Châu Á: Các ngân hàng nhận cú hích lớn trong mảng quản lý tài sản khi đồng nội tệ tăng mạnh
Theo nhận định của giới ngân hàng và chuyên gia phân tích, đà tăng mạnh gần đây của các đồng tiền châu Á được dự báo sẽ thúc đẩy nhu cầu đối với các sản phẩm quản lý tài sản và ngoại hối, trong bối cảnh khách hàng tìm kiếm các kênh đầu tư thay thế cho tài sản định danh bằng USD và nhu cầu phòng ngừa rủi ro gia tăng do lo ngại về chính sách thuế quan.

Các ngân hàng nhận cú hích lớn trong mảng quản lý tài sản khi đồng nội tệ tăng mạnh
Đồng nội tệ trở thành đòn bẩy
Làn sóng tăng giá bắt đầu từ đô la Đài Loan vào tuần trước, sau đó lan rộng sang các đồng tiền khác như nhân dân tệ Trung Quốc, đô la Hồng Kông, ringgit Malaysia, đô la Singapore và won Hàn Quốc. Diễn biến này được ví như một “cuộc khủng hoảng châu Á theo chiều ngược”, đồng thời phát tín hiệu cảnh báo đối với triển vọng của bạc xanh.
“Phần lớn khách hàng của chúng tôi là người châu Á, nên khi đồng nội tệ của họ tăng giá, sức mua dành cho các sản phẩm quản lý tài sản cũng được cải thiện”, Tan Su Shan, Tổng giám đốc điều hành DBS Group - ngân hàng lớn nhất Singapore - cho biết.
Trong khi đó, Giám đốc tài chính của United Overseas Bank (UOB), Leong Yung Chee nói rằng đô la Singapore mạnh lên sẽ giúp thu hút dòng vốn vào Singapore.
Kể từ ngày 2/4, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố tăng thuế nhập khẩu, đô la Singapore đã tăng hơn 4%.
“Chúng tôi kỳ vọng sẽ tận dụng xu hướng này trong mảng quản lý tài sản dành cho khách hàng nhỏ lẻ”, ông Leong phát biểu trong buổi công bố kết quả kinh doanh của ngân hàng hôm thứ Tư.
Những kỳ vọng đó phản ánh hệ quả mà chính sách thương mại của Tổng thống Trump đang thúc đẩy các nhà đầu tư dịch chuyển dòng vốn ra khỏi tài sản Mỹ và chuyển sang các thị trường châu Á, trong bối cảnh ngày càng có nhiều nghi ngờ về vai trò trú ẩn an toàn của đồng USD.
Theo giới phân tích, bạc xanh suy yếu có thể làm giảm sức hấp dẫn của các tài sản thu nhập cố định (fixed-income) tại Mỹ, vốn là lựa chọn phổ biến của khách hàng có nhu cầu quản lý tài sản tại châu Á, đồng thời khuyến khích họ đầu tư vào tài sản định danh bằng nội tệ.
Xu hướng hoàn lưu dòng vốn về châu Á sẽ tiếp tục củng cố vị thế của khu vực này như một trung tâm tài chính toàn cầu đang lên.
Dựa trên Báo cáo Tài sản 2025 của Knight Frank công bố hồi tháng 3, từ năm 2025 đến 2028, gần một nửa số cá nhân siêu giàu mới - những người sở hữu trên 10 triệu USD tài sản - sẽ đến từ châu Á.
Ông Michael Makdad, chuyên gia phân tích cấp cao tại Morningstar nhận định rằng các biến động tiền tệ gần đây chưa tác động đáng kể đến tâm lý nhà đầu tư. Tuy nhiên về dài hạn, xu hướng tỷ giá có thể ảnh hưởng đến quyết định phân bổ danh mục, đặc biệt là khi các khoản đầu tư được rút khỏi tài sản Mỹ.
Tại Đài Loan, một phần lớn tài sản tài chính hộ gia đình được phân bổ vào các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ, vốn đầu tư nhiều vào tài sản định danh bằng USD. Việc đồng đô la Đài Loan tăng 8% chỉ trong hai ngày đã gây chấn động cho toàn bộ lĩnh vực này.
“Nếu các công ty bảo hiểm nhân thọ tại Đài Loan gặp khó khăn trong việc tạo ra lợi suất hấp dẫn từ trái phiếu Mỹ, đây sẽ là cơ hội để các ngân hàng mở rộng cung cấp các giải pháp quản lý tài sản thay thế”, ông Makdad nhận định.
Gió xuôi và gió ngược
Theo ông Christopher Beddor, Phó Giám đốc nghiên cứu Trung Quốc tại Gavekal Dragonomics, các doanh nghiệp xuất khẩu Trung Quốc đã tích lũy một lượng lớn tài sản định danh bằng USD, xuất phát từ kỳ vọng đồng nhân dân tệ sẽ suy yếu.
Tuy nhiên, nếu kỳ vọng tỷ giá thay đổi và chênh lệch lãi suất giữa Mỹ và Trung Quốc thu hẹp, sẽ có một lượng vốn đáng kể có thể được chuyển ngược về các tài khoản ngân hàng Trung Quốc bằng nhân dân tệ, ông nói và thêm rằng: “Chúng ta chưa đến thời điểm đó, nhưng đây là điều luôn hiện hữu trong tâm trí nhiều nhà đầu tư”.
Bên cạnh đó, biến động tỷ giá ngày càng lớn được dự báo sẽ thúc đẩy nhu cầu đối với các dịch vụ ngoại hối của các ngân hàng trong khu vực. Dù vậy, việc đồng nội tệ tăng giá có thể làm giảm sức cạnh tranh xuất khẩu của khách hàng doanh nghiệp, điều khiến các ngân hàng thận trọng.
“Đây là yếu tố vừa tạo thuận lợi, vừa mang lại thách thức”, bà Tan của DBS cho biết.
“Đồng tiền mạnh lên ảnh hưởng đến khả năng xuất khẩu và cấu trúc chi phí. Do đó, tác động sẽ khác nhau tùy thuộc vào việc doanh nghiệp là nhà xuất khẩu ròng hay nhập khẩu ròng”, bà nói thêm.
Tại Nhật Bản, các ngân hàng cũng có thể được hưởng lợi khi các doanh nghiệp tìm kiếm giải pháp phòng ngừa rủi ro tỷ giá vượt ra ngoài các chiến lược truyền thống.
Theo ông Noriaki Masuda, Phó trưởng phòng ngân hàng giao dịch tại Mitsubishi UFJ Bank, các công ty Nhật Bản từ trước đến nay thường chỉ sử dụng chiến lược phòng hộ đơn giản là bán USD mua JPY. Tuy nhiên, áp lực từ các chính sách thuế quan đang khiến họ xem xét sử dụng thêm các công cụ phái sinh khác.
“Biến động mạnh của tỷ giá sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận doanh nghiệp”, ông Masuda nói đồng thời dự báo: “Có thể sẽ xuất hiện những trường hợp doanh nghiệp buộc phải tái cấu trúc hệ thống phân phối hoặc điều chỉnh giá bán”.