Châu Âu có thể mua vũ khí Mỹ để viện trợ Ukraine
Trang The New Voice của Ukraine đưa tin khi báo giới đặt câu hỏi về khả năng cho phép châu Âu mua vũ khí Mỹ để viện trợ Ukraine, Tổng thống Donald Trump trả lời rằng ông đồng ý.
Trước đó, Nhà Trắng cũng thúc giục các đồng minh phương Tây sắm thêm vũ khí lẫn thiết bị quân sự do Mỹ sản xuất nhằm củng cố NATO. Tuyên bố mới nhất từ Tổng thống Trump mở ra cơ hội cho Ukraine tiếp cận vũ khí Mỹ ngay cả khi nhà lãnh đạo này cắt viện trợ.

Châu Âu mua vũ khí Mỹ rồi viện trợ Ukraine có thể được cân nhắc - Ảnh: The Defense Post
Mỹ là quốc gia viện trợ cho Ukraine nhiều nhất. Nhưng Tổng thống Trump phản đối việc viện trợ quá nhiều, đồng thời muốn dùng viện trợ đổi lấy đất hiếm. Sau khi nhậm chức ông lập tức hạ lệnh ngừng tất cả viện trợ nước ngoài để rà soát xem liệu phân bổ viện trợ có phù hợp chính sách đối ngoại của ông hay không.
Vài ngày trước, lúc Tổng thống Trump tuyên bố cho phép châu Âu mua vũ khí Mỹ, Tổng thư ký NATO Mark Rutte kêu gọi giới lãnh đạo lục địa già đóng vai trò tích cực hơn trong định hình tương lai Ukraine, đề xuất ý tưởng cụ thể phục vụ nỗ lực đạt hòa bình lâu dài và đảm bảo an ninh cho Ukraine. Nguyên thủ các nước chuẩn bị nhóm họp tại Paris, không rõ họ có bàn về khả năng mua vũ khí Mỹ hay không. Thủ tướng Anh Keir Starmer mới đây còn đề xuất gửi quân đội nước này đến Ukraine như một phần của lực lượng gìn giữ hòa bình sau khi chiến tranh kết thúc.