Châu Âu đối mặt với một điều chưa từng thấy, nỗ lực rời khí đốt Nga có thành công?

Dữ liệu của Cơ sở hạ tầng khí đốt châu Âu cho thấy, dự trữ khí đốt ở châu lục đã giảm nhanh chưa từng thấy kể từ năm 2018, giảm 25% so với mức đỉnh điểm.

Hiện tại, các kho dự trữ khí đốt chỉ còn hơn 70% trên khắp châu Âu. (Nguồn: Getty Images)

Hiện tại, các kho dự trữ khí đốt chỉ còn hơn 70% trên khắp châu Âu. (Nguồn: Getty Images)

Đức ghi nhận lượng dự trữ khí đốt sụt giảm lớn nhất khi các kho đã giảm từ mức 81% xuống còn 78%, chỉ sau một tuần đầu năm mới (từ 1-7/1).

Dự trữ khí đốt của Pháp chỉ ở mức 57%, so với mức trung bình 5 năm là 75% vào thời điểm này trong năm. Các kho lưu trữ của Anh hiện có lượng khí dự trữ ở mức 55%.

Tính chung, đến thời điểm hiện tại, các kho dự trữ khí đốt chỉ còn hơn 70% trên khắp châu Âu. Theo các chuyên gia, giá khí đốt sẽ dao động quanh mức cao nhất trong hơn một năm bởi thời tiết lạnh kéo dài.

Chuyên gia Samantha Dart của Goldman Sachs cho biết, mức dự trữ vào cuối tháng 3/2025 càng thấp thì khu vực này càng khó nạp đầy kho trước mùa Đông tới.

Trong khi đó, chuyên gia Florence Schmit của Rabobank nói: "Khi những đợt lạnh giá được cảm nhận trên khắp châu Âu, các quốc gia như Đức và Italy sẽ cần khí đốt nhiều hơn. Điều này sẽ đẩy giá tăng lên".

Sáng 6/1, giá khí đốt chuẩn châu Âu TTF tại Hà Lan đã tăng lên gần 49 EUR (51 USD) mỗi megawatt-giờ (MWh), sau khi ghi nhận đà tăng đáng kể trong vài ngày gần đây. Để so sánh, vào ngày 16/12/2024, giá khí đốt TTF vẫn ở mức 40 EUR/MWh.

Nếu tính từ giữa tháng 9/2024, giá khí đốt ở châu Âu đã tăng xấp xỉ 40%. Mức giá thấp nhất của năm 2024 là hơn 29 EUR/MWh ghi nhận vào tháng 3/2024.

Nhiệt độ mùa Đông giảm xuống mức thấp và việc dòng khí đốt Nga qua Ukraine sang châu Âu chính thức ngừng chảy vào ngày 1/1 là nguyên nhân chính đẩy giá khí đốt và khiến các kho dự trữ giảm mạnh.

Theo Bloomberg, nhà cung cấp Gazprom bán lượng khí đốt trị giá khoảng 6 tỷ USD qua Ukraine trong năm 2024.

Các nhà phân tích ước tính, việc đóng cửa đường ống qua Ukraine sẽ gây ra thiệt hại tương đương khoảng 0,2% đến 0,3% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nga.

chuyên gia kinh tế tại Oxford Economics Tatiana Orlova nhận định: “Châu Âu vẫn sẽ cần khí đốt vì mọi nỗ lực thoát khỏi khí đốt Nga đều chưa thành công”.

Bà cảnh báo, các nước châu Âu có thể sẽ mua thêm khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ xứ bạch dương để bù đắp cho sự sụt giảm trong nhập khẩu khí đốt đường ống.

(theo Bloomberg)

Việt An

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/chau-au-doi-mat-voi-mot-dieu-chua-tung-thay-no-luc-roi-khi-dot-nga-co-thanh-cong-300082.html
Zalo