Châu Á - Thái Bình Dương: Cần nâng cấp lưới điện để thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng
Việc đầu tư không đầy đủ vào lưới điện đang kìm hãm các quốc gia đang phát triển ở châu Á - Thái Bình Dương trong việc nắm bắt đầy đủ lợi ích của quá trình chuyển đổi năng lượng, bao gồm tăng cường an ninh năng lượng, tạo ra hàng triệu việc làm xanh và mở rộng khả năng tiếp cận điện.

Châu Á - Thái Bình Dương được dự báo sẽ tạo ra 2/3 tăng trưởng năng lượng toàn cầu vào năm 2040. Ảnh minh họa: ADB
Đây là những phát hiện được Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đưa ra trong báo cáo “Đánh giá mức độ sẵn sàng chuyển đổi năng lượng cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang phát triển”, được công bố ngày 28/4.
Qua đó, ADB kêu gọi mở rộng khẩn cấp các lưới điện kết nối và hiện đại hóa, vừa để theo kịp nhu cầu năng lượng đang tăng, vừa để tích hợp các nguồn năng lượng tái tạo không liên tục trên toàn khu vực.
Cũng theo báo cáo nói trên, khu vực này đang đi đầu trong quá trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu. Dữ liệu mới nhất cho thấy, đầu tư năng lượng sạch vào khu vực châu Á đang phát triển đã tăng hơn 900% kể từ năm 2013, đạt 729,4 tỷ USD trong năm 2023, chiếm khoảng 45% tổng đầu tư toàn cầu.
Đây là báo cáo đầu tiên của ADB nhằm đo lường khả năng chuyển đổi hệ thống năng lượng của các quốc gia trong khu vực, được thực hiện cùng sự hợp tác với Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), và sử dụng một khuôn khổ sẵn sàng dựa trên Chỉ số chuyển đổi năng lượng của WEF.
Giám đốc cấp cao về lĩnh vực năng lượng của ADB, ông Priyantha Wijayatunga nhận định: “Việc mở rộng cơ sở hạ tầng lưới điện số hóa là điều cần thiết để tích hợp điện carbon thấp một cách liền mạch vào các hệ thống truyền tải và phát điện quốc gia”.
Về phần mình, Giám đốc Trung tâm Năng lượng và vật liệu của WEF, ông Roberto Bocca lưu ý: “Phân tích sâu rộng này nêu bật cơ hội và thách thức mà các nền kinh tế của khu vực châu Á đang phát triển phải đối mặt trong việc đáp ứng nhu cầu chuyển đổi năng lượng. Các hệ thống năng lượng đáng tin cậy, giá cả phải chăng và bền vững là chìa khóa để hỗ trợ tiến trình kinh tế của quốc gia và khu vực”.