NSND Thu Huyền làm gì ở 'Anh trai vượt ngàn chông gai'?

Tập 10 'Anh trai vượt ngàn chông gai', 4 anh tài phải dừng chân gồm Đăng Khôi, Neko Lê, Phạm Khánh Hưng và Nguyễn Trần Duy Nhất.

Tập này, 28 anh tài - 4 nhà thi 4 tiết mục song ca và 4 tiết mục nhóm.

Kay Trần nhớ phút chở mẹ trong cơn nguy kịch

Phần thi song ca, Quốc Thiên và Rhymastic của nhà Trẻ thi đầu tiên với bài Đêm cô đơn (sáng tác: Trung Kiên). Hai "chàng độc thân" biến tấu bài hát trở nên vui tươi, rộn ràng.

Đại diện nhà Mứt gừng, cặp Phạm Khánh Hưng - Đỗ Hoàng Hiệp khoe giọng với bài Gọi anh (sáng tác: Dương Thụ).

Phạm Khánh Hưng chọn hình ảnh ngồi hát bên cây piano để nhắc khán giả nhớ hình ảnh quen thuộc 20 năm trước. Đỗ Hoàng Hiệp nhận xét 2 giọng ca như "hai thái cực", tưởng như không thể song ca lại hòa hợp bất ngờ.

Sau đó, tiết mục Chuyện nhà bé thôi, con đừng về (sáng tác: Kai Đinh) của Kay Trần, Bùi Công Nam (nhà Chín muồi) khiến khán giả trường quay và các anh tài khóc.

Kay Trần bần thần.

Kay Trần bần thần.

Hát xong, Kay Trần nói tâm trạng "thổn thức, dường như chạm đáy và không thể khóc" vì nhớ quá khứ khó khăn. Cách đây 3 năm, anh từng trải qua cảnh trong túi còn vỏn vẹn 5 triệu đồng, lái xe máy chở mẹ đang nguy kịch khắp nơi cầu cứu các bác sĩ.

"Tôi rất biết ơn những người anh đã giới thiệu các y, bác sĩ cứu sống mẹ, để bà khỏe như hôm nay. Với tôi, hạnh phúc lớn nhất đến cuối đời là hạnh phúc của gia đình, là những người còn hiện hữu bên mình", anh nghẹn ngào.

Tiết mục song ca cuối cùng là 12H03 (sáng tác: APJ) do Cường Seven và Trọng Hiếu - nhà Cá lớn - thể hiện. Phần trình diễn sôi động, vũ đạo lôi cuốn.

Loạt NSND, NSƯT lên sân khấu "Anh trai vượt ngàn chông gai"

Phần thi nhóm kịch tính, hấp dẫn với các tiết mục được đầu tư lớn. Đáng lưu ý, 4 tiết mục lồng ghép các loại hình nghệ thuật như nhã nhạc cung đình Huế, chèo, đờn ca tài tử... - di sản văn hóa phi vật thể của quốc gia và nhân loại - với sự góp mặt của các nghệ sĩ khách mời tiêu biểu cho từng lĩnh vực.

Tiết mục Mưa trên phố Huế.

Tiết mục Mưa trên phố Huế.

Nhà Chín muồi thi đầu tiên với bài Mưa trên phố Huế (nhạc: Minh Kỳ, thơ: Tôn Nữ Thụy Khương). Sân khấu đậm chất Huế với nghệ thuật múa chén, nhã nhạc cung đình Huế, áo dài, nón lá...

Các anh tài hát rap, làm mới giai điệu nhạc phẩm kinh điển bên cạnh dàn khách mời gồm NSƯT Anh Tấn, nghệ sĩ Hồ Nga và nhóm Mặt trời đỏ.

Trong thời gian ngắn, các anh tài - hầu hết là người miền Tây - phải luyện hát giọng Huế. Tăng Phúc, Bùi Công Nam và Neko Lê còn tập chơi đàn tranh, đàn nguyệt, đàn tỳ bà phụ họa cho phần múa chén.

NSND Thu Huyền bên các anh tài.

NSND Thu Huyền bên các anh tài.

Tiết mục thứ 2 - Đào liễu gây sốt khi các ca sĩ, rapper trẻ phải hát chèo cùng NSND Thu Huyền. Không gian sân khấu Đào liễu tái hiện hội làng với sắc đỏ mãn nhãn.

Đáng lưu ý, Binz thể hiện tốt giai điệu, ý tứ của một tác phẩm truyền thống khiến các anh tài lẫn nghệ sĩ Thu Huyền ngỡ ngàng.

NSND lĩnh vực chèo chia sẻ: "Bất ngờ khi các bạn hát hay quá. Hát chèo mà có thể hát trên nền nhạc sôi động như thế. Rất xúc động”.

Tiết mục "Đào liễu"

Tiết mục được đánh giá đầu tư nhất là Dạ cổ hoài lang (sáng tác: Cao Văn Lầu) với câu chuyện kháng chiến chống giặc ngoại xâm trong bối cảnh Nam bộ cách đây 100 năm.

Khi được giao bản Dạ cổ hoài lang, các thành viên nhà Mứt gừng căng thẳng, áp lực. Phan Đinh Tùng nói bài này "đau đầu nhất, nan giải nhất" còn Trương Thế Vinh hiểu phải thể hiện chuẩn mực, không được phép phá cách. Họ được nghệ sĩ khách mời là NSND Hữu Quốc hỗ trợ.

Sân khấu hoành tráng của "Dạ cổ hoài lang".

Sân khấu hoành tráng của "Dạ cổ hoài lang".

Trên sân khấu, ca sĩ Bằng Kiều gây chú ý khi hát vọng cổ khá tốt, những đoạn luyến láy ra chất Nam Bộ. Anh cảm ơn Hữu Quốc giúp mình đạt được mơ ước hát cải lương.

Cuối cùng, các thành viên Nhà Cá lớn thi bài Chiếc khăn piêu (lời: Doãn Nho). Sân khấu ấn tượng với khung cảnh Tây Bắc cùng dàn nhạc cụ khèn, đàn môi, sáo mèo... Khách mời là nghệ sĩ sáo mèo Đinh Nhật Minh.

Qua tiết mục, NSND Tự Long và các anh tài muốn tri ân các anh hùng dân tộc đã ngã xuống vùng biên giới, ca ngợi tình cảm hậu phương đẹp đẽ giữa quân và dân; tri ân lực lượng chiến sĩ biên phòng.

Thanh Duy có màn đu người trong tiết mục "Chiếc khăn piêu".

Thanh Duy có màn đu người trong tiết mục "Chiếc khăn piêu".

“Chúng tôi muốn gửi gắm đến người trẻ: Để có có cuộc sống bình yên như hôm nay, đã có biết bao nhiêu thế hệ cha anh ngã xuống. Thời bình, những chiến sĩ vẫn ngày đêm canh gác từng tấc đất thiêng liêng Tổ quốc. Họ làm được điều đó vì đằng sau có gia đình, có những chiếc khăn piêu, sự hỗ trợ của hậu phương - điểm tựa vững chắc nhất của người lính”, Tự Long nói.

Sau 8 màn trình diễn, nhà Trẻ giành chiến thắng, 4 anh tài phải ra về gồm: Đăng Khôi (nhà Cá lớn), Neko Lê (nhà Chín muồi), Phạm Khánh Hưng và Nguyễn Trần Duy Nhất (nhà Mứt gừng).

Ảnh: NSX

Gia Bảo

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/nsnd-thu-huyen-lam-gi-o-anh-trai-vuot-ngan-chong-gai-2319593.html
Zalo