Châu Âu đề phòng kịch bản xung đột ngay 'ngưỡng cửa'
Châu Âu đang khuyến khích công dân chuẩn bị cho trường hợp xảy ra xung đột bằng cách cập nhật hướng dẫn sinh tồn, kêu gọi tích trữ nhu yếu phẩm và diễn tập sơ tán hàng loạt.

Châu Âu đang cảnh giác về khả năng xảy ra khủng hoảng và xung đột. Ảnh: Claudio Bresciani/TT.
Trong những tháng gần đây, một số quốc gia châu Âu đưa ra hướng dẫn sinh tồn, với thông điệp bao trùm là cần thay đổi suy nghĩ người dân nhằm sẵn sàng cho chiến tranh. "Đã đến lúc chuyển sang tư duy thời chiến", Tổng thư ký NATO Mark Rutte nói hồi tháng 12/2024.
Tâm lý này xuất hiện trong bối cảnh châu Âu lo ngại về sức mạnh của Nga cùng thái độ dửng dưng trước an ninh lục địa của đồng minh Mỹ. Tuy nhiên, CNN đặt câu hỏi về tính hiệu quả của các kế hoạch dự phòng, và liệu người dân châu Âu có chú tâm tới những hướng dẫn này không.
"Vào nhà, đóng hết cửa sổ và cửa ra vào"
Ủy ban Châu Âu kêu gọi mọi công dân tích trữ đủ thực phẩm và nhu yếu phẩm duy trì sự sống trong ít nhất 72 giờ phòng trường hợp xảy ra khủng hoảng. Trong hướng dẫn công bố hồi tháng 3, ủy ban nhấn mạnh nhu cầu thúc đẩy văn hóa "sẵn sàng" và "phục hồi" của châu Âu.
Các quốc gia khác cũng tự mình ban hành hướng dẫn cho các trường hợp khẩn cấp, trong đó có xung đột.
Tháng 6/2024, Đức cập nhật Chỉ thị Khung về Phòng thủ Toàn diện, đề cập tới những việc cần làm nếu xung đột nổ ra ở châu Âu. Tài liệu này hình dung về sự thay đổi toàn diện cuộc sống hàng ngày của công dân Đức trong chiến tranh.
Thụy Điển ban hành hướng dẫn sinh tồn có tiêu đề “Nếu xảy ra khủng hoảng hoặc chiến tranh”. Tài liệu được cập nhật lần đầu tiên sau 6 năm do "mức độ đe dọa quân sự gia tăng". Chính phủ đã phân phát cho hàng triệu hộ gia đình vào tháng 11/2024.
"Vào nhà, đóng tất cả cửa sổ và cửa ra vào, nếu có thể, hãy tắt thông gió. Hãy nghe đài phát thanh công cộng Thụy Điển Sveriges Radio, kênh P4 để biết thêm thông tin”, hướng dẫn ghi.

Ủy ban Châu Âu kêu gọi mọi công dân tích trữ đủ thực phẩm và nhu yếu phẩm duy trì sự sống trong ít nhất 72 giờ phòng trường hợp xảy ra khủng hoảng. Ảnh: Reuters.
Tài liệu đưa ra lời khuyên về nơi trú ẩn - như hầm rượu, nhà để xe và ga tàu điện ngầm - trong không kích. Nếu bị kẹt bên ngoài trời, chính phủ yêu cầu nằm trên mặt đất, "tốt nhất trong hố nhỏ hoặc mương”.
Công dân Thụy Điển cũng được cảnh báo về khả năng tấn công bằng vũ khí hạt nhân: "Núp giống khi bị không kích. Nơi trú ẩn của lực lượng phòng vệ dân sự là ổn nhất. Mức độ bức xạ sẽ giảm mạnh sau một vài ngày”.
Ngoài các mẹo sơ tán, tài liệu đề cập tới cách cầm máu, đối phó lo lắng và cách nói chuyện với trẻ em về khủng hoảng và chiến tranh.
Bộ Nội vụ cũng ban hành hướng dẫn khủng hoảng mới vào tháng 11/2024, khuyến nghị về cách chuẩn bị cho tình trạng mất điện kéo dài, mất nước, gián đoạn viễn thông, các sự kiện thời tiết khắc nghiệt và xung đột quân sự.
Hiệu quả tới đâu?
Mặc dù các quốc gia nghiêm túc cập nhật hướng dẫn bảo vệ dân thường, không rõ người dẫn sẽ chú ý tới mức nào.
Claudia Major - Phó chủ tịch cấp cao phụ trách an ninh xuyên Đại Tây Dương tại Quỹ Marshall của Đức - nhận định với một số nước, mối đe dọa hữu hình hơn. Còn có những nước chỉ coi vấn đề giao tranh khá xa vời.
Bà Major lấy ví dụ về Italy, khi nước này quan tâm đến chủ nghĩa khủng bố và bất ổn từ các quốc gia gần biên giới phía nam hơn. Còn với Anh, lần cuối nước này bị một thế lực nước ngoài xâm lược là vào năm 1066, trong khi nhiều quốc gia Tây Âu bị ảnh hưởng nặng nề từ Thế chiến II. Điều này đồng nghĩa các thế hệ hiện tại ở Anh ít có kinh nghiệm sinh tồn trong xung đột và có khả năng ít nghe theo hướng dẫn từ chính phủ.
Do đó, hiệu quả của các kế hoạch bảo vệ dân thường hiện tại chưa rõ ràng, còn trong quá khứ, người dân thậm chí còn đem ra chế giễu.

Các tập sách "Bảo vệ và Sống sót" hướng dẫn người dân Anh sống sót hậu tấn công hạt nhân trong Chiến tranh Lạnh. Ảnh: Shutterstock.
Trong nhiều thập niên thời kỳ Chiến tranh Lạnh, chính phủ Anh cung cấp thông tin bảo vệ người dân khỏi mối đe dọa hạt nhân từ Liên Xô, nổi bật nhất là chiến dịch "Bảo vệ và Sống sót'" từ năm 1974-1980. Loạt bài nhắc về mối nguy hiểm của bụi phóng xạ hạt nhân, hướng dẫn tuân theo trong những giờ hoặc ngày sau đợt tấn công hạt nhân và kế hoạch sống sót. Một tập sách nhỏ xuất bản vào tháng 5/1980 gồm các mẹo về cách xây dựng phòng tránh bụi phóng xạ tạm thời trong nhà.
Chiến dịch này trở thành chủ đề chỉ trích vì đưa ra lời khuyên không thực tế và lạc quan trước khả năng hủy diệt hạt nhân. "Bảo vệ và Sống sót" trở thành chủ đề bị chế giễu trong văn hóa đại chúng Anh suốt thời gian dài.
Theo nhà nghiên cứu Taras Young, "Bảo vệ và Sống sót" vốn là chiến dịch đa phương tiện vào những năm 1970 nhưng sẽ không công khai nếu không có khả năng xảy ra chiến tranh hạt nhân. Sau khi Thủ tướng Margaret Thatcher nắm quyền vào năm 1979, tờ báo The Times yêu cầu chính phủ xuất bản các tập sách nhỏ.
“Thông tin ra đời trong bối cảnh không có mối đe dọa lơ lửng nào cả, nên người dân đã nhìn nhận theo góc độ khác", ông Young nói. Ngược lại, ông Young cho rằng những lời khuyên hiện tại thực tế hơn, kết hợp nhiều khía cạnh tâm lý, như cách đối phó với chấn thương.