Đời sống âm nhạc của Thủ đô đã rất khác
NSND Đặng Thái Sơn sinh năm 1958, tại Hà Nội. Với giải nhất cuộc thi quốc tế Frédéric Chopin tại Warszawa, Ba Lan năm 1980, Đặng Thái Sơn trở thành người châu Á đầu tiên đoạt danh hiệu này. Đầu năm mới, ông chia sẻ chuyện đời và chuyện nghề với Đài Hà Nội.
Phóng viên: Lần trở về Việt Nam biểu diễn này đúng dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của thân phụ ông, nghệ sĩ Đặng Đình Hưng, cũng nhằm ngày giỗ đầu mẹ ông. Ông đã tổ chức đêm nhạc “Tiếng đàn còn mãi ngân vang” để tưởng nhớ và tri ân người mẹ của mình, nghệ sĩ - Nhà giáo Nhân dân Thái Thị Liên. Vậy lần trở về lần này của ông có những cảm xúc đặc biệt nào?
NSND Đặng Thái Sơn: Suốt 40 năm hoạt động nghệ thuật, chưa có thời điểm nào lại đặc biệt như bây giờ. Nếu chỉ làm cho bố hoặc cho mẹ thôi thì cũng dễ. Nhưng lần này lại là hai sự kiện trùng hợp mà chỉ cách nhau một tuần cho kỷ niệm 100 năm ngày sinh của bố và giỗ đầu của mẹ. Tự nó đã nói lên những cảm xúc rất đặc biệt của mình.
Phóng viên: Cha ông là người đã kẻ những khuông nhạc cho ông tập viết những nốt đầu tiên, mẹ ông là người truyền cho ông tình yêu mãnh liệt với cây đàn dương cầm từ tấm bé để có một Đặng Thái Sơn như ngày hôm nay - từ câu chuyện của mình, theo ông, việc định hình thẩm mỹ âm nhạc cần được hay nên được nhen nhóm và nuôi dưỡng từ giai đoạn nào của trẻ?
NSND Đặng Thái Sơn: Theo tôi thì khi trẻ bắt đầu biết nói, hiểu ngôn ngữ thì lúc đó từ từ mình sẽ định hướng. Tôi nghĩ âm nhạc nghệ thuật cũng như là tiếng nói, là lúc mình bắt đầu hiểu nhau. Thời đó tôi là con út trong nhà, các anh chị đều học đàn này, đàn kia. Đến lượt tôi thì bố mẹ nói tôi không cần học đàn nữa, thế nhưng mà tôi vẫn tiếp túc học. Trong nhà có một cây đàn, tôi luôn tự tìm tòi; tìm nốt cao, nốt thấp để ra các giai điệu bài hát. Đối với tôi, đó như là một trò chơi về âm thanh. Ban đầu khi học tôi không được dạy một cách hệ thống ngay mà gia đình để tôi tự nhiên phát triển, chỉ đến tầm 6 tuổi mới bắt đầu học bài bản. Vì vậy, tình yêu âm nhạc phải đến một cách tự nhiên, không nên ép buộc.
Phóng viên: Trong đêm diễn tri ân người mẹ - NSND Thái Thị Liên, ông đã chọn nghệ sĩ trẻ tài năng Đăng Quang diễn piano bốn tay với bài “Hát ru” do bà Thái Thị Liên biên soạn. Phải chăng sự lựa chọn này của ông cũng ẩn chứa một thông điệp ý nghĩa tới thế hệ tiếp nối?
NSND Đặng Thái Sơn: Mẹ tôi hay hát lắm, thậm chí nếu mà không đánh đàn tôi sẽ chọn nghề hát, cho nên là tôi chơi với bản đó và chọn Đăng Quang là con cháu trong nhà. Đồng thời Đăng Quang cũng là học trò của tôi ở bên Canada. Tôi muốn là truyền lại cho những thế hệ sau thông qua hoạt động giảng dạy. Hiện nay tôi đang giảng dạy tại hai trường lớn ở Mỹ là Trường New England Concert Tree ở Boston và Trường Oberlin Concert Tree ở Ohio.
Phóng viên: Là nghệ sĩ dương cầm châu Á đầu tiên đoạt giải nhất tại một trong những cuộc thi piano quốc tế danh giá nhất trên thế giới - Frédéric Chopin, ông đã đến với những tác phẩm của nhà soạn nhạc vĩ đại này như thế nào?
NSND Đặng Thái Sơn: Đó cũng là cái duyên. Lúc tôi khoảng 11 - 12 tuổi, mẹ tôi có cơ hội được mời sang dự cuộc thi ở Ba Lan với tư cách là khách danh dự. Sau đó mẹ tôi về đem theo sách, đĩa nhạc và kể chuyện về cuộc thi Chopin thế nên tôi bị cuốn hút với Chopin.
Phóng viên: Ông là nghệ sĩ piano duy nhất không phải là người Ba Lan được mời đến dự buổi hòa nhạc nhân kỷ niệm 150 năm ngày mất của Frédéric Chopin và cũng là một trong ba nghệ sĩ toàn cầu được chọn để biểu diễn tại gala kỷ niệm 200 năm ngày sinh của nhà soạn nhạc thiên tài. Những vinh dự này có ý nghĩa đặc biệt như thế nào đối với ông?
NSND Đặng Thái Sơn: Trước tiên đây là một niềm vinh dự. Lần đầu tiên tôi đoạt giải vào năm 1980, sau đấy sự nghiệp biểu diễn của mình vẫn phát triển, vẫn giữ vững vị trí của mình. Tiếp đó, quá trình mà tôi chấm thi tại cuộc thi Chopin. Chấm thi tại cuộc thi này rất đặc biệt với tôi. Lần đầu tiên tôi chấm là năm 2005 và sang năm tôi lại đi chấm, có nghĩa là 5 kỳ rồi.
Phóng viên: Nếu so với lần về Việt Nam của 10 năm trước, ông đánh giá thế nào về đời sống và công chúng yêu âm nhạc cổ điển của Việt Nam hiện tại?
NSND Đặng Thái Sơn: Hiện nay về âm nhạc Việt Nam, tôi nghĩ là gần đây có sự mở rộng rất nhiều. Nếu mà trước kia chỉ theo một guồng, lúc nào cũng dựa vào Nhà nước nhiều, thì bắt đầu 10 năm gần đây xuất hiện nhiều trung tâm dạy học về về âm nhạc. Bây giờ, Việt Nam đã phát triển chiều rộng âm nhạc rồi nên từ đấy phải làm sao phát hiện ra tài năng, nuôi được những tài năng đó.
Phóng viên: Hai năm trở lại đây, vào ngày đầu tiên của năm mới, công chúng Thủ đô có một sự kiện mang tính điểm hẹn, đó là “Hà Nội concert - Hòa nhạc năm mới” – một chương trình thường niên của Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội, của Thủ đô Hà Nội. Với góc nhìn của ông, những sự kiện này có ý nghĩa như thế nào tới việc định hình thẩm mỹ âm nhạc cho công chúng Thủ đô?
NSND Đặng Thái Sơn: Đây là một sự kiện rất quan trọng để cho mọi người thấy tầm quan trọng của âm nhạc cho nên tôi rất ủng hộ sự kiện này. Vì như Plato đã nói, âm nhạc là vị cứu tinh; âm nhạc hướng mọi người đến với cái đẹp và cái thiện trong cuộc sống.