Chàng trai Việt với đề cử giải Emmy đầu tiên

Nguyễn Siêu từng gây ấn tượng khi trúng tuyển 7 trường Đại học danh giá của Mỹ vào năm 2013. Năm 2015, Siêu là 1 trong 200 đại biểu quốc tế tại Hội nghị New York về Á Đông. Sau quãng thời gian học tập tại đại học Vassar, New York, Siêu tốt nghiệp bằng Cử nhân Điện ảnh và Truyền thông loại xuất sắc với điểm trung bình toàn khóa là 3.9/4.0.

Siêu vui mừng báo tin qua email rằng em vừa được đề cử giải Emmy đầu tiên trong sự nghiệp cho một sản phẩm sản xuất tại HBO (kênh truyền hình lớn của Mỹ). Một cuộc chia sẻ nho nhỏ của phóng viên với chàng trai người Việt có niềm đam mê rất riêng nên đã chọn cho mình một lối đi đặc biệt.

Siêu vừa nhận được đề cử Emmy đầu tiên trong sự nghiệp với một sản phẩm của mình tại HBO. Được biết giải Emmy là giải thưởng cao quý nhất trong ngành truyền hình Mỹ. Siêu có thể chia sẻ một chút cảm xúc cũng như quá trình thực hiện sản phẩm này?

Siêu vừa nhận được đề cử Emmy đầu tiên trong sự nghiệp với một sản phẩm của mình tại HBO. Được biết giải Emmy là giải thưởng cao quý nhất trong ngành truyền hình Mỹ. Siêu có thể chia sẻ một chút cảm xúc cũng như quá trình thực hiện sản phẩm này?

Em nhận tin được đề cử giải Emmy 2024 đúng một tuần trước, đề cử dành cho video hậu trường mang tên “Hacks: Bit by Bit” trong hạng mục “Outstanding Short Form Nonfiction or Reality Series” (tạm dịch: “video thực tế dạng ngắn xuất sắc”). Cảm xúc lúc đó vỡ òa. Đây là một vinh dự rất lớn vì giải thưởng này được bầu chọn bởi những người đồng nghiệp trong ngành truyền hình. Chỉ việc được đề cử thôi cũng đã cho thấy những công sức và sự sáng tạo của mình được công nhận.

Video “Hacks: Bit by Bit” là video hậu trường em sản xuất và thực hiện cho series Hacks của HBO/Max. Trong video này, em phân tích những mạch truyện chính trong tập cuối bộ phim này, cũng như hé lộ những câu chuyện hậu trường thú vị trong cách các diễn viên tập diễn xuất hay cách biên kịch cài cắm nhiều tình tiết thâm thúy trong kịch bản. Do đây là một tập phim rất kịch tính và nhiều cảm xúc, em cũng đặt yếu tố cảm xúc lên làm kim chỉ nam trong việc dựng video. Để sản xuất ra video dài gần 7 phút này, em dành hai tuần xem lại toàn bộ series “Hacks” để chọn ra những góc quay, những câu thoại đắt giá nhất. Có những ngày, em ở lại văn phòng tới hơn nửa đêm vì cảm hứng vẫn rất dồi dào và muốn tiếp tục sáng tạo. Những nỗ lực này được đền đáp xứng đáng khi đây là video hậu trường có lượt xem cao nhất trên trang YouTube trong suốt ba mùa của “Hacks,” và giờ đây được công nhận bởi giới hàn lâm bằng một đề cử Emmy. Là một người trẻ Việt Nam, làm việc trong một ngành công nghiệp lâu năm ở nơi xứ người, khoảnh khắc này khiến em thấy rất tự hào.

Ở một hãng truyền hình danh tiếng như HBO, điều gì để một người trẻ được ghi nhận?

HBO quan trọng tính đột phá. Các nhà sản xuất trẻ càng có nhiều ý tưởng mới mẻ, táo bạo sẽ càng tạo được dấu ấn. Những chương trình kinh điển của HBO từ trước tới nay như “Sex and the City” (1998 – 2004), “The Sopranos” (1999 – 2007), “Game of Thrones” (2011 – 2019), hay “Euphoria” (2019 – nay) là những series luôn dẫn đầu xu hướng, chứ không chạy theo xu hướng một cách phong trào, do vậy các sản phẩm quảng bá của hãng cũng phải mang tinh thần này. Em luôn tìm những cách tiếp cận mới cho các sản phẩm video của mình, không bao giờ muốn lặp lại một công thức cũ. Thử thách của em đối với bản thân là mỗi video cần có ít nhất một yếu tố mới lạ so với video cùng thể loại mình đã làm trước đó.

Phần thưởng cho người xứng đáng

Để ở lại nước ngoài sau khi du học và làm việc trong một lĩnh vực khá đặc biệt, Siêu đã phải trải qua khó khăn thế nào?

Em bắt đầu công việc tại hãng phim truyền hình HBO vào cuối năm 2021, sau hơn ba năm làm việc tại Paramount. HBO là một môi trường có tính cạnh tranh rất lớn, do các sản phẩm của hãng có độ phổ biến cao trong văn hóa đại chúng Mỹ. Vì vậy, mọi sản phẩm marketing video (video quảng bá) của tôi đều phải chỉn chu, hoàn hảo, có nhiều yếu tố bất ngờ để nổi bật trong một thị trường đang dần bão hòa.

Thường khi mọi người bắt đầu một công việc mới, 1-2 tuần đầu tiên chủ yếu là để làm quen với công ty và đồng nghiệp. Do khối lượng công việc tại HBO rất nhiều và đòi hỏi cao, ngay từ ngày bắt đầu công việc tại đây, em đã phải chạy dự án đầu tiên của mình là “Euphoria.” Trong một thời gian ngắn, em vừa làm quen với phần mềm, vừa học về ngôn ngữ video của hãng, đồng thời thực hành ý tưởng và được đánh giá chất lượng sản phẩm. Sản phẩm đầu tiên em sản xuất tại HBO là video quảng bá cho tập ra mắt phần hai của “Euphoria.” Để chứng minh năng lực bản thân, em nghiên cứu kỹ kịch bản, xem mỗi tập phim 2-3 lần, cũng như dành nhiều ngày để nắn nót từng hình, từng khoảnh khắc, từng hiệu ứng âm thanh trong quá trình dàn dựng video. Có vài đêm em thức tới 5 giờ sáng để hoàn thiện sản phẩm, do tiêu chuẩn của HBO rất cao.

Khi em gia nhập HBO cũng là lúc ngành truyền hình tại Mỹ bùng nổ với khoảng 600 series được sản xuất một năm. Số lượng khổng lồ này đem tới nhu cầu rất lớn cho những video quảng bá, vì công ty nào cũng muốn thu hút sự chú ý của khán giả dành cho phim truyền hình của mình. Điều này cũng tạo nên không ít thách thức vì tốc độ của mỗi chiến dịch marketing đều tăng lên đáng kể. Em phải sản xuất mỗi tuần một tới hai video, gấp đôi, gấp ba lần so với công việc trước đó tại Paramount. Đối mặt với thử thách này, em tập trung nắm vững các kỹ năng sản xuất và dàn dựng để tạo nên những sản phẩm vẫn có độ hoàn chỉnh trong một thời gian ngắn. Em cũng đặt nhiều câu hỏi khi bắt đầu dự án để hiểu rõ mục đích của mỗi video, nghiên cứu kỹ về xu hướng của thị trường để biết nội dung nào đang được ưa chuộng, và luôn trung thành với những góc nhìn của bản thân để tạo nên những sản phẩm vừa nhận được sự chú ý của công chúng, vừa có dấu ấn cá nhân.

Sau năm đầu tiên làm việc tại HBO, em tin sự chuyên nghiệp, thái độ cầu thị và những ý tưởng khác biệt của mình đã giúp em trụ lại và được ghi nhận tại hãng truyền hình này. Sau một năm gia nhập hãng, em có 3 sản phẩm được đề cử trong lễ trao giải CASH Awards thường niên cho những video quảng bá xuất sắc nhất tại HBO, cho các hạng mục “video hậu trường xuất sắc,” “video xã hội xuất sắc” và “thiết kế âm thanh xuất sắc.” Video hậu trường “Enter Euphoria – Season 2, Episode 5” em sản xuất cho “Euphoria” cũng nằm trong series tám video thắng giải Clio, một trong những giải thưởng uy tín nhất trong ngành marketing - quảng cáo tại Mỹ.

Ngoài những kiến thức chuyên môn, một người trẻ dấn thân vào lĩnh vực đặc thù như điện ảnh, truyền hình ở nước ngoài cần những hiểu biết, kỹ năng gì?

Ngoài kỹ năng chuyên môn, một người trẻ muốn dấn thân vào lĩnh vực điện ảnh - truyền hình tại Mỹ cần hiểu rõ nền văn hóa Mỹ, cũng như nền văn hóa toàn cầu, đang đứng tại đâu, quan tâm tới những vấn đề gì, ưa chuộng những cách tiếp cận thế nào.

Tầm 10 năm trước, khi YouTube vẫn là mạng xã hội đứng đầu cho các nội dung video, một sản phẩm nghe nhìn thu hút người xem cần nằm ở định dạng ngang, dài hơn ba phút, được dàn dựng một cách trơn tru, nền nã. Tuy nhiên, trong thời đại của Instagram và TikTok hiện nay, một video quảng bá có hiệu ứng lan truyền mạnh lại thường nằm ở dạng dọc, ngắn, có thiết kế đồ họa vui nhộn, nhiều màu sắc, nhiều khi phải thể hiện sự hỗn loạn, lập dị một cách có chủ tâm. Chính những yếu tố mới mẻ này khiến người dùng mạng xã hội xem đi xem lại một video nhiều lần, góp phần quảng bá sâu rộng hơn cho các dự án điện ảnh và truyền hình.

Về thị hiếu của đại chúng, khán giả trong thời đại hiện nay cũng không chỉ gói gọn khiếu nghe nhạc – xem phim của họ trong các sản phẩm đến từ Hollywood, mà còn dành sự quan tâm tới tới nhiều nền giải trí khác nhau trên thế giới. Đây là một tín hiệu rất đáng mừng cho tính toàn cầu hóa của ngành truyền thông.

Một yếu tố nữa rất quan trọng với người trẻ là họ phải hiểu được chính khiếu thẩm mỹ của mình. Trong thời đại hiện nay, một video hay, có tính lan tỏa phải mang đậm dấu ấn cá nhân của nhà sản xuất. Một khi người trẻ hiểu được mình thích gì, họ sẽ có đủ đam mê để tạo nên những video có ý nghĩa với mình trước hết, rồi từ đó truyền cảm hứng tới người khác.

Cảm ơn Siêu!

Năm 2018, Siêu 23 tuổi đã ra mắt cuốn sách "Cô đơn để trưởng thành – Nhật ký từ nước Mỹ" tập hợp những ghi chép về đất nước, con người, văn hóa Mỹ trong suốt 4 năm xa nhà du học bằng góc nhìn riêng đầy tỉ mỉ.

Em học song song hai ngành Điện ảnh và Truyền thông ở trường Đại học Vassar, bang New York, từ năm 2013 tới năm 2017. Sau khi tốt nghiệp, em làm việc tại hãng phim truyền hình Paramount, cho tới cuối năm 2021 thì chuyển sang HBO. Các sản phẩm em làm bao gồm trailer, quảng cáo tập tiếp theo, các video hậu trường, và các video dành riêng cho mạng xã hội (Facebook, Instagram, TikTok, X, Snapchat).

Nghiêm Huê

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/chang-trai-viet-voi-de-cu-giai-emmy-dau-tien-post1658520.tpo
Zalo