CHÀO MỪNG 50 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG LÂM ĐỒNG (3/4/1975 - 3/4/2025): Văn học - nghệ thuật Lâm Ðồng 50 năm sau ngày đất nước thống nhất

Lâm Đồng là miền đất lành, hội tụ cư dân khắp các vùng, miền. Trên địa bàn tỉnh có nhiều di tích lịch sử, văn hóa độc đáo - nguồn chất liệu vô tận để các loại hình văn học - nghệ thuật (VHNT) khai thác. Đặc biệt, TP Đà Lạt từ xưa được nhiều người yêu mến, nhất là giới văn nghệ sĩ. Có người gắn bó cả đời, có người đến rồi đi, song, họ đã để lại nhiều tác phẩm VHNT bất hủ.

Các nghệ sĩ nhiếp ảnh sáng tác trong một chuyến đi thực tế tại Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà. Ảnh: Q.Uyển

Các nghệ sĩ nhiếp ảnh sáng tác trong một chuyến đi thực tế tại Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà. Ảnh: Q.Uyển

VÙNG ĐẤT NGHỆ THUẬT

Trước năm 1975, ở Đà Lạt đã có nhiều bài thơ, tình khúc nổi tiếng ra đời: “Đà Lạt trăng mờ” (thơ của Hàn Mặc Tử, sáng tác năm 1933); “Đà Lạt đêm sương” (thơ của Quách Tấn, năm 1939); “Ai lên xứ hoa đào” (ca khúc của Hoàng Nguyên, sáng tác năm 1956); “Đà Lạt hoàng hôn” (ca khúc của Minh Kỳ - Dạ Cầm, năm 1968); “Thành phố buồn” (ca khúc của Lam Phương, năm 1970)… Giai đoạn 1975 - 1986, nhiều đợt thanh niên xung phong, cán bộ từ các vùng, miền được điều động đến Lâm Đồng làm việc, xây dựng các vùng kinh tế mới; trong đó, có nhiều văn nghệ sĩ. Giai đoạn này, các văn nghệ sĩ đã sáng tác nhiều tác phẩm VHNT về đất nước, con người và ngợi ca công cuộc khôi phục, xây dựng Lâm Đồng trong những năm đầu giải phóng đầy khó khăn, gian khổ.

Ngày 11/4/1987, Hội VHNT Lâm Đồng thành lập. Ban đầu thành lập có 79 hội viên sinh hoạt tại 4 chuyên ngành: Văn học, Nhiếp ảnh, Âm nhạc và Mỹ thuật (khi đó gọi là Tạo hình). Đến Đại hội Hội khóa I (1988 - 1993) tập hợp nhiều văn nghệ sĩ đầu tiên như: Hà Linh Chi, Lâm Tuyền Tĩnh, Huỳnh Chính, Trần Hữu Lục, Phạm Kim Anh, Trương Quỳnh, Nguyễn Thái Huyền, Nguyễn Trung An, Hoàng Như Thủy An, Phạm Vũ, Phạm Vĩnh, Xuân Tràng, Nguyễn Diệp, Đỗ Tư Nghĩa, Trần Ngọc Trác, Phạm Quốc Ca, Nguyễn Mậu Siệc, Lê Văn Sơn, Tạ Kim Khánh, Lưu Hữu Nhi Dũ, Hương Thủy, Dương Trần, Tú Xuân, Nguyễn Thị Thanh Toàn, Lê Bá Cảnh, Hoàng Ngọc Châu, Nguyễn Tùng Châu, Nguyễn Lương... (Văn học); Vũ Long, Vi Quốc Hiệp, Lê Sinh Thục, Đặng Ngọc Trân, Nguyễn Văn Lại, Đặng Việt Nga, Đinh Thanh, Trần Dzụ Hồng, Phạm Mùi, Nguyễn Đăng Lộc... (Mỹ thuật); Hà Huy Hiền, Trọng Thủy, Mạnh Đạt, Sóng Trà, Đình Nghĩ, Duy Thanh, Nguyễn Tánh, Công Huân, Krajan Dick... (Âm nhạc); Bùi Á, Nguyễn Bá Mậu, Đặng Văn Thông, Trần Đức Lộc, Nguyễn Sông Ba... (Nhiếp ảnh).

Các năm sau đó, Hội thành lập thêm các chi hội: Văn nghệ dân gian (VNDG), VHNT các dân tộc thiểu số (DTTS) và chi hội VHNT các huyện, thành phố. Đội ngũ văn nghệ sĩ kế tiếp đông về số lượng, sung mãn về sức sáng tạo. Hiện nay, toàn tỉnh có 254 hội viên sinh hoạt tại 11 chi hội.

Ngày Thơ Việt Nam được tỉnh Lâm Đồng tổ chức hàng năm

Ngày Thơ Việt Nam được tỉnh Lâm Đồng tổ chức hàng năm

NHỮNG ĐÓNG GÓP TIÊU BIỂU

Đến nay, Hội VHNT Lâm Đồng trải qua 7 nhiệm kỳ đại hội, dù có thời điểm khó khăn, thậm chí tạm dừng hoạt động; song, được sự lãnh đạo của Tỉnh ủy và UBND tỉnh, Hội VHNT Lâm Đồng từng bước củng cố, phát triển, ngày càng khẳng định vai trò, chức năng là “cầu nối” giữa chính quyền với đội ngũ văn nghệ sĩ và giữa văn nghệ sĩ với Nhân dân; tập hợp văn nghệ sĩ sinh hoạt, sáng tác, công bố tác phẩm, phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương, đất nước...

Những năm gần đây, lực lượng văn nghệ sĩ tiếp tục phát triển, hằng năm tích cực tham gia và đoạt hàng trăm giải thưởng trong các cuộc thi sáng tác VHNT, liên hoan, triển lãm tổ chức trong tỉnh, ngoài tỉnh, khu vực, quốc gia và quốc tế. Tác phẩm VHNT của văn nghệ sĩ đã phản ánh, tôn vinh những thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị các cấp, công tác quốc phòng - an ninh của Lâm Đồng và những thành tựu vượt bậc sau 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước...

Chuyên ngành Văn học có số hội viên đông nhất, các thế hệ nhà văn nối tiếp nhau sáng tác hàng chục ngàn tác phẩm, phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương, đất nước, ca ngợi vẻ đẹp vùng đất, con người Lâm Đồng giàu, đẹp; tôn vinh các giá trị nhân văn, hướng con người đến với chân - thiện - mỹ.

Mỹ thuật, có mặt từ khi Hội VHNT Lâm Đồng được thành lập, nhiều thế hệ họa sĩ, nhà điêu khắc với niềm đam mê nghệ thuật đã có nhiều đóng góp cho cái đẹp, cho sự phát triển của vùng đất Nam Tây Nguyên nhiều tiềm năng, thế mạnh; được Hội Mỹ thuật Việt Nam đánh giá nổi trội trong khu vực, nhất là có phong cách biểu đạt đặc trưng riêng...

Nhiếp ảnh, với nhiều nghệ sĩ lớn, xuất hiện trước và sau khi có tổ chức Hội cho đến các thế hệ nghệ sĩ sau này, bằng tài năng, tư tưởng, tình cảm và “góc nhìn” riêng đã ghi lại những khoảnh khắc đẹp, sinh động của thiên nhiên, phong cảnh, con người... góp phần đưa hình ảnh của Đà Lạt - Lâm Đồng đến với đông đảo bạn bè quốc tế. Có nhiều nghệ sĩ được quốc tế phong các tước hiệu, đoạt nhiều giải thưởng danh giá quốc tế trong nhiều năm qua...

Âm nhạc, cũng có mặt từ ngày thành lập Hội, các thế hệ nhạc sĩ, nghệ sĩ đã viết tiếp nhiều ca khúc, tình khúc ca ngợi quê hương Lâm Đồng - Đà Lạt và từng địa phương trên vùng đất trù phú, giàu, đẹp, với những tác phẩm âm nhạc đẹp về ca từ, mượt mà về giai điệu làm say lòng người. Nhiều ca khúc của các nhạc sĩ, nghệ sĩ vượt đại ngàn, đến với bạn bè yêu âm nhạc trong và ngoài nước; hiện giữ vai trò quan trọng phát triển Đà Lạt “Thành phố sáng tạo Âm nhạc”, được UNESCO vinh danh năm 2023...

Công chúng tham quan một triển lãm tranh của văn nghệ sĩ Lâm Đồng. Ảnh: Q.Uyển

Công chúng tham quan một triển lãm tranh của văn nghệ sĩ Lâm Đồng. Ảnh: Q.Uyển

Bên cạnh đó, các chuyên ngành: VNDG, VHNT các DTTS, nghiên cứu, lý luận - phê bình VHNT cũng không ngừng phát triển, đã và đang đóng góp vào sự phát triển nền VHNT Lâm Đồng 50 năm sau ngày đất nước thống nhất. Ở lĩnh vực này, với sự đóng góp của các giảng viên Trường Đại học Đà Lạt: Lê Chí Dũng, Phạm Quang Trung, Nguyễn Tuấn Tài, Phạm Quốc Ca, Nguyễn Mạnh Hùng, Phan Thị Hồng, Lê Hồng Phong, Lê Thị Quỳnh Hảo, Nguyễn Cảnh Chương...

Đến nay, ngoài khoảng 500 ấn phẩm hội viên xuất bản riêng, Hội VHNT đã biên soạn, xuất bản hàng chục tuyển tập văn, thơ, nhiếp ảnh, mỹ thuật, âm nhạc, VNDG... Một số ấn phẩm tiêu biểu như: “Đất gọi thầm”, “Như anh em một nhà” (1982), “Đà Lạt thơ” (1986); “Đà Lạt mộng mơ” (1993); “Đà Lạt trong Thơ”, (1996); “10 năm Văn xuôi Lâm Đồng” (1988 - 1998); “Đà Lạt trong thơ - Thơ trong Đà Lạt” (2003); “30 năm Thơ Lâm Đồng” (1976 - 2006); “30 năm Văn xuôi Lâm Đồng”(1978 - 2008); “Đất tươi màu lửa mới” (2020); Hội VHNT Lâm Đồng 35 năm hình thành và phát triển (1987-2022)... Tại các kỳ đại hội, Hội biên soạn, phát hành các tuyển tập nhiều tác giả như: thơ, văn xuôi, mỹ thuật, âm nhạc, nhiếp ảnh, VNDG Lâm Đồng các giai đoạn: 2012 - 2017, 2017 - 2022, 2022 - 2027.

Đặc biệt, Kỷ niệm 50 năm đất nước thống nhất, Hội đã tổng hợp, biên soạn, xuất bản Tuyển tập: “50 năm nền VHNT Lâm Đồng sau ngày đất nước thống nhất” (1975 - 2025). Ấn phẩm đã tổng hợp sáng tác của các thế hệ văn nghệ sĩ Lâm Đồng, đóng góp tích cực cho sự phát triển quê hương Lâm Đồng 50 năm qua.

VHNT Lâm Đồng đã “hợp lưu” trong dòng chảy của nền VHNT Việt Nam 50 năm sau ngày đất nước thống nhất. Đội ngũ văn nghệ sĩ Lâm Đồng đã và đang đóng góp những thành tựu quan trọng cho nền VHNT cả nước.

THANH DƯƠNG HỒNG

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/van-hoa-nghe-thuat/202504/chao-mung-50-nam-ngay-giai-phong-lam-dong-341975-342025-van-hoc-nghe-thuat-lam-ong-50-nam-sau-ngay-dat-nuoc-thong-nhat-2a2261b/
Zalo