Chắp cánh sản phẩm Hòa Bình bằng xúc tiến thương mại số
Xúc tiến thương mại đang trở thành 'chìa khóa mở cửa thị trường' cho sản phẩm OCOP của tỉnh Hòa Bình, mở rộng tiêu thụ và vươn ra quốc tế.
Trong dòng xoáy chuyển mình của nền kinh tế địa phương, xúc tiến thương mại ngày càng được nhìn nhận là mắt xích không thể thiếu trong chuỗi giá trị, từ sản xuất đến tiêu thụ, từ quy mô làng bản đến sàn thương mại toàn cầu. Tại Hòa Bình, vùng đất nơi núi rừng lưu giữ những đặc sản mang đậm dấu ấn văn hóa bản địa, hoạt động xúc tiến thương mại không chỉ là công cụ thúc đẩy tiêu thụ, mà còn là lực đẩy để sản phẩm vươn xa, chạm tới thị trường trong và ngoài nước.
Phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Thu Hà, Trưởng phòng Quản lý Thương mại, Sở Công Thương tỉnh Hòa Bình để cùng nhìn nhận những nỗ lực hiện tại, hướng đi tương lai và các đề xuất cần thiết để hoạt động xúc tiến thương mại thực sự trở thành đòn bẩy phát triển kinh tế địa phương.

Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Trưởng phòng Quản lý Thương mại, Sở Công Thương tỉnh Hòa Bình
-Trong bối cảnh thị trường cạnh tranh khốc liệt và nhu cầu tiêu dùng thay đổi nhanh chóng, hoạt động xúc tiến thương mại của tỉnh Hòa Bình đã có những cách làm nào thực sự tạo đột phá, thưa bà?
Bà Nguyễn Thị Thu Hà: Thời gian qua, hoạt động xúc tiến thương mại của tỉnh Hòa Bình có thể ví như một cuộc "tổng tiến công" mạnh mẽ, với nhiều cách làm mới, linh hoạt và hiệu quả.
Sở Công Thương không chỉ duy trì các hình thức xúc tiến truyền thống như tổ chức hội chợ, hội nghị kết nối cung cầu, mà còn chủ động ứng dụng công nghệ số, đưa các sản phẩm nông sản như chè Shan tuyết, cam Cao Phong,… hay các sản phẩm tiểu thủ công nghiệp của Hòa Bình vươn lên không gian số, nơi biên giới thị trường được mở rộng không giới hạn, kết nối trực tiếp với người tiêu dùng toàn cầu.
Cụ thể, trong năm qua, tỉnh Hòa Bình đã tổ chức và tham gia gần 20 hội chợ thương mại quy mô lớn. Các sản phẩm đặc sản, sản phẩm OCOP, hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh được giới thiệu tại nhiều sự kiện lớn như Hội chợ Công Thương khu vực phía Bắc, các phiên chợ vùng cao tại Kim Bôi, Đà Bắc, Lạc Sơn, cùng với các hội chợ tầm quốc gia và quốc tế như Vietnam Expo, Festival Huế, Hội chợ OCOP Quảng Ninh, Lạng Sơn, Đà Lạt... Mỗi sự kiện đều mở ra những cánh cửa vàng, giúp sản phẩm Hòa Bình tiếp cận sâu rộng hơn với hệ thống phân phối và người tiêu dùng trên cả nước.
Một điểm nhấn đặc biệt là Sở Công Thương đã và đang tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp địa phương tham gia xúc tiến thương mại quốc tế, đưa sản phẩm OCOP của Hòa Bình hiện diện tại nhiều thị trường tiềm năng như Trung Quốc, Nhật Bản, Pháp, Hungary, Đức... Chúng tôi không chỉ mang sản phẩm đi giới thiệu, mà còn đồng hành cùng doanh nghiệp trong hành trình vươn ra biển lớn, học hỏi kinh nghiệm, mở rộng tầm nhìn, và từng bước khẳng định vị thế của sản phẩm Hòa Bình trên bản đồ thương mại toàn cầu.
-Nhiều ý kiến cho rằng, xúc tiến thương mại không thể chỉ là tổ chức hội chợ, trưng bày sản phẩm. Với góc nhìn quản lý, bà đánh giá như thế nào về xu hướng hiện đại hóa xúc tiến thương mại?
Bà Nguyễn Thị Thu Hà: Trong thời đại số, xúc tiến thương mại không thể chỉ gói gọn trong việc "dự hội chợ và treo banner". Sở Công Thương tỉnh Hòa Bình đã xác định rõ: xúc tiến thương mại hiện đại phải gắn liền với xây dựng thương hiệu, tiêu chuẩn hóa sản phẩm, đẩy mạnh chuyển đổi số và đặc biệt là chủ động kết nối có chiến lược với các thị trường tiềm năng.
Hiện nay, tỉnh Hòa Bình đang tích cực thúc đẩy phát triển thương mại điện tử thông qua những mô hình tiêu biểu như "Gian hàng Việt trực tuyến" và sàn thương mại điện tử địa phương tại địa chỉ hoabinhtrade.gov.vn. Đến nay, đã có 138 sản phẩm của 70 đơn vị được đưa lên sàn.
Nhận thức được trong thời đại số, gian hàng ảo chính là cánh cửa để bán được hàng thật, chúng tôi đã và đang tổ chức đào tạo kỹ năng viết mô tả sản phẩm, chụp ảnh chuyên nghiệp, quản trị gian hàng trực tuyến cho các hợp tác xã và hộ kinh doanh.
Ngoài ra, việc nâng cao chất lượng bao bì, áp dụng mã QR truy xuất nguồn gốc, tuân thủ các tiêu chuẩn kỹ thuật và yêu cầu an toàn thực phẩm đối với sản phẩm bán qua sàn thương mại điện tử cũng được tỉnh triển khai đồng bộ. Xúc tiến thương mại trong kỷ nguyên số không thể tách rời chuyển đổi số, và đây chính là hướng đi kiên định mà Sở Công thương tỉnh Hòa Bình đang theo đuổi.
- Được biết năm 2025, Hòa Bình đặt mục tiêu mở rộng thị trường xuất khẩu và đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông sản chủ lực. Những giải pháp nào sẽ được ưu tiên để đạt được mục tiêu này, đặc biệt trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp địa phương còn non trẻ và thiếu kỹ năng thương mại hóa?
Bà Nguyễn Thị Thu Hà: Chúng tôi xác định rõ hai hướng tiếp cận chiến lược: "trong mở, ngoài bền". "Trong mở" tức là mở rộng không gian tiêu thụ nội địa thông qua các chương trình kết nối cung – cầu, xúc tiến thương mại tại các trung tâm kinh tế lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Bắc Giang, Hải Dương... "Ngoài bền" tức là xây dựng nội lực vững chắc để doanh nghiệp có thể từng bước tiến ra thị trường quốc tế một cách bền vững.
Để hiện thực hóa mục tiêu này, tỉnh Hòa Bình đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp: tổ chức đào tạo kỹ năng thương thảo quốc tế, hỗ trợ thiết kế bao bì đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, xây dựng thương hiệu sản phẩm. Đồng thời, tỉnh hỗ trợ doanh nghiệp đăng ký tài khoản và đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử quốc tế như Alibaba, Amazon. Chúng tôi cũng chủ động phối hợp với hệ thống Tham tán Thương mại Việt Nam tại nước ngoài để tạo cầu nối giao thương trực tiếp cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Sở Công Thương đã đề xuất xây dựng Quỹ Xúc tiến thương mại cấp tỉnh, đồng thời nghiên cứu chính sách tài chính ưu đãi dành riêng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, hỗ trợ chi phí tham gia hội chợ quốc tế, đăng ký thương hiệu, cải tiến sản phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn nhập khẩu của các thị trường mục tiêu.

Cam Cao Phong là đặc sản nổi tiếng của tỉnh Hòa Bình. Ảnh: Nguyễn Hạnh
- Từ thực tiễn triển khai, bà có kiến nghị nào để hoạt động xúc tiến thương mại tại các tỉnh miền núi như Hòa Bình được triển khai bài bản, bền vững và đột phá hơn nữa?
Bà Nguyễn Thị Thu Hà: Tôi cho rằng, để xúc tiến thương mại thực sự trở thành đòn bẩy cho phát triển kinh tế, cần có sự đầu tư đúng mức về chính sách, nhân lực và nguồn lực tài chính. Chúng tôi mong muốn Bộ Công Thương xem xét tăng kinh phí Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia dành cho các địa phương miền núi. Đây là lực đẩy rất cần thiết để các tỉnh như Hòa Bình có thể tổ chức hội chợ chuyên đề, hỗ trợ sản phẩm địa phương tiếp cận sàn thương mại điện tử quốc tế, cũng như đào tạo đội ngũ nhân lực chuyên sâu cho công tác xúc tiến thương mại.
Bên cạnh đó, để hoạt động xúc tiến trở nên chủ động, bài bản, thay vì đơn lẻ và rời rạc, cần xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành thực chất và linh hoạt hơn giữa Sở Công Thương, Sở Tài nguyên và Môi trường, Trung tâm Khuyến nông và các Hội, Hiệp hội ngành hàng nhằm hình thành các chuỗi xúc tiến thương mại gắn liền với sản xuất.
Về phía địa phương, tỉnh Hòa Bình cam kết tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác xúc tiến thương mại, lấy doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ, lấy thị trường làm định hướng hành động, và lấy công nghệ làm đòn bẩy phát triển.
- Xin trân trọng cảm ơn bà!
Thời gian qua, tỉnh Hòa Bình đã triển khai nhiều hoạt động xúc tiến thương mại nổi bật nhằm quảng bá sản phẩm địa phương và mở rộng thị trường tiêu thụ. Tiêu biểu là việc tổ chức thành công "Tuần lễ giới thiệu sản phẩm tỉnh Hòa Bình năm 2024" tại Hà Nội, thu hút 41 đơn vị, doanh nghiệp, chủ thể OCOP với hơn 100 sản phẩm đặc trưng tham gia, góp phần nâng cao nhận diện thương hiệu và mở rộng thị trường tiêu thụ cho nông sản địa phương.
Đặc biệt, tỉnh đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại, với việc xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu bản đồ số về xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch, góp phần nâng cao hiệu quả quảng bá và thu hút đầu tư.