Châu Âu gia tăng mạnh số ca mắc mới và tử vong vì COVID-19
Theo WHO, các số liệu cập nhật cho thấy tuần qua, châu Âu là khu vực duy nhất trên thế giới gia tăng cả về số ca mắc mới và tử vong vì COVID-19.
Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 6h ngày 8/11 (theo giờ Việt nam), toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng 250.585.694 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 5.064.206 ca tử vong. Số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua là 329.630 và 4.341 ca tử vong mới.
Số bệnh nhân bình phục đã đạt 226.806.571 người, 18.714.917 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 76.156 ca nguy kịch.
Trong 24 giờ qua, Nga dẫn đầu thế giới về ca nhiễm mới với 39.165 ca; Anh đứng thứ hai với 30,305 ca; tiếp theo là Thổ Nhĩ Kỳ với 25.304 ca. Nước Nga cũng tiếp tục đứng đầu về số ca tử vong mới, với 1.179 người thiệt mạng trong ngày; tiếp theo là Ukraine với 449 ca và Mexico 261 ca tử vong.
Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Marseille, Pháp. Ảnh: AFP
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), các số liệu cập nhật cho thấy tuần qua châu Âu là khu vực duy nhất trên thế giới chứng kiến sự gia tăng cả về số ca mắc mới và tử vong vì COVID-19. Số ca mắc mới đang tiệm cận những mức kỷ lục từng ghi nhận trước đây.
Thế giới trong 7 ngày qua ghi nhận thêm 3,08 triệu ca mắc mới COVID-19, tăng 3% so với tuần trước đó, trong đó châu Âu chiếm tới 59% với hơn 1,6 triệu ca (tăng 18%). Số ca mắc mới tại 53 quốc gia và vùng lãnh thổ ở châu Âu đang tăng trong tuần thứ năm liên tiếp, đưa khu vực này trở lại là tâm dịch của thế giới.
Thống kê của WHO chỉ ra số ca mắc COVID-19 của châu Âu (khoảng 78 triệu ca) đang vượt tổng số ca ở các khu vực Đông và Nam Á, Trung Đông, Tây Thái Bình Dương và châu Phi cộng lại. Tỷ lệ lây nhiễm theo ngày ở châu Âu hiện ở mức cao nhất thế giới, với 192 ca nhiễm mới trên 100.000 dân, trong khi hệ thống y tế tại 43/53 nước đang đối mặt nhiều sức ép.
Nga, Đức vừa chứng kiến ngày có số ca mắc mới cao nhất từ đầu dịch, lần lượt hơn 41.000 và 35.000 ca. Italy, Pháp, Ukraine, Romania, Bulgaria, Moldova, CH Séc… cũng ghi nhận những con số đáng báo động. Số ca tử vong vì COVID-19 ở châu Âu tuần qua cũng tăng 14%, chiếm gần 50% trong tổng số hơn 47.600 ca tử vong trên toàn cầu.
Giám đốc WHO phụ trách khu vực châu Âu Hans Kluge cảnh báo nếu tình hình hiện nay tiếp diễn, đến tháng 2/2022, châu Âu có thể ghi nhận thêm khoảng 500.000 ca tử vong vì đại dịch.
Một số nước châu Âu có tỷ lệ bao phủ vaccine thấp, xuất phát từ việc một bộ phận người dân chần chừ tiêm vaccine. Nhiều nước nới lỏng các hạn chế, mở cửa trở lại trong khi người dân không thực hiện các biện pháp phòng dịch cá nhân. Thực tế đó, cùng với thời tiết mùa Đông khiến virus dễ lây lan và sự xuất hiện của các biến thể mới, khiến số ca mắc COVID-19 ở nhiều nước tăng nhanh.
Kịch bản xấu khi hệ thống y tế bị quá tải, lâm vào khủng hoảng do số bệnh nhân tăng đột biến như mùa Đông năm ngoái đang khiến giới chức châu Âu lo ngại.
Trong bối cảnh đó, giới chuyên gia cho rằng các nước cần hướng tới cách tiếp cận đồng bộ, toàn diện, áp dụng kết hợp nhiều biện pháp để tăng cường sức mạnh nhằm ứng phó hiệu quả hơn với các đợt dịch mới. Thúc đẩy tiêm vaccine vẫn là một trong những yếu tố quan trọng để ngăn chặn dịch bệnh. Nhiều nước đã tính tới việc bắt buộc tiêm vaccine hoặc áp đặt quy định nghiêm ngặt với người không tiêm phòng.
Bên cạnh vaccine, thúc đẩy phát triển thuốc điều trị COVID-19 cũng đang là một biện pháp quan trọng nhằm tăng cường hiệu quả chống dịch. Tiến sĩ William Fischer, Giám đốc phụ trách các bệnh truyền nhiễm mới tại Viện Sức khỏe toàn cầu và các bệnh truyền nhiễm thuộc Đại học North Carolina (Mỹ), nhận định thuốc điều trị COVID-19 sẽ góp phần hỗ trợ cuộc chiến chống dịch ở những nước mà nguồn cung vaccine còn hạn chế, qua đó bổ trợ cho các chiến lược chống dịch hiện tại ở các nước.
Bà Maria Van Kerkhove - nhà dịch tễ học hàng đầu về ứng phó COVID-19 của WHO, đánh giá từ nay đến cuối năm 2022, thế giới có thể kiểm soát virus, theo đó giảm đáng kể số ca bệnh nặng và tử vong... Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo rằng virus SARS-CoV-2 có khả năng biến đổi, đặc biệt là khi lây lan qua những người chưa được tiêm chủng. Hơn nữa, việc các quốc gia sớm dỡ bỏ các biện pháp hạn chế, nới lỏng giãn cách, bỏ quy định đeo khẩu trang trong khi người dân có tâm lý chủ quan, lơ là… có thể khiến những làn sóng dịch bệnh mới do biến thể gây ra tiếp tục hoành hành. Bởi vậy, WHO cho rằng “lời cảnh báo” từ châu Âu khiến cả thế giới phải chuẩn bị tâm lý sẵn sàng cho các đợt dịch mới, kết hợp nhiều biện pháp khác nhau để tăng hiệu quả phòng chống dịch.