Chàng kỹ sư điện và hành trình 10 năm cõng gạch xây trường trên núi

Với phương châm 'Đi thật xa - Nơi thật khó - Đến tận nơi - Trao tận tay', anh Nguyễn Bình Nam đã trở thành sứ giả đưa con chữ đến gần hơn với trẻ em vùng cao.

Hành trình 10 năm cõng gạch xây trường

Với vóc dáng dong dỏng và làn da rám nắng, anh Nguyễn Bình Nam, 45 tuổi, không giống những gì người ta thường liên tưởng đến lãnh đạo ngành điện ở miền Trung. Khi đến cơ quan, anh chỉnh tề trong bộ quần âu và sơ mi trắng. Nhưng khi xuống với đồng bào Ca Dong, Xê Đăng, Cơ Tu ở những vùng núi xa xôi của Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Trị, anh lại khoác lên mình phong thái giản dị với quần lửng, áo thun và đôi dép rọ.

Anh Nguyễn Bình Nam chăm sóc em nhỏ vùng cao. Ảnh nhân vật cung cấp

Anh Nguyễn Bình Nam chăm sóc em nhỏ vùng cao. Ảnh nhân vật cung cấp

Hiện anh là Chủ nhiệm câu lạc bộ Bạn thương nhau. Câu lạc bộ được thành lập vào năm 2013 do anh Nam và nhóm bạn lập ra để tổ chức các hoạt động giúp đỡ cho trẻ em, người nghèo, người yếu thế.

Nói về cơ duyên xây 18 trường học cho trẻ em vùng cao trong 11 năm qua, anh Nam cho biết, năm 2013, trong một chuyến thiện nguyện về miền núi, nhìn cảnh thầy trò chen chúc trong lớp học tạm bợ dựng trên nền của một chuồng nuôi gia súc cũ nát, bốn bề trống hoác, nền đất sình lầy, trong đầu anh nảy ra ý định vận động xây dựng một điểm trường tại đây.

Nhớ lại những ngày đầu gian khó ấy, anh Nam kể, để có đủ vật liệu xây trường, cả nhóm phải chắt chiu từng đồng, mua từng tấm tôn, cây xà gồ, gạch men rồi chở từng thứ lên con đường núi hiểm trở. Nước sạch phải kéo ống dẫn dài hàng cây số từ trên đỉnh cao về tận nơi xây dựng. Ngày ấy, đi vận động thợ lên núi xây trường, ai cũng ngần ngại vì đường xa, điều kiện sinh hoạt thiếu thốn. Sau nhiều lần thuyết phục, cuối cùng cũng có một đội thợ nhận lời.

Để đảm bảo chất lượng công trình, đội thợ phải tranh thủ làm từ sáng sớm khi trời còn ráo. Nhưng chỉ được vài tiếng, trời lại đổ mưa như trút nước, buộc họ phải tạm nghỉ. Dự tính ban đầu chỉ mất hai tuần để xây hai phòng học cấp 4, nhưng vì thời tiết khắc nghiệt, đội thợ phải miệt mài suốt một tháng rưỡi. Từng viên gạch, từng cây trụ được xếp chồng lên nhau một cách chậm rãi nhưng kiên trì. Niềm hy vọng và sự phấn khởi của các thành viên câu lạc bộ cũng như người dân và học sinh nghèo nơi đây cũng lớn dần theo từng ngày.

Người dân được câu lạc bộ Bạn thương nhau thuê để vác vật liệu xây dựng lên các điểm trường vùng cao. Ảnh nhân vật cung cấp

Người dân được câu lạc bộ Bạn thương nhau thuê để vác vật liệu xây dựng lên các điểm trường vùng cao. Ảnh nhân vật cung cấp

Đầu tháng 6 năm 2013, điểm trường Nước Ui chính thức khánh thành, mở ra một tương lai tươi sáng cho trẻ em vùng cao. Sau mười năm đưa vào sử dụng, điểm trường được xây dựng thêm sân chơi, mái hiên, cổng chào và khu ăn trưa khang trang. Không chỉ là nơi học tập, điểm trường còn trở thành nơi sinh hoạt cộng đồng, điểm bầu cử của địa phương, mang lại niềm vui và sự gắn kết cho cả bản làng.

Tháng 6 năm 2013, điểm trường Nước Ui khánh thành, bàn giao cho Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trà Mai. Nhìn nụ cười rạng rỡ và ánh mắt hạnh phúc của thầy trò, các thành viên câu lạc bộ Bạn thương nhau ấp ủ một ước mơ giản dị: mỗi năm xây thêm một điểm trường mới.

Anh Nguyễn Bình Nam, người tiên phong trong hành trình này, rút ra bài học quý báu: “Xây trường vùng cao phải dự trù kinh phí gấp 3-4 lần so với dưới xuôi. Không xây vào mùa mưa vì đường sình lầy, nước suối chảy xiết".

Thắp sáng ước mơ vùng cao

Sau lần "bén duyên" với điểm trường đầu tiên ấy, dường như đã tạo sức mạnh hơn cho anh Nam và cộng sự tiếp tục hành trình xây dựng thêm hàng chục điểm trường khác tại những huyện miền núi xa xôi của tỉnh Quảng Nam. Mỗi ngôi trường được dựng lên là một câu chuyện đầy cảm động về tấm lòng của những người thiện nguyện.

Nóc Ông Phụng là điểm trường thứ 18 mà anh Nguyễn Bình Nam cùng câu lạc bộ Bạn thương nhau kêu gọi mạnh thường quân xây tặng đồng bào ở những rẻo cao miền Trung trong suốt 11 năm qua. Riêng tại Quảng Nam, anh đã trao tặng 12 điểm trường, còn lại ở huyện Trà Bồng, Quảng Ngãi. Mỗi điểm trường được xây dựng khang trang, đủ chỗ học cho khoảng 60 học sinh. Nhờ vậy, hơn 1.000 trẻ em mầm non và lớp 1-2 đã có được môi trường học tập tốt hơn, thay cho những ngôi nhà gỗ ọp ẹp trước đây. Từ lớp 3 trở lên, các em có thể đến trường học tại trung tâm xã.

Điểm trường Ông Phụng là điêm trường thứ 18, được anh Bình Nam và nhóm Bạn thương nhau bàn giao ngày 31/8. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Điểm trường Ông Phụng là điêm trường thứ 18, được anh Bình Nam và nhóm Bạn thương nhau bàn giao ngày 31/8. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Ông Võ Đăng Thuận, Trưởng phòng Giáo dục huyện Nam Trà My, bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến anh Nam và câu lạc bộ Bạn thương nhau. Ông cho biết, ngoài việc giúp ngành giáo dục huyện xóa bỏ được các phòng học tạm bợ, câu lạc bộ còn tặng áo ấm, lắp đặt điện mặt trời, cung cấp nước sạch và xây cầu treo cho đồng bào. "Mọi tài trợ của anh Nam rất hiệu quả với trẻ em vùng Nam Trà My chúng tôi", ông Thuận xúc động nói.

Với khát khao mang đến tương lai tươi sáng hơn cho trẻ em vùng cao, anh Nguyễn Bình Nam đã cùng câu lạc bộ Bạn thương nhau xây dựng hàng chục điểm trường khang trang. Nhận ra rằng chỉ có trường đẹp thôi chưa đủ, anh tiếp tục khởi xướng dự án "Đi học trên núi", kêu gọi hỗ trợ 500.000 đồng/tháng cho mỗi học sinh mồ côi, khó khăn.

Trải qua hai năm, dự án đã chắp cánh ước mơ đến trường cho 360 em nhỏ vùng núi Quảng Trị, Quảng Ngãi, Quảng Nam. Dù gặp khó khăn sau đại dịch, anh Nam vẫn miệt mài vận động, thậm chí dùng tiền lương của mình để bù vào, mong các em nhỏ luôn được đến trường, được no đủ.

Hành trình của anh Nam và câu lạc bộ Bạn thương nhau không chỉ xây dựng những ngôi trường, mà còn thắp sáng niềm hy vọng trong trẻo cho những trẻ em vùng cao. Mỗi bữa cơm no, mỗi bộ quần áo mới, mỗi cuốn sách được trao tặng đều là minh chứng cho tình yêu thương và sự tử tế của những tấm lòng vàng.

Phương Cúc

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/chang-ky-su-dien-va-hanh-trinh-10-nam-cong-gach-xay-truong-tren-nui-349463.html
Zalo