Châu La Việt, ân tình với đất mẹ
'...Vì có con mẹ chẳng thể quên cha'. Ngày nhà văn Châu La Việt chào đời ở ngôi nhà nhỏ bên dòng sông La, bà ngoại ông có ý đặt tên là Hà hoặc Giang. Nhưng mẹ ông, ca sĩ Tân Nhân nhất quyết đặt tên khai sinh cho con là Hoài để nhớ về mối tình dang dở của đời mình.
Châu La Việt còn có các bút danh khác như Trương Nguyên Việt, Triệu Phong. Dẫu là tên khai sinh, tên nghề văn hay bút danh đều mang một ý nghĩa gắn với cuộc đời mình. Có lần tôi hỏi tên nhà văn Châu La Việt, ông hồ hởi chia sẻ: “Việt chính là Cửa Việt, một cửa biển mà bên này là huyện Triệu Phong quê nội và bên kia là huyện Gio Linh quê ngoại.
Châu là xã Châu Phong ở Hà Tĩnh, có sông La vùng đất nơi mẹ đã sinh tôi ra. Ghép 3 địa danh ấy lại thành tên Châu La Việt”. Chỉ ngần ấy cũng hiểu được một trái tim luôn dành trọn niềm tin yêu đối với đất đai xứ sở, nhất là với làng quê Mai Xá “địa linh nhân kiệt” đã sinh ra người mẹ yêu quý của ông, NSƯT Tân Nhân mà tên tuổi của bà gắn với các ca khúc “Xa khơi”, “Câu hò bên bờ Hiền Lương”...
Tôi với ông còn một cơ duyên khi người o ruột của mẹ tôi, bà Nguyễn Thị Toàn (vợ của ông Trương Công Cương) chính là thím ruột của ca sĩ Tân Nhân. Bà Nhân sinh ra trong một gia đình gia giáo, giàu có nhất nhì ở làng. Với danh tiếng “Trương Công huynh đệ” là nhắc đến sự thành danh của 2 anh em nhà ông Trương Công Hy (bố của ca sĩ Tân Nhân) và em trai là ông Cương (dượng của mẹ tôi), một thương gia nổi tiếng về kinh doanh xe tải, xe khách đường dài thời đó. Sau này, ông Cương vào TP. Hồ Chí Minh lập nghiệp và mở Hãng vận tải Việt Hưng.
Là một thương gia xa quê nhưng với truyền thống yêu nước của làng Mai, nhiều lần ông Cương đã dùng đoàn xe của mình vận chuyển gạo, thực phẩm theo đường rừng tiếp tế ra miền Bắc, góp một phần công sức cùng cả dân tộc làm nên đại thắng mùa xuân 1975.
Những câu chuyện tôi được biết về gia thất “Trương Công huynh đệ” không chỉ có thế bởi những năm 80 của thế kỷ trước, lúc đó tôi tầm 10- 15 tuổi, hằng năm cứ vào dịp nghỉ hè, anh em tôi lại được mẹ dẫn vào TP. Hồ Chí Minh để thăm bà con.
Vì thế, ngôi nhà số 25 Hải Thượng Lãn Ông ở Quận 5 gần Chợ Lớn hè nào tôi cũng được vào ở chơi cả tuần. Nhờ đó, tôi biết thêm nhiều chuyện kể về gia thất “Trương Công huynh đệ”, thân sinh của ca sĩ Tân Nhân, người mà ông Châu La Việt tâm nguyện: “...tác phẩm cao quý nhất của con cũng xin để viết về mẹ, về tiếng hát và trái tim tuyệt vời ấy của mẹ...”.
Mỗi khi nghe ông kể về cuộc đời mình, một cuộc đời chịu nhiều mất mát, thiệt thòi ngay từ thời thơ bé là bắt gặp sự đồng cảm, sẻ chia. Ông là sản phẩm của một cuộc tình “hơn cả tiểu thuyết” giữa nữ ca sĩ Tân Nhân với người “nhạc sĩ đồng quê” Hoàng Thi Thơ. “Con sinh ra là một giọt lệ đau/Giọt lệ ấy chẳng đủ soi lòng mẹ/Đừng giận con mẹ ơi vì thơ bé/Con nào đã hiểu hết nỗi cuộc đời.../Con là vật kỷ niệm lúc chia phôi/Mẹ muốn quên dáng người đi tội lỗi/Con lại mang khuôn mặt người cha ấy/ Vì có con mẹ chẳng thể quên cha...”.
Vậy nên, Châu La Việt yêu mẹ hơn cả bản thân và luôn đồng cảm cùng mẹ trong suốt cả đời người. Tiếng hát người mẹ - nghệ sĩ ấy đã bay bỗng, ngân nga trên từng trang viết của ông: “Tôi yêu cuộc đời bằng nước mắt/Nếu đêm ấy tôi không nghe khúc hát/Đêm hát cuối cùng người ca sĩ bạc đầu/Về một tình yêu khổ đau với nghệ thuật/Về một tình yêu khắc khoải với mai sau...”.
Suốt cả tuổi thanh xuân của mình, người mẹ Tân Nhân của ông đã hiến dâng tất cả những gì cao đẹp nhất của đời mình cho Tổ quốc thân yêu. Cuộc đời - tiếng hát và những tình cảm sâu nặng nhất mà nữ danh ca đã dành tặng cho quê hương, cho những đứa con yêu quý của mình. Tân Nhân đã về bên cầu Hiền Lương hát: “Thuyền ơi có nhớ bến chăng? Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền...”.
Nhiều người thắc mắc tại sao Tân Nhân hát “Xa khơi” và “Câu hò bên bờ Hiền Lương” da diết đến thế? Nhưng đó là trái tim hát, bà hát bằng nỗi lòng, cả tình yêu cay đắng của mình, về nỗi cách xa quê nhà. Lời ca bỏng cháy về khát vọng thống nhất, còn tiếng hát thì thổn thức, thiết tha khẳng định với ba mẹ, bà con ruột thịt mình: “Dù cho, dù cho bến cách sông ngăn. Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền...”.
Trong hồi ký của mình, bà Tân Nhân đã viết: “Nhân một chuyến công tác về vùng biển cùng Đoàn Ca múa Trung ương, tôi chuyên hát dân ca nên được phân hát “Xa khơi”. Thật thú vị vì biển là quê tôi, đứng bên bờ Bắc nhìn về bờ Nam còn thấy ngọn thông làng Mai Xá của tôi. Nơi ấy có nhà tôi, bà con ruột thịt của tôi đã mười lăm năm xa cách, thương nhớ.
Nơi ấy là cha mẹ tôi, các em nhỏ của tôi”. Ở đây, tôi xin nói lại là ở quê Mai Xá chỉ có những hàng phi lao cao vút chứ đất cát Mai Xá không thể trồng được cây thông nhưng vì trong nỗi nhớ quê hương, làng mạc xa hút tầm mắt nên bà đã tưởng nhầm ngọn thông. Và miền quê thân thương nép mình bên dòng Hiếu giang trong xanh ấy không chỉ thổn thức trong nỗi nhớ, niềm thương của nữ ca sĩ mà còn thôi thúc bước chân của nhà văn Châu La Việt mong ngóng tìm về.
Mỗi khi có dịp về quê, ông luôn tranh thủ ghé về Mai Xá, để được rảo bước chân trên con đường làng rủ mát bóng cây đã in dấu chân người mẹ. Lần tìm lại cây đa, bến nước và bóng dáng con đò xưa đã hằn sâu trong ký ức bao người dân quê Mai Xá.
Cảnh cũ, người xưa cứ níu giữ bước chân gấp gáp của nhà văn Châu La Việt; bù đắp, an ủi, tưới tắm dòng cảm xúc đằm thắm và tươi nguyên như từng lớp sóng vỗ vào biền bãi quê nhà nặng phù sa ân nghĩa.
Nhà văn Đỗ Chu từng nói với ông: “Hãy viết như mẹ anh từng đã hát. Ngậm từng chữ, nhả từng câu, đau như lòng tằm và quý phái như tấm lụa tơ tằm. Say mê tột cùng và thương nhớ cũng tột cùng”. Với Châu La Việt, viết văn hay làm thơ là để trả ơn cuộc đời đã cưu mang, bao bọc ông, trả nghĩa đấng sinh thành, với tuổi thơ gian khó lớn lên cùng tiếng hát đằm sâu của mẹ.
Vậy nên, dòng máu nghệ sĩ đã ngấm vào Châu La Việt từ rất sớm và có căn duyên trong từng câu hát của người mẹ Tân Nhân. Khi đọc tập hồi ký - thơ “Nghệ sĩ Tân Nhân và Xa khơi”, món quà ông gửi tặng người mẹ hiền đã mất, tôi mới nhận ra ông đã gom những “hạt vàng” của đời sống, của người thân dâng hiến cho cuộc đời.
Dẫu mẹ ông đã đi xa, đã về miền mây trắng nhưng ông chưa bao giờ nghĩ rằng mẹ đã mất. Bởi đâu đó giữa đất đai xứ sở và trong tâm hồn ông vẫn vang vọng tiếng hát của mẹ. “Xa khơi” hay “Câu hò bên bờ Hiền Lương” và tiếng hát của mẹ là mãi mãi bay bổng giữa cuộc đời này... Bây giờ đã thành một nhà văn có tên tuổi nhưng ông vẫn tâm nguyện rằng suốt cuộc đời chỉ muốn viết về cuộc chiến tranh, về đồng đội, viết về người mẹ nghệ sĩ thân yêu của mình. Đó là những gì ông luôn ấp ủ trong tim, thôi thúc ông cầm bút để viết về nên tác phẩm theo như mong ước của đời mình.
Tôi nghĩ, Châu La Việt là người có số phận nhiều trắc trở nhưng lại đầy kiêu hãnh. Bởi ông được sinh ra trong một gia đình danh giá cả bên nội lẫn bên ngoại; là “tinh túy” của cặp đôi trai tài gái sắc thời chiến chinh. Và sự kiêu hãnh ấy cũng đến từ chính bản thân ông khi mới 17 tuổi đã tự nguyện cầm súng để “viết lại lý lịch đời mình”.
Do đó, không riêng gì tôi mà rất nhiều người đã ngưỡng mộ, cảm phục ông. Và cứ mỗi khi nhìn vào cuộc đời, khi đọc những trang văn là tìm thấy sự đồng cảm, sẻ chia về số phận, là kính nể về tài năng sáng tạo của ông nhưng ông chỉ khiêm tốn rằng: “Tôi không sáng tác văn chương, tôi viết bằng cuộc đời của mình, viết về cuộc đời những người tôi yêu quý”. Phải chăng đây là ân tình, ân nghĩa mà Châu La Việt đã dành tặng cho đồng đội của mình, cho đất mẹ thân thương?!