Châu lục không dễ đồng thuận nội bộ

Tại thủ đô Tirana của Albania vừa diễn ra Hội nghị cấp cao thứ 6 của Cộng đồng chính trị châu Âu (EPC).

EPC được thành lập cách đây 3 năm theo sáng kiến của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và được Liên minh châu Âu (EU) sử dụng làm khuôn khổ diễn đàn tập hợp tất cả các quốc gia và đối tác trên châu lục, nhưng không có sự tham gia của Nga và Belarus nhằm cô lập hai quốc gia châu Âu này về chính trị.

Sự ra đời của EPC là một trong những hệ quả trực tiếp của cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine. Lần họp cấp cao thứ 6 này của EPC là lần họp cấp cao đầu tiên được tổ chức ở vùng bán đảo Balkan, trong bối cảnh tình hình chung trên châu lục về cơ bản không khác gì nhiều so với những lần trước.

Cuộc chiến tranh ở Ukraine vẫn tiếp tục leo thang mức độ quyết liệt. Cuộc đối địch giữa EU và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) với Nga trên phạm vi châu lục vẫn không khoan nhượng và không có dấu hiệu giảm nhiệt. Các lực lượng cánh hữu, dân túy và dân tộc chủ nghĩa ở nhiều nơi trên châu lục trỗi dậy ngày càng thêm mạnh mẽ.

Kinh tế châu lục tiếp tục nằm trong tình trạng tăng trưởng khó khăn, mức độ thấp và không ổn định. Vấn đề nhập cư, di cư và tị nạn vẫn rất trầm trọng. Ở nhiều quốc gia trên châu lục, căng thẳng trong nội bộ xã hội và mất ổn định chính trị - xã hội kéo dài. Bảo đảm an ninh và ổn định cho châu lục là thách thức lớn mà châu lục vẫn chưa có được cách khắc phục.

Bối cảnh tình hình ấy còn có thêm nhiều diễn biến không thuận lợi, khó khăn và khó xử đối với các nước trên châu lục bởi chính quyền mới ở Mỹ, với sự trở lại cầm quyền của Tổng thống Donald Trump.

Ông D.Trump và cộng sự đã có những phát ngôn và tuyên bố, bước đi và hành động khiến cho các đồng minh lâu nay của Mỹ ở châu Âu không còn tin cậy Mỹ nữa về cam kết bảo đảm an ninh cho họ, về việc chính quyền mới ở Mỹ không còn coi họ là đồng minh và đối tác chiến lược như lâu nay, không còn thật sự cùng hội, cùng thuyền với họ trong chính sách đối với Nga và Ukraine, cũng như trong vấn đề liên quan đến cuộc chiến tranh ở Ukraine và an ninh châu lục thời hậu chiến.

Cho nên không có gì là khó hiểu khi mục tiêu hàng đầu của lần họp cấp cao thứ 6 này của EPC ở Tirana là gây dựng sự đồng thuận quan điểm trong nội bộ về tất cả các vấn đề thời sự hiện tại.

Không có sự đồng thuận nội bộ thật sự vững chắc và sâu rộng thì châu Âu khó có thể vượt qua được những thách thức trên. Mục tiêu này được khái quát hóa rất đầy đủ trong tiêu đề của phiên họp năm nay là "Châu Âu mới trong một thế giới mới: Đoàn kết thống nhất - hợp tác - cùng hành động".

Nó được cụ thể hóa trong ba nhóm nội dung trên chương trình nghị sự là quốc phòng và an ninh, bao gồm vấn đề cuộc chiến ở Ukraine và an ninh cho châu lục cũng như bảo vệ hệ giá trị dân chủ; là an ninh kinh tế và năng lực cạnh tranh quốc tế của châu lục và vấn đề nhập cư, di cư, tị nạn cũng như quan hệ với các nước và các đối tác bên ngoài châu lục.

Nhận thức và cách tiếp cận của EPC xem ra rất thức thời. Vấn đề lớn là ở chỗ đồng thuận nội bộ rất khó có thể được gây dựng, được củng cố và tăng cường vì cọ xát và xung khắc lợi ích thiết thực trước mắt cũng như lâu dài giữa các thành viên trong tất cả các vấn đề nêu trên hiện vẫn rất cơ bản và mang tính quyên tắc. Có thể thấy, cả sau 6 lần họp cấp cao, EPC vẫn chưa tự giải thoát được ra khỏi tình trạng tự trói chân bó tay nhau.

Đại sứ Trần Đức Mậu

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/chau-luc-khong-de-dong-thuan-noi-bo-702830.html
Zalo