Châu Á đối mặt với đậu mùa khỉ
Thông tin từ Bộ Y tế Philippines, tính đến ngày 15/9 nước này đã ghi nhận thêm 4 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ, nâng tổng số ca mắc của nước này lên 23 ca kể từ tháng 7/2022 đến nay.
Các trường hợp mắc đậu mùa khỉ (Mpox) mới phát hiện tại Philippines đều có kết quả dương tính với chủng clade 2, vốn được đánh giá ít nghiêm trọng hơn so với biến thể mới clade 1b đang lây lan phổ biến ở nhiều nước châu Phi. Giới chức y tế nước này nhận định có thể sẽ xuất hiện thêm nhiều ca mắc mới do các cơ quan y tế đang đẩy nhanh công tác xét nghiệm ở nhiều địa phương. Đến nay chưa ghi nhận bệnh nhân tử vong vì căn bệnh này, Philippines chưa có kế hoạch áp dụng các biện pháp kiểm soát biên giới, tuy nhiên cũng khuyến cáo người dân cẩn trọng và nhanh chóng đi khám nếu xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ.
Tuy nhiên, không chỉ Philippines mà một số quốc gia châu Á cũng đang phải tìm cách ngăn chặn sự xâm nhập của bệnh đậu mùa khỉ. Tại Ấn Độ, mặc dù mới chỉ có báo cáo về một trường hợp nghi mắc bệnh đầu mùa khỉ, song giới chức nước này vẫn nhấn mạnh các hành động y tế công cộng quan trọng cần được thực hiện để ngăn ngừa hoặc giảm thiểu rủi ro về bất kỳ trường hợp mắc bệnh hoặc tử vong nào ở trong nước do bệnh đầu mùa khỉ gây ra.
Bộ Y tế Ấn Độ cho biết, bệnh nhân đã được cách ly tại bệnh viện. Các mẫu phẩm của bệnh nhân đang được xét nghiệm để đưa ra xác nhận cuối cùng cũng như có thêm thông tin về chủng virus đậu mùa khỉ mà người này có thể nhiễm.
Ấn Độ đã gấp rút chuẩn bị các phương án nhằm đối phó với tình hình dịch bệnh đậu mùa khỉ đang lây lan trên phạm vi toàn cầu, trong bối cảnh các quốc gia láng giềng cũng đã công bố các ca nghi nhiễm.
Theo tờ The Hindu, Bộ Y tế Ấn Độ đã chọn 3 bệnh viện Ram Manohar Lohia, Safdarjung và Lady Hardinge do nhà nước quản lý có cơ sở tại Delhi để cách ly, quản lý và điều trị bệnh nhân xét nghiệm dương tính. Ngoài ra, giới chức nước này yêu cầu tất cả các bang duy trì tình trạng sẵn sàng tại các bệnh viện trong việc xử lý các trường hợp nhiễm bệnh. 32 phòng xét nghiệm trong cả nước được trang bị những thiết bị hiện đại nhất.
Tại Pakistan, Thủ tướng Shehbaz Sharif đã chỉ thị cần có các biện pháp nghiêm ngặt để giám sát và kiểm soát tình trạng lây lan của bệnh đậu mùa khỉ tại quốc gia này. Ông Sharif chỉ đạo triển khai thủ tục kiểm dịch tại các sân bay, bến tàu và biên giới một cách hiệu quả và toàn diện; yêu cầu Trung tâm Điều hành và chỉ huy quốc gia giám sát chặt chẽ và cập nhật tình hình theo ngày. Đồng thời phải bảo đảm lực lượng y tế luôn sẵn có tất cả các bộ xét nghiệm và trang thiết bị điều trị theo yêu cầu.
Với Hàn Quốc, Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (KDCA) cho rằng tình hình bệnh đậu mùa khỉ tại nước này hiện vẫn có thể kiểm soát được. Tuy nhiên, KDCA cũng đã quyết định tăng cường nỗ lực kiểm dịch và giám sát. Trong đó có việc thực hiện các biện pháp kiểm dịch tại các cổng cho các chuyến bay trực tiếp từ các quốc gia có dịch bệnh và triển khai đội ngũ bác sĩ y tế công cộng tại chỗ. Hàn Quốc đã báo cáo 10 ca mắc bệnh đậu mùa khỉ trong năm nay, giảm so với 151 ca vào năm 2023. Tất cả các trường hợp trong năm nay đều liên quan đến nam giới từ 20-40 tuổi, với 9 ca trong nước và một ca liên quan đến du lịch nước ngoài. KDCA cũng khẳng định họ có đủ lực để đối phó với bất kỳ ca mới nào.
Còn tại Trung Quốc, vaccine phòng ngừa bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên đã được phê duyệt lâm sàng. Loại vaccine này do Viện Công nghệ sinh học quốc gia Thượng Hải thuộc Tập đoàn Dược phẩm quốc gia Trung Quốc (Sinopharm) phát triển độc lập và đã nhận được thông báo thử nghiệm lâm sàng của Cục Quản lý và Giám sát dược phẩm quốc gia.
Vaccine là phương pháp hiệu quả nhất để ngăn ngừa các bệnh truyền nhiễm và rất quan trọng để kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh. Sau khi dịch bệnh đậu mùa khỉ bùng phát, các nước như Mỹ, Canada, các nước trong Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Nga… đã liên tục phê duyệt và đưa vào sử dụng vaccine đậu mùa khỉ, hỗ trợ quan trọng cho việc kiểm soát hiệu quả sự lây lan của dịch bệnh này.
Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cho biết, đã phát hành gói thầu khẩn cấp để đảm bảo việc sở hữu vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ (Mpox) cho các quốc gia phát hiện loại bệnh này. UNICEF sẽ thiết lập các thỏa thuận cung cấp có điều kiện với các nhà sản xuất vaccine. Điều này sẽ cho phép UNICEF mua và phân phối vaccine đậu mùa khỉ một cách nhanh chóng đến các quốc gia có nhu cầu và sẽ hoàn tất việc xét duyệt để đưa vào danh sách sử dụng khẩn cấp từ tuần thứ 3 của tháng 9/2024 với các thỏa thuận lên tới 12 triệu liều cho đến năm 2025. “Việc giải quyết tình trạng thiếu vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ hiện nay và cung cấp vaccine cho các cộng đồng đang cần là vô cùng quan trọng. Ngoài ra, cũng rất cần một cơ chế phân bổ phổ quát và minh bạch để đảm bảo tiếp cận công bằng với vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ” - bà Leila Pakkala, Giám đốc Bộ phận cung ứng của UNICEF, cho biết.