Chất chữa cháy màu hồng trong cháy rừng Los Angeles là gì, có nguy hại không?

Máy bay cứu hỏa đang nỗ lực dập tắt các đám cháy rừng dữ dội tại khu vực Los Angeles bằng cách thả hàng trăm nghìn lít chất chữa cháy màu hồng rực xuống phía trước các đám cháy, nhằm ngăn lửa lan rộng và phá hủy thêm nhiều khu dân cư.

Các cơ quan cứu hỏa, bao gồm Cal Fire, Cục Lâm nghiệp Mỹ, và Vệ binh Quốc gia, đã triển khai nhiều máy bay để thả chất chữa cháy, một công cụ quan trọng trong việc kiểm soát đám cháy.

Chất chữa cháy, theo giáo sư Daniel McCurry từ Đại học Nam California, là hỗn hợp nước, amoni photphat (phân bón) và oxit sắt. Hợp chất tạo màu hồng rực giúp dễ dàng nhận diện khu vực đã được xử lý. Hợp chất hoạt động bằng cách giảm oxy trong đám cháy, làm chậm tốc độ cháy và tạo lớp phủ bảo vệ trên thảm thực vật, ngăn ngọn lửa lan xa hơn.

 Một máy bay chữa cháy đang thả chất chống cháy gần đám cháy Palisades ở California vào ngày 7/1. Ảnh: GI

Một máy bay chữa cháy đang thả chất chống cháy gần đám cháy Palisades ở California vào ngày 7/1. Ảnh: GI

Perimeter, công ty cung cấp chất chữa cháy cho các cơ quan cứu hỏa, giải thích rằng phốt phát trong hỗn hợp làm thay đổi cách phân hủy xenlulo trong thực vật, khiến chúng khó bắt lửa hơn. Điều này giúp kiểm soát ngọn lửa trước khi đội cứu hỏa mặt đất tiếp cận.

Chất chữa cháy được đánh giá là công cụ vô giá trong việc dập tắt cháy rừng nhưng không phải không có hạn chế. Gió mạnh có thể khiến việc bay ở độ cao thấp – cần thiết để thả chất chữa cháy chính xác – trở nên nguy hiểm. Ngoài ra, gió cũng làm chất chữa cháy phân tán trước khi tiếp đất, làm giảm hiệu quả.

Bên cạnh đó, Cơ quan Lâm nghiệp Mỹ cấm sử dụng chất chữa cháy ở các khu vực gần tuyến đường thủy và môi trường sống của các loài có nguy cơ tuyệt chủng, trừ khi có tình huống đe dọa tính mạng con người. Lý do là chất chữa cháy có thể ảnh hưởng tiêu cực đến động vật hoang dã, đặc biệt là cá và các loài sống dưới nước.

Dù được coi là an toàn với con người, chất chữa cháy vẫn gây lo ngại về tác động lâu dài đến môi trường. Nghiên cứu của giáo sư McCurry cho thấy một số chất chữa cháy thường dùng có thể chứa kim loại nặng như crom và cadmium – các chất này có nguy cơ làm ô nhiễm nguồn nước sau khi cháy rừng được dập tắt.

Ông cảnh báo rằng các kim loại này có thể gây ra những biến đổi không mong muốn trong hệ sinh thái nếu không được kiểm soát chặt chẽ.

Perimeter phản bác rằng nghiên cứu trên dựa trên công thức cũ không còn được sử dụng tại California và khẳng định các sản phẩm hiện tại đáp ứng tiêu chuẩn an toàn nghiêm ngặt. Công ty cũng nhấn mạnh rằng kim loại nặng có trong chất chữa cháy chỉ là dấu vết tự nhiên từ phân bón amoni photphat.

Việc sử dụng chất chữa cháy là bắt buộc để đối phó với các đám cháy rừng ngày càng tàn khốc, gây nguy hiểm không chỉ cho tài sản mà còn cho sức khỏe con người.

Khói từ cháy rừng chứa các hạt vi mô độc hại có thể xâm nhập sâu vào phổi và máu, gây ra các vấn đề hô hấp, tim mạch và thậm chí ảnh hưởng đến sức khỏe não bộ. Một nghiên cứu của Hiệp hội Alzheimer cho thấy khói cháy rừng gây hại cho não bộ nhiều hơn các loại ô nhiễm không khí khác, làm tăng nguy cơ mắc chứng mất trí.

Edward Goldberg, phó chủ tịch Perimeter, khẳng định rằng việc sử dụng chất chữa cháy là cách tốt nhất để cứu người, bảo vệ cộng đồng và giảm thiểu rủi ro từ cháy rừng. Giáo sư McCurry đồng tình với quan điểm này, dù ông nhấn mạnh cần thêm nghiên cứu để hiểu rõ hơn các tác động môi trường và sức khỏe của chất chữa cháy.

"Nếu một đám cháy rừng sắp xảy ra gần nhà tôi, tôi vẫn muốn máy bay thả thật nhiều chất chữa cháy để bảo vệ gia đình và cộng đồng mình", ông McCurry chia sẻ.

Hoài Phương (theo AP, NYT, The Star)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/chat-chua-chay-mau-hong-trong-chay-rung-los-angeles-la-gi-co-nguy-hai-khong-post330368.html
Zalo