Châu Âu báo động vì Ukraine sản xuất vũ khí 'nhanh và rẻ hơn'

Thủ tướng Đan Mạch cảnh báo châu Âu cần thay đổi quan điểm, bởi Ukraine dù đang xung đột với Nga nhưng vẫn sản xuất vũ khí 'nhanh hơn và rẻ hơn' so với bất cứ nước nào ở châu Âu.

Phát biểu tại hội nghị An ninh Munich hôm 15/2, Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen nhấn mạnh châu Âu cần tăng cường hơn nữa nỗ lực sản xuất vũ khí và hợp tác với Mỹ.

“Các bạn, chúng ta có vấn đề, khi một nước đang có xung đột lại có thể sản xuất nhanh hơn những nước còn lại. Tôi không nói chúng ta đang trong chiến tranh, nhưng chúng ta không thể nói chúng ta còn trong hòa bình. Chúng ta cần thay đổi tư duy”, Business Insider dẫn lời Thủ tướng Đan Mạch.

Ảnh: Đơn vị UAV Typhoon của Ukraine

Ảnh: Đơn vị UAV Typhoon của Ukraine

Cũng theo Thủ tướng Đan Mạch, châu Âu cần “khẩn trương” và giảm bớt pháp chế, giấy tờ hành chính để đảm bảo Ukraine “sẽ nhận được những gì họ cần, nhưng đồng thời đảm bảo khả năng tự bảo vệ mình”.

Kể từ khi xung đột với Nga bùng nổ vào tháng 2/2022, Ukraine đã tăng cường sản xuất vũ khí gồm tên lửa, pháo và máy bay không người lái (UAV). Tổng thống Volodymyr Zelensky từng cho biết 30% thiết bị quân sự mà nước này sử dụng năm 2024 là sản phẩm nội địa.

Dù Thủ tướng Frederiksen không đưa ra số liệu cụ thể, song thực tế ngành công nghiệp quốc phòng Ukraine đã chứng minh có thể sánh ngang, thậm chí vượt trội so với các nước châu Âu ở một số lĩnh vực. Điển hình, việc sử dụng rộng rãi các loại UAV trong xung đột với Nga đã chứng minh Ukraine đang dẫn đầu về sản lượng UAV. Kiev cho hay họ đã sản xuất hơn 1,5 triệu UAV góc nhìn thứ nhất (FPV) vào năm 2024.

Ngoài ra, Ukraine còn sản xuất 2,5 triệu đạn pháo và đạn cối từ tháng 1-11/2024, trong khi EU tuyên bố sẽ sản xuất khoảng 2 triệu quả đạn pháo trong năm nay.

Trên thực tế, châu Âu cũng đã tăng đáng kể chi tiêu và sản xuất quốc phòng trong những năm gần đây, nhưng các quan chức khu vực nhấn mạnh họ cần đẩy mạnh hơn nữa. Điều này được thể hiện qua chia sẻ của Bộ trưởng Quốc phòng Lithuania Dovilė Šakalienė tại Munich rằng, “châu Âu cần tăng chi tiêu quốc phòng cực nhanh và cực lớn để có thể sánh ngang với Mỹ”.

Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius cũng cho rằng, “những lời chỉ trích về việc châu Âu cần nỗ lực hơn là đúng, bởi những năm trước chúng ta đã làm rất ít”.

Cũng tại Munich, Tổng thư ký NATO Mark Rutte đã nhắc lại lời kêu gọi các thành viên châu Âu cần tăng chi tiêu quốc phòng. Theo ông, cả Mỹ và châu Âu “chưa sản xuất đủ”, bởi Nga có thể sản xuất số đạn trong 3 tháng nhiều hơn NATO làm cả năm.

Đáng nói, Tổng thống Mỹ Donald Trump từ lâu đã kêu gọi châu Âu chi thêm tiền cho quốc phòng, và thậm chí đe dọa sẽ để Nga tấn công bất cứ thành viên NATO nào, nếu như họ không đáp ứng được mức chi tiêu mà liên minh quân sự đặt ra.

Trong những năm gần đây, một số thành viên NATO đã có động thái tăng chi tiêu quốc phòng. Như trong năm 2024, Ba Lan dẫn đầu NATO trong chi tiêu quốc phòng tính theo GDP với con số 4% GDP. Mới đây, Lithuania và Estonia cũng đã cam kết tăng chi tiêu quốc phòng lên mức 5% theo đề xuất của ông Trump.

Tuy nhiên, tương lai mối quan hệ liên minh giữa Mỹ và châu Âu đang có nguy cơ rạn nứt mà không chỉ từ vấn đề chi tiêu quân sự. Bởi những ngày gần đây, nhóm của ông Trump cho hay châu Âu có thể “đứng ngoài lề” trong các cuộc đàm phán giữa Nga và Mỹ về Ukraine, và việc Ukraine có thể lấy lại các vùng lãnh thổ mà Nga đang nắm quyền kiểm soát là “phi thực tế”.

Minh Thu

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/chau-au-bao-dong-vi-ukraine-san-xuat-vu-khi-nhanh-va-re-hon-du-dang-xung-dot-2371966.html
Zalo