Chuyên gia dự đoán cách Nga ứng phó với tình trạng giá dầu thấp
Giá dầu thấp sẽ gây ảnh hưởng nặng nề cho ngân sách Nga, chính vì vậy Moskva cần có bước đi phù hợp để vượt qua thời kỳ khó khăn.

Khi tìm cách gây sức ép lên Nga, Mỹ đặc biệt chú trọng vào việc tạo ra mức giá dầu thấp, chỉ 3 ngày sau khi nhậm chức, Tổng thống Donald Trump đã có động thái đề nghị các quốc gia thuộc tổ chức OPEC tăng sản lượng.

Tại thời điểm nói trên, giá dầu Ural của Nga là 71 USD/thùng, hiện tại con số này đã giảm xuống quanh mức 50 USD. Trong khi đó Nga quy định mức giá dầu thô 60 USD/thùng là giới hạn để bổ sung vào Quỹ phúc lợi quốc gia.

Cụ thể, nếu giá dầu thô vượt quá con số 60 USD/thùng, khoản chênh lệch sẽ được gửi vào Quỹ phúc lợi quốc gia, còn nếu giá thấp hơn, nhà nước sẽ bán tài sản của Quỹ để hỗ trợ tỷ giá hối đoái của đồng rúp.

Những gì xảy ra hiện nay, sau động thái quyết liệt từ ông Trump nhiều khả năng dẫn đến tình trạng thiếu hụt trong ngân sách Nga. Ước tính vào năm 2025, thâm hụt ngân sách sẽ tăng gấp 3 lần, lên mức 3,79 nghìn tỷ rúp và doanh thu theo kế hoạch sẽ giảm 2 nghìn tỷ rúp.

Moskva có thể bù đắp thâm hụt bằng cách hạ tỷ giá hối đoái của đồng nội tệ xuống mức 115 - 120 rúp đổi 1 đô la, hoặc tiếp tục bán tài sản từ Quỹ Phúc lợi Quốc gia, dẫn đến việc giới chuyên gia dự đoán trong năm nay, quy mô của Quỹ sẽ giảm 800 tỷ rúp.

Tuy nhiên động thái quyết liệt từ chính quyền Washington không phải là lý do duy nhất khiến giá dầu thế giới giảm mạnh và gây áp lực lên nền kinh tế Nga.

Cựu nghị sĩ Verkhovna Rada (Quốc hội đơn viện của Ukraine) - ông Oleg Tsarev trong một bài viết trên kênh Telegram của mình nhận xét: "Tôi nghĩ giá dầu giảm mạnh không phải vì ông Trump lên kế hoạch thực hiện một chiến lược kinh tế đặc biệt nhằm chống lại Nga".

"Tình trạng hiện nay phần lớn đến từ việc gia tăng sản lượng của OPEC theo kế hoạch đã định sẵn, điều này đã được xác nhận từ đầu tháng 5 cũng như cuộc chiến thuế quan của Mỹ đối với Trung Quốc".

Điều này dẫn đến thực tế là giá dầu giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2021, Tổng thống Trump tin rằng những gì đang xảy ra là thành tựu của ông, do vậy nhiều khả năng Washington sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách nói trên.

"Câu hỏi lớn nhất hiện nay đó là giá dầu sẽ còn rẻ được bao lâu. Nếu mức giá thấp tiếp tục cho đến cuối năm 2025 và kéo dài tiếp sau đó, sẽ chẳng thể giả vờ như điều này không trở thành vấn đề lớn đối với nền kinh tế Nga", chuyên gia phân tích người Ukraine cho biết.

Trong khi đó theo ghi nhận hiện tại, phần thanh khoản của Quỹ phúc lợi quốc gia Liên bang Nga hiện ở mức 3,4 nghìn tỷ rúp, chỉ bằng một nửa so với thời điểm tháng 1/2022, trước khi chiến tranh bùng nổ.

"Có một lựa chọn khác để cắt giảm chi phí trong tình trạng giá dầu thấp như hiện nay, tất nhiên không phải thông qua việc trả lương cho quân đội, bác sĩ... mà thông qua việc cắt giảm chi tiêu cho các dự án quốc gia đầy tham vọng".

"Tuy vậy khả năng Ngân hàng Trung ương Nga sẽ đưa ra bước đi nhằm ngừng kiềm chế lạm phát bằng đồng rúp mạnh vẫn có vẻ là phương án khả thi hơn", ông Tsarev kết luận.

Giá dầu trong thời gian tới chỉ có thể phục hồi nếu tình hình sản xuất toàn cầu khởi sắc, nếu các quốc gia bị áp thuế đối ứng đạt được thỏa thuận với Washington, đây là hy vọng rất lớn của Nga.