Chấp hành Nghị định 168 từ góc nhìn đạo đức xã hội

Nghị định 168 đi vào cuộc sống trong thời gian ngắn nhưng tác dụng thì vượt bậc về mặt thời gian. Ý thức, hành vi của người dân đã sớm hình thành ở giai đoạn tự giác, tự nguyện làm, muốn làm, tự nhắc nhở nhau làm, không cần chịu sự thúc ép của lực lượng chức năng. Đó là một sự chuyển biến về mặt đạo đức xã hội có ý nghĩa rất quan trọng.

Tính tự giác khi tham gia giao thông của người dân tốt hơn sau khi có Nghị định 168. Ảnh minh họa

Tính tự giác khi tham gia giao thông của người dân tốt hơn sau khi có Nghị định 168. Ảnh minh họa

Thời gian đầu thực thi Nghị định 168/2024/NĐ-CP (được ký ban hành ngày 26/12/2024, hiệu lực thi hành từ 1/1/2025) về “Quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe”, đã có nhiều dư luận xã hội khác nhau. Đa phần ủng hộ pháp luật phải nghiêm để bảo vệ nền tảng đạo đức xã hội. Nhưng cũng không ít những ý kiến băn khoăn cho rằng Nghị định mới ban hành chưa kịp tuyên truyền đã xử phạt; hoặc có ý kiến mức xử phạt quá cao sẽ khó cho người có thu nhập thấp nếu lỡ vi phạm khi tham gia giao thông; hạ tầng giao thông còn yếu kém, không nên phạt xe máy chạy trên vỉa hè...

Các phần tử xấu nhân dịp này ra sức xuyên tạc, kích động, cho rằng xử phạt vậy như cướp tiền của dân; dùng những hình ảnh cắt ghép, sai sự thật để bôi xấu lực lượng chức năng... Nhờ dân trí ngày càng cao nên những luận điệu tuyên truyền xuyên tạc cũ rích đó không thể lung lạc được niềm tin của Nhân dân.

ĐẠO ĐỨC QUYẾT ĐỊNH Ý THỨC TỰ GIÁC KHI THAM GIA GIAO THÔNG

Không phải bất cứ ai khi ra đường cũng hiểu: Vi phạm pháp luật về giao thông chính là vi phạm đạo đức xã hội, cho dù cố tình hay vô tình, lỗi vi phạm nặng hay nhẹ. Vì thế, một số người thản nhiên vi phạm các quy định của pháp luật khi tham gia giao thông, bất chấp quy tắc, luật lệ, chuẩn mực đạo đức xã hội.

Hiểu về đạo đức xã hội và pháp luật là cơ sở để nhận thức, thay đổi hành vi, nâng cao hơn nữa tính tự giác chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn giao thông, coi đó là ý thức đạo đức xã hội và đạo đức mỗi cá nhân.

Ra đời cùng với sự tồn tại và phát triển của xã hội loài người từ cộng sản nguyên thủy cho đến ngày nay, đạo đức là cái gốc, là nền tảng để xã hội tồn tại, phát triển ngày càng hoàn thiện, trở thành xã hội văn minh, hiện đại. Đạo đức biểu hiện dưới dạng tập hợp các nguyên tắc, quy tắc, các chuẩn mực xã hội, các giá trị định hướng, điều chỉnh hành vi của con người và đánh giá cách ứng xử của con người trong quan hệ với nhau và quan hệ với xã hội, với thiên nhiên, chúng được thực hiện bởi niềm tin cá nhân, bởi truyền thống và sức mạnh của dư luận xã hội.

Theo lẽ tự nhiên, để cùng tồn tại trong xã hội, mỗi con người thường tự phát ý thức về hành động, cách ứng xử của mình trong các mối quan hệ. Tuy nhiên, do tính cách và phản ứng nhận thức của mỗi cá nhân không đồng nhất về hành vi, không gian và thời gian nên yêu cầu cần phải chuẩn hóa thành các nguyên tắc, quy tắc, chuẩn mực chung, thống nhất. Từ đó, pháp luật của nhà nước ra đời; các nguyên tắc, quy tắc, chuẩn mực mà xã hội thừa nhận sẽ được pháp luật hóa, bắt buộc mọi người phải tuân theo để bảo vệ sự tồn vong và các giá trị đạo đức xã hội.

Đây là quá trình tất yếu mà ngày nay, các quốc gia từ chậm phát triển, đang phát triển hay phát triển đều phải xác định những giá trị chuẩn mực đạo đức xã hội và luật hóa nó lên thành luật, đạo luật để tổ chức thực thi, quyết định sự ổn định và phát triển xã hội. Một xã hội được hình thành có bản sắc văn hóa, dân trí và tri thức cao thì mọi hoạt động của xã hội ấy đều có hiệu quả tốt. Ngược lại, một xã hội kém văn minh, đạo đức xã hội bị tha hóa, một bộ phận không nhỏ con người trong xã hội ấy có ý thức kém thì hoạt động trong xã hội ấy không thể đạt được hiệu quả cao…

Quá trình thực thi Nghị định 168 hiện nay cũng vậy. Để chấm dứt tình trạng mất trật tự, thậm chí hỗn loạn trong giao thông đường bộ, nguy cơ trở thành thói quen xấu, ảnh hưởng đến lợi ích chung, kìm hãm sự phát triển của xã hội, Nhà nước phải áp dụng pháp luật nghiêm khắc hơn bằng biện pháp hành chính kết hợp với biện pháp kinh tế, song song với biện pháp tuyên truyền, giáo dục thuyết phục.

KẾT QUẢ THỰC TẾ LÀ MINH CHỨNG TÍNH ĐÚNG ĐẮN CỦA NGHỊ ĐỊNH 168

Có thể khẳng định, Nghị định 168 là chính sách hợp quy luật khách quan, hợp lòng dân dù cho một bộ phận nhỏ ai đó chưa hài lòng khi họ muốn đất nước ta bất ổn định. Minh chứng rõ nhất sau hơn 1 tháng Nghị định 168 đi vào cuộc sống, ý thức và tâm lý người dân đã cẩn trọng, bình tĩnh, đặc biệt, tính tự giác cao hơn khi tham gia giao thông. Việc chấp hành pháp luật và văn hóa giao thông chuyển biến tích cực, rõ rệt, tai nạn giao thông giảm sâu.

Theo số liệu từ Cục Cảnh sát giao thông, từ 1/1/2025 - 31/1/2025, số vụ tai nạn giao thông giảm cả về 3 tiêu chí. Cụ thể, toàn quốc đã xảy ra 1.702 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm 917 người chết, 1.163 người bị thương; so với cùng kỳ năm 2024, giảm 607 vụ (-26,29%), giảm 17 người chết (-1,72%), giảm 704 người bị thương (-37,71%). Trong 9 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ (từ 25/1 đến 10 giờ ngày 2/2), toàn quốc xảy ra 445 vụ tai nạn giao thông, làm chết 209 người và bị thương 373 nạn nhân; so với cùng kỳ 2024, tai nạn giảm 258 vụ (-36,69%), giảm 126 người chết (-37,61%), giảm 232 người bị thương (-38,34%).

Đó là hiệu quả của quá trình phát triển từ tự phát đến chuẩn hóa bằng pháp luật và phát triển đến tự giác phù hợp với quy luật khách quan trong quản lý nhà nước, hướng đến mục đích tự giác trong việc thực hiện các giá trị đạo đức khi tham gia giao thông.

Nghị định 168 đi vào cuộc sống trong thời gian ngắn nhưng tác dụng thì vượt bậc về mặt thời gian. Ý thức, hành vi của người dân đã sớm hình thành ở giai đoạn tự giác, tự nguyện làm, muốn làm, tự nhắc nhở nhau làm, không cần chịu sự thúc ép của lực lượng chức năng. Đó là một sự chuyển biến về mặt đạo đức xã hội có ý nghĩa rất quan trọng, vì dù pháp luật có hoàn thiện đến mức nào cũng không thể bao quát, luật hóa hết, không thể kiểm soát, điều chỉnh hết mọi hành vi trong quan hệ xã hội nói chung và trong tham gia giao thông nói riêng.

Rõ ràng, pháp luật và đạo đức là hai sức mạnh bảo đảm trật tự xã hội. Giữ nghiêm pháp luật là để bảo vệ nền tảng đạo đức. Mặt khác, khi giá trị đạo đức xã hội được nhận thức đúng thì sự thừa nhận và tự giác chấp hành pháp luật (như trường hợp thực thi Nghị định 168) là yếu tố rất quan trọng quyết định hình thành văn hóa giao thông.

Dư luận cử tri và Nhân dân rất đồng tình, ủng hộ việc ban hành và thi hành Nghị định 168/2024/NĐ-CP của Chính phủ nhằm lập lại trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; kiến nghị các cơ quan chức năng tăng cường đầu tư, nâng cấp đồng bộ các kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là các tuyến đường kết nối vùng, những điểm “đen” thường xảy ra tai nạn giao thông... Đồng thời, có cơ chế giám sát chặt chẽ, xử lý nghiêm, thông tin minh bạch các hành vi tiêu cực, tham nhũng của cả lực lượng thực thi pháp luật và người đưa hối lộ, mãi lộ, nhằm hun đúc lòng tin của Nhân dân đối với chính sách, pháp luật của Nhà nước.

ThS. NGUYỄN VÂN HẬU

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/chinh-tri/202502/chap-hanh-nghi-dinh-168-tu-goc-nhin-dao-duc-xa-hoi-1d52cb3/
Zalo