Chấp nhận đứng ngoài cuộc đua ngoại binh

Giải bóng chuyền vô địch quốc gia 2025 tiếp tục là sân chơi của các cầu thủ ngoại khi hiện tại, hầu hết các đội đều chú trọng tăng cường sức mạnh bằng cầu thủ nước ngoài. Riêng bóng chuyền nam Hà Nội vì nghèo nên vẫn chấp nhận đứng ngoài cuộc.

Khi 15/16 đội tìm đến cầu thủ ngoại

Cho đến lúc này, từ những động thái trên thị trường chuyển nhượng trước Giải bóng chuyền vô địch quốc gia 2025 cho thấy, có tới 15/16 đội nam, nữ dự giải đều xúc tiến việc thuê cầu thủ ngoại. Việc thuê cầu thủ ngoại cũng linh hoạt về thời gian, chủ yếu trong thời gian lượt đi của giải trước khi tính đến các phương án tiếp theo.

Cầu thủ người Thái Lan Kittithad Nuwaddee (10) từng nhiều lần góp mặt ở Giải bóng chuyền vô địch quốc gia tại Việt Nam.

Cầu thủ người Thái Lan Kittithad Nuwaddee (10) từng nhiều lần góp mặt ở Giải bóng chuyền vô địch quốc gia tại Việt Nam.

Đây cũng là điều phù hợp với tiềm lực và nhu cầu của nhiều CLB. Bởi đơn giản chỉ thuê cầu thủ ngoại trong vòng một tháng cũng tốn vài trăm triệu đồng, thậm chí cả tỷ đồng. Cho nên, nhiều CLB cũng chỉ có thể thuê cầu thủ ngoại trong ngắn hạn. Hết thi đấu là chia tay nhau rồi đến kỳ thi đấu tiếp theo lại tìm đến nhau.

Cũng từng có nhiều ý kiến về việc thuê cầu thủ ngoại sẽ khiến CLB tốn kém nguồn lực. Rồi việc các cầu thủ này thi đấu trong thời gian ngắn cũng không đủ để các cầu thủ nội khác, nhất là cầu thủ trẻ, kịp học hỏi. Không kể, nguồn lực thuê cầu thủ ngoại hoàn toàn có thể để đầu tư cho đào tạo trẻ hay các mảng khác cho cầu thủ nội trong đội.

Nhưng đúng là vấn đề nào cũng có hai mặt. Các CLB cần thành tích, giải vô địch quốc gia cần hấp dẫn hơn để thu hút khán giả, tài trợ. Trong khi đó, chính khán giả cũng có nhu cầu thưởng thức bóng chuyền đỉnh cao từ màn trình diễn của nhiều cầu thủ ngoại mà họ thường chỉ nhìn thấy trên ti vi hay các nền tảng mạng xã hội khác. Không kể, nhiều CLB cũng có đủ nguồn lực để vừa lo cho cầu thủ nội vừa có thể thuê cầu thủ ngoại.

Trong khi đó, sau một thời gian nói “không” với cầu thủ ngoại tại hệ thống thi đấu quốc gia, Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam cũng đã có điều chỉnh bằng việc cho phép cầu thủ ngoại trở lại Giải bóng chuyền vô địch quốc gia từ năm 2022. Số lượng cầu thủ ngoại tại mỗi đội bóng và được thi đấu trên sân không chiếm tỷ lệ lớn, đủ để mang đến sự hấp dẫn, mởi mẻ, phục vụ nhu cầu giải trí của khán giả cũng như giúp các đội nâng chất về chuyên môn cho cầu thủ nội và cho chính CLB. Năm 2024, đội nữ VTV Bình Điền Long An và nam Biên Phòng lên ngôi vô địch quốc gia đều có ngoại binh trong đội hình.

Đến mùa giải 2025 này, theo điều lệ giải bóng chuyền vô địch quốc gia, mỗi đội được đăng ký tối đa 2 ngoại binh và chỉ 1 cầu thủ ngoại được vào thi đấu.

Với điều lệ như vậy, nhiều đội bóng đã xúc tiến và chọn được ngoại binh phù hợp. Đa số ngoại binh đều tới Việt Nam vào đầu tháng 3 để cùng đội bóng dự các giải tập huấn trước mùa giải vô địch quốc gia 2025.

Trong 16 đội nam, nữ dự giải năm nay, như thường lệ, đội nam Hà Nội vẫn là đội bóng duy nhất không có ngoại binh tại giai đoạn thứ nhất. Trưởng bộ môn bóng chuyền-bóng rổ (Trung tâm Huấn luyện và thi đấu TDTT Hà Nội) Bùi Đình Lợi cho biết: “Chúng tôi tiếp tục không có ngoại binh tại giai đoạn thứ nhất của Giải vô địch quốc gia 2025. Đội bóng sẽ tập trung hoàn toàn vào các cầu thủ nội”.

Chuyện bất đắc dĩ kéo dài

Trước thềm Giải vô địch quốc gia 2025, khi được hỏi về việc có muốn thuê cầu thủ ngoại hay không thì Trưởng bộ môn bóng chuyền-bóng rổ Hà Nội Bùi Đình Lợi thẳng thắn rằng rất muốn thuê. Ông Lợi bảo rằng, cầu thủ ngoại đang mang đến sự khác biệt rõ ràng ngay giữa các đội bóng có thuê ngoại binh. Còn so với những đội không thuê ngoại binh thì điều này càng thấy rõ.

Vấn đề của đội bóng chuyền Hà Nội từ nhiều năm nay vẫn là nguồn lực để thuê cầu thủ ngoại. Đội bóng với toàn cầu thủ cây nhà lá vườn, hoạt động chủ yếu bằng nguồn ngân sách của thành phố cấp cho ngành Thể thao Hà Nội. Với nguồn kinh phí không dồi dào, chỉ đủ vận hành ở mức tối thiểu so với mặt bằng chung của bóng chuyền chuyên nghiệp Việt Nam, đương nhiên đội nam Hà Nội đành đứng ngoài cuộc thuê cầu thủ ngoại. Thậm chí, muốn chiêu mộ cầu thủ nội chất lượng cao cũng khó. Trong khi ấy, thu nhập và thưởng của đội nam Hà Nội cũng thua xa nhiều đội bóng chuyền khác cùng hạng đấu.

Vậy mà với nguồn cầu thủ nội tự đào tạo, trong những mùa gần đây, đội nam Hà Nội vẫn trụ lại ở giải vô địch quốc gia. Nói như những người hiểu chuyện, điều đó giống như việc đội bóng này giành chức vô địch vậy.

Thực tế, việc các đội bóng chuyền nam, nữ Hà Nội khó tìm nguồn tài trợ cũng là nghịch lý mà người trong cuộc cũng khó lý giải. Thương hiệu tốt, nguồn cầu thủ tốt nhưng có lẽ cách tiếp cận các nhà tài trợ và cơ chế để hợp tác với nhà tài trợ không đủ để thuyết phục được đối tác. Cũng vì vậy, nhiều mùa nay, bóng chuyền nam, nữ Hà Nội vẫn gắn với danh phận “nhà nghèo”. Đến mùa này, khi mọi việc chưa tiến triển, những người có trách nhiệm với đội cũng chỉ có thể trông chờ vào việc Liên đoàn Bóng chuyền Hà Nội ra đời vào thời gian tới, dự kiến cuối tháng 2 này hoặc trong tháng 3/2025 để có thể “bớt nghèo”, có nguồn lực để hỗ trợ cầu thủ, thuê ngoại binh cũng như cầu thủ nội từ nơi khác. Để từ đó, có thể đua tranh sòng phẳng với các đội khác ở Giải vô địch quốc gia, để lấy lại vị thế cho bóng chuyền Hà Nội như cách đội nam Bưu điện Hà Nội trước đây từng làm được...

Cầu thủ ngoại và những con số biết nói

Tại Giải bóng chuyền vô địch quốc gia năm 2023, trong 20 đội nam, nữ tham dự chỉ có 3 đội nam không thuê ngoại binh là VLXD Bình Dương, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Tới Giải bóng chuyền vô địch quốc gia năm 2024 có 18 đội nam, nữ thì chỉ có 2 đội không thuê ngoại binh, chính là đội nam, nữ Hà Nội. (Minh Khuê)

Minh Hà

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/tieu-diem-van-hoa/chap-nhan-dung-ngoai-cuoc-dua-ngoai-binh-i759591/
Zalo