Chất lượng của cán bộ là yếu tố quyết định
Cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy được lãnh đạo, chỉ đạo nhất quán, quyết liệt của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương (T.Ư), kết quả đến nay đã nhìn nhận rõ nét bước đầu. Tuy nhiên, bộ máy nhà nước muốn vận hành hiệu quả thì vấn đề con người vẫn là yếu tố quyết định. Tức là đi cùng với tinh gọn bộ máy thì cần phải chọn được những người đứng đầu có tài đức thực sự, đặc biệt là những người đứng đầu Bộ, ban, ngành sau khi sáp nhập.
Chính phủ dự kiến giảm 12 tổng cục, 500 cục
Thời điểm này cả nước đang tập trung cao độ để hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ chính trị năm 2024, đồng thời vừa tiến công vào cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy. Cuộc cách mạng này không chỉ tinh gọn về bộ máy, mà còn giải phóng về tư tưởng để tất cả chúng ta cùng thay đổi cho một tương lai tốt đẹp hơn của đất nước. Nhất là thay đổi về tư duy, tầm nhìn, nhận thức và đặc biệt cải cách, đổi mới phát triển, phát huy tốt nhất nhân tố con người nhằm thúc đẩy lực lượng sản xuất, đưa đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới.
Phấn đấu có đội ngũ cán bộ tâm huyết vì nước, vì dân, vì sự nghiệp của Đảng, không thể coi vào cơ quan Nhà nước để an phận có lương đến tuổi về hưu. Để đạt được điều này cần phải có tư duy rất mới nếu không làm được như thế thì không đạt yêu cầu vì hành động của chúng ta là phục vụ đất nước, phục vụ Nhân dân, vì sự nghiệp của Đảng.
Tổng Bí thư Tô Lâm
Chỉ sau một thời gian ngắn với phương châm T.Ư làm trước, địa phương làm sau, T.Ư không chờ tỉnh, tỉnh không chờ huyện, huyện không chờ xã, cuộc cách mạng sắp xếp tinh gọn bộ máy được lãnh đạo, chỉ đạo nhất quán, quyết liệt của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành T.Ư, nhất là Tổng Bí thư Tô Lâm- người đứng đầu Đảng ta và các cơ quan tham mưu đã rất chủ động, quyết tâm, chỉ đạo đồng bộ trong cả hệ thống. Kết quả đến nay đã nhìn nhận rõ nét bước đầu.
Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Chính phủ đang tập trung triển khai nhiệm vụ liên quan tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XII về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả (Nghị quyết 18); Đề án sáp nhập, hợp nhất, điều chuyển chức năng, nhiệm vụ, tổ chức, bộ máy trong khối Chính phủ. Cùng với đó là đồng bộ ban hành nhiều văn bản liên quan để đảm bảo triển khai kịp thời khi tổ chức sắp xếp bộ máy trong hệ thống Chính phủ.
“Sơ bộ đến thời điểm này, cơ cấu bộ máy Chính phủ dự kiến giảm 5 Bộ, 4 cơ quan ngang Bộ và 5 cơ quan của Chính phủ; giảm 12/13 tổng cục và tương đương; giảm 500 cục và tương đương thuộc Bộ, tổng cục; giảm 177 vụ thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ và tương đương; giảm 190 đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ và các cơ quan trong Bộ” - Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà thông tin.
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cũng cho biết, Bộ Nội vụ đã hoàn thành toàn bộ báo cáo tổng kết Nghị quyết 18; Đề án sáp nhập, hợp nhất, điều chuyển chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và các văn bản liên quan cùng Đề án kết thúc hoạt động Ban cán sự đảng, thành lập Đảng bộ Chính phủ, Đảng bộ Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ. Sau khi sắp xếp thu gọn đầu mối, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, về cơ bản khắc phục được những vấn đề còn giao thoa hiện nay. “Các tổ chức sau khi sắp xếp, hợp nhất giảm từ 35-40% đầu mối, các tổ chức còn lại sắp xếp bên trong giảm tối thiểu 15%. Bộ Nội vụ đang tham mưu hoàn thiện toàn bộ các báo cáo, đề án liên quan trình Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo T.Ư vào ngày 25/12/2024” - lãnh đạo Bộ Nội vụ cho biết.
Đối với Quốc hội, tại Phiên họp thứ hai của Ban Chỉ đạo về tổng kết thực hiện Nghị quyết 18 tại các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, Trưởng Ban Công tác đại biểu, Phó Trưởng Ban Tổ chức T.Ư Nguyễn Thanh Hải cho biết, sau khi sáp nhập, tinh gọn, dự kiến số đầu mối các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các vụ, đơn vị của Văn phòng Quốc hội sẽ giảm trên 30%.
Cũng tại cuộc họp này, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn thông tin: Dự kiến, tháng 02/2025, sau khi Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XIII họp, Quốc hội sẽ tiến hành Kỳ họp bất thường lần thứ 9 để thảo luận, quyết định về cơ cấu tổ chức bộ máy của các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan của Chính phủ sau khi sắp xếp; sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương...; cho ý kiến, quyết định một số vấn đề quan trọng khác liên quan đến sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
Cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, đổi mới mạnh mẽ công tác tuyển dụng
Với tinh thần T.Ư làm trước, các tỉnh, huyện làm theo đã thể hiện rõ vai trò gương mẫu và dẫn dắt của các cơ quan đứng đầu trong cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy. Nhưng thành công của chủ trương này cũng còn phụ thuộc rất lớn vào cách triển khai. Nếu chỉ tập trung giảm số lượng mà không chú trọng chất lượng và tính hiệu quả thì không những không đạt được mục tiêu mà còn gây ra những bất ổn không đáng có. Bởi, một bộ máy nhà nước muốn vận hành hiệu quả thì vấn đề con người trong bộ máy đó vẫn là yếu tố quyết định. Tức là đi cùng với tinh gọn bộ máy thì cần phải chọn được những người đứng đầu có tài đức thực sự, nếu không công cuộc cải cách bộ máy sẽ còn gặp nhiều lực cản.
Nhiều ý kiến nhận định, việc sáp nhập các Bộ, ngành như hiện nay là chủ trương đúng đắn, nhưng cần trả lời được các câu hỏi như: Người đứng đầu các cơ quan mới là ai, có đủ tài đức, tầm nhìn chiến lược để lãnh đạo ngành tốt hay không? Bởi vì, một cơ quan, một tổ chức có điều hành sáng suốt công vụ hay không, ngoài thể chế thì tùy thuộc rất nhiều vào người đứng đầu. Muốn đạt được mục tiêu này thì phải xóa bỏ được nạn “chạy chọt”, khắc phục được cơ chế “xin - cho” trong đề bạt, bổ nhiệm và phải có tiêu chí để chọn được người tài vào hệ thống. Có thực tế ở một số đơn vị do người đứng đầu yếu kém về trình độ chuyên môn, không có năng lực lãnh đạo đã khiến nhiều người rời khỏi khu vực công. Do vậy, quá trình tinh gọn bộ máy phải hết sức lưu ý vấn đề này.
Tại Hội nghị tổng kết ngành Tổ chức xây dựng Đảng diễn ra sáng 16/12, Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu, tiếp tục tập trung xây dựng bộ máy chính trị tinh gọn hoạt động hiệu năng, hiệu quả, trong đó vai trò của người đứng đầu cấp ủy là vô cùng quan trọng. Mục tiêu của tinh gọn bộ máy là giúp bộ máy hoạt động trơn tru, ít người nhưng vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đạt chất lượng, hướng đến yêu cầu cao nhất là tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp và người dân.
Tổng Bí thư cũng đề nghị, khẩn trương rà soát các quy định của Đảng, sửa đổi bổ sung, ban hành các quy định mới về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, mối quan hệ công tác, quy chế làm việc của cấp ủy các cơ quan, đơn vị bảo đảm thống nhất, đồng bộ từ T.Ư đến cơ sở. Từng cấp, từng ngành cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, đổi mới mạnh mẽ công tác tuyển dụng, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ, có cơ chế thu hút người tài; đồng thời đưa những cán bộ không đủ năng lực, phẩm chất ra khỏi bộ máy, cơ quan Nhà nước, hệ thống chính trị…
Với quyết tâm chính trị cao của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư Tô Lâm, cán bộ, đảng viên và Nhân dân tin tưởng rằng, công cuộc tinh gọn tổ chức bộ máy lần này sẽ là một cuộc cách mạng đúng nghĩa với sự thay đổi về chất, góp phần xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, vì Nhân dân phục vụ, vì sự phát triển của đất nước./.