Châu Âu lo ngại số ca mắc COVID-19 gia tăng trong mùa thu

Châu Âu đang lo ngại số ca mắc COVID-19 sẽ tăng trong mùa thu này khi một số nước trong khu vực đang ghi nhận sự gia tăng các ca mắc COVID-19, đặc biệt là các nước vùng Baltic.

Theo trang worldometer.info, tính đến 6 giờ sáng 15/10, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 413.000 ca bệnh COVID-19 và trên 6.800 ca tử vong. Tổng số ca bệnh từ đầu dịch tới nay đã vượt 240 triệu ca, trong đó trên 4,89 triệu ca tử vong.

Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mỹ với trên 73.000 ca, Anh 45.066 ca và Nga 31.299 ca. Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mỹ 1.387 ca, Nga 986 ca và Brazil 456 ca.

Kiểm tra thẻ xanh COVID-19 trước khi vào tham quan Bảo tàng Vatican ở Vatican, ngày 6/8/2021. Ảnh: AFP

Với 31.299 ca mắc và 986 ca tử vong trong ngày 14/10, đây là ngày Nga ghi nhận ca mắc và tử vong trong ngày do COVID-19 cao nhất kể từ khi đại dịch bùng phát. Nga hiện là vùng dịch lớn thứ năm thế giới và ghi nhận ca tử vong cao nhất châu Âu.

Một số quốc gia ở châu Âu đang lo ngại số ca mắc COVID-19 sẽ tăng trong mùa thu này. Tháng 10/2020, làn sóng lây nhiễm thứ 2 dịch COVID-19 đã hoành hành ở châu Âu, song đến năm 2021, tình hình đã có những tiến triển rõ rệt. Nhờ tỷ lệ bao phủ vaccine cao, với 68% dân số châu Âu đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine ngừa COVID-19, tình hình dịch bệnh tại một số nước khá ổn định, bất chấp sự lây lan của biến thể Delta.

Tuy nhiên, một số nước trong châu lục đang ghi nhận sự gia tăng các ca mắc COVID-19, đặc biệt là các nước vùng Baltic. Xét trên tỷ lệ thì đứng đầu là Latvia, với trung bình 805,29 ca mắc mới mỗi ngày trên 1 triệu dân. Con số này tại Litva là 795,93 và tại Estonia là 734,56.

Romania cũng đang hứng chịu sự gia tăng mạnh về số ca mắc mới, với trung bình mỗi ngày 697,38 ca/1 triệu dân. Hiện Latvia và Romania hiện đang có tỷ lệ lây nhiễm cao nhất kể từ khi bắt đầu đại dịch.

Số lượng các ca nhiễm mới cũng đang gia tăng tại một số quốc gia Tây Âu. Theo Cơ quan y tế Hà Lan, số ca mắc mới COVID-19 đã tăng 48% vào tuần trước với 2.550 người/ngày, trong khi tỷ lệ tiêm chủng chung của Hà Lan đạt 75% dân số.

Các ca nhiễm bệnh chủ yếu ở các thành phố nơi cư dân ít được tiêm chủng. Số lượng bệnh nhân nhập viện cũng tăng tại Hà Lan với con số trung bình 57 ca mỗi ngày, tăng 16%, trong đó 9 người phải chăm sóc đặc biệt. Tuy nhiên, tình hình vẫn thuận lợi hơn nhiều so với năm ngoái, khi có khoảng 1.500 bệnh nhân nhập viện, trong đó có 300 bệnh nhân phải chăm sóc đặc biệt.

Tại Nga, trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 31.299 ca COVID-19 mới - mức cao nhất kể từ khi đại dịch bùng phát, đưa tổng số ca mắc lên gần 7,9 triệu. Cũng trong 24 giờ qua, Nga có thêm 986 ca tử vong, tăng 2 ca so với trước đó 1 ngày, đưa tổng số ca tử vong do mắc COVID-19 tại nước này lên 220.315 ca.

Ngày 14/10, phát ngôn viên của Điện Kremlin cho rằng trong gần 2 năm qua, Nga đã có kinh nghiệm nhất định, toàn bộ cơ sở hạ tầng y tế đều được huy động. Hiện có nhiều công nghệ và quy trình điều trị hơn. Do đó, nếu cơ sở hạ tầng y tế không bị quá tải ở một địa phương cụ thể, Nga sẽ tiếp tục triển khai các biện pháp hiện nay.

Trong khi đó, Bộ trưởng Y tế Nga Mikhail Murashko cảnh báo tỷ lệ nhiễm virus SASR-CoV-2 ở nước này sẽ tiếp tục tăng nếu không áp dụng các biện pháp giới hạn xã hội. Theo ông, nguyên nhân khiến số ca mắc COVID-19 gia tăng là do hành vi của người dân và tỷ lệ tiêm chủng thấp.

Bộ trưởng Y tế Nga lưu ý mọi công dân trên 60 tuổi cần tiêm vaccine ngừa COVID-19 vì virus SARS-CoV-2 cực kỳ nguy hiểm đối với nhóm này. Hiện tỷ lệ tiêm vaccine cho người trên 65 tuổi ở Nga vẫn ở mức thấp, khoảng 42%.

Tại Anh, biến thể Delta đang ngày một áp đảo và xuất hiện trên hầu hết các ca bệnh mới. Hiện tại, biến thể Delta chiếm tới 99% số ca bệnh được giải trình tự gene ở Anh.

Trong chương trình The Andrew Marr Show trên kênh BBC One, Tiến sĩ Jenny Harries, người đứng đầu Cơ quan An ninh và Y tế của Vương quốc Anh (UKHSA), cho biết nhiều "biến thể đáng lo ngại" được xác định ở Anh trong năm qua đã biến mất hoặc đang suy giảm nhanh chóng. Bà Harries nhận định, với sự áp đảo của biến thể Delta, có vẻ như nhiều biến thể khác đã được phát hiện trước đó đang tuyệt chủng và một số biến thể đang được theo dõi đã tăng nhẹ. Tuy nhiên, bà nhấn mạnh người dân vẫn cần cảnh giác trong bối cảnh mùa đông sắp đến gần.

Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở London, Anh. Ảnh: AFP

Trong khi đó, Giáo sư Andrew Preston tại Đại học Bath cho biết, hiện ở Anh đã có 12 phiên bản khác của Delta. Nếu có một biến thể mới gây phiền toái, đó có thể là một phiên bản mới của Delta.

Theo các chuyên gia, vaccine vẫn có hiệu quả song dữ liệu khẳng định Delta có khả năng kháng vaccine cao hơn. Theo nghiên cứu của Đại học Oxford, hai liều vaccine của Pfizer có hiệu quả 93% trong việc ngăn ngừa COVID-19 có triệu chứng trong khi vaccine của AstraZeneca có hiệu quả 71%. Tác dụng bảo vệ của vaccine kéo dài 4-5 tháng nhưng sau đó sẽ suy yếu dần.

Hiện ở Anh đã có tới 45 triệu người tiêm đủ 2 mũi vaccine, chiếm 67,2% dân số đủ điều kiện chủng ngừa. Gần đây, mỗi ngày, Anh ghi nhận trên 35.000 ca mắc COVID-19, do đó hầu hết mọi người đã có miễn dịch ở một mức độ nào đó.

T.Toàn

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/chau-au-lo-ngai-so-ca-mac-covid-19-gia-tang-trong-mua-thu-post161545.html
Zalo