tàng nhiều tác phẩm nổi tiếng chưa được chạm vào, thì chỉ riêng xu hướng chuyển thể này thôi, trong nửa thập kỷ còn lại, châu Mỹ Latinh dư sức chiếm lĩnh khu vực ngoại biên của nền văn hóa với nhiều tên tuổi văn chương có dấu ấn toàn cầu, từ đậm tính nghệ thuật như J.L.Borges, Roberto Arlt, Carlos Fuentes... cho đến đậm tính hiện thực như Mario Vargas Llosa, Roberto Bolano...
Qua những phân tích có thể thấy rằng với xu hướng bản địa hóa và một kho tàng vô cùng phong phú các truyện kể, dấu ấn dân gian và các tác phẩm văn chương, thì việc châu Mỹ Latinh chiếm được vị trí quan trọng trong nền điện ảnh - truyền hình trong thời gian tới không quá bất ngờ. Trước nhất trong năm 2025, phần còn lại của TV series "Trăm năm cô đơn" sẽ được ra mắt, và cùng phần 1 giành nhiều khen ngợi, thì có thể tin đây sẽ tiếp tục là một thương hiệu sẽ còn khuấy đảo cả làng phim ảnh trong năm 2025.